Chống sạt Mũi Cà Mau bằng kè thân thiện môi trường

Chống sạt Mũi Cà Mau bằng kè thân thiện môi trường
TP - Trước nguy cơ mất Mũi Cà Mau, chiều 13-4, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Cà Mau tổ chức cuộc họp với các sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn..., bàn giải pháp khẩn cấp ngăn chặn sạt lở.

>> Mũi Cà Mau vì đâu bị bào mòn?

Xót xa Mũi Cà Mau

Ông Trần Thanh Tâm, Chánh Văn phòng Sở VH-TT&DL Cà Mau cho biết: “Nhiều người ở Lạng Sơn, Hà Nội, TPHCM... gọi điện thoại chia sẻ, góp ý kiến và tình nguyện góp sức để bảo vệ Mũi Cà Mau. Nguy cơ mất Mũi Cà Mau làm nóng lòng người trong và ngoài tỉnh”.

Họa sĩ Đàm Thanh (Phạm Thị Đoàn Thanh), sống tại Đức, chia sẻ: “Tôi từng đặt chân lên Mũi Cà Mau. Những hình ảnh sinh hoạt của cư dân, phong cảnh Mũi Cà Mau luôn ghi đậm trong tôi, thiêng liêng, gần gũi như một phần máu thịt của mình. Chuyến đi ngắn, thú vị với chồng là người Đức về Mũi Cà Mau, tôi vẽ những bức tranh Mũi Cà Mau để trưng bày với bạn bè “Làng quê Việt Nam”.

Tôi xót xa hay tin Mũi Cà Mau bị sạt lở và hy vọng Mũi Cà Mau không biến mất”. Mũi Cà Mau đặc biệt ở chỗ là mũi cuối cùng, chịu ảnh hưởng cơ chế thủy triều hỗn hợp biển Đông và Vịnh Thái Lan, đa dạng sinh học rừng và biển. Ông Trần Phú Cường, Giám đốc Sở khoa học & Công nghệ Cà Mau nói: “Mũi Cà Mau không thể mất, có thể biến dạng, sạt lở nhanh trong những năm gần đây. Tình trạng sạt lở Khu du lịch Mũi Cà Mau rất nhanh, chịu tác động bởi nhiều yếu tố nên cần nghiên cứu để tìm giải pháp cứu Mũi Cà Mau”.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau: “Nhiều đoàn khách đến Khu du lịch Mũi Cà Mau bức xúc trước những tác động thiếu khoa học, trái với quy luật phát triển. Diện tích rừng Mũi Cà Mau giảm dần, nhiều công trình xây dựng dở dang, diện tích rừng bị thu hẹp, trữ lượng rừng giảm”. Lý giải về việc Khu du lịch Mũi Cà Mau sạt lở nhanh, mạnh, ông Trần Phú Cường cho rằng: Con kênh đào thông ra chân Vọng Hải đài làm cho sóng vỗ mặt Mũi Cà Mau. Một mảng rừng đã bị sóng đánh, làm hở sườn Mũi Cà Mau. Mũi Cà Mau chịu tác động của thủy triều Biển Đông, Vịnh Thái Lan. Nền đất Mũi Cà Mau yếu, thiếu ổn định, mới được bồi lắng nên dễ bị tác động, sạt lở nhanh”.

Xây kè, bơm cát để tạo bãi bồi

Ông Trần Văn Tâm, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Cà Mau cho biết: “Chúng tôi vừa họp với Sở VH-TT&DL, NN&PTNT Cà Mau để tìm giải pháp bảo vệ ngay Mũi Cà Mau. Trước mắt, Sở VH- TT&DL Cà Mau được giao làm chủ đầu tư dự án bờ kè vành đai biển Đông Khu du lịch Mũi Cà Mau để trình giải pháp ngăn chặn sạt lở. Với vai trò chủ đầu tư, Sở VH- TT- DL Cà Mau rà soát, nghiệm thu khối lượng thi công của Cty TNHH Xây dựng- thương mại- du lịch Công Lý để trình Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau quyết định thay đổi thiết kế và xử lý”.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau nói: “Chúng tôi sẽ thay đổi thiết kế, xây dựng kè hai hàng cọc bê- tông, bỏ đá hộc ở giữa, bơm cát vào trong để tạo bãi bồi, trồng rừng. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Cà Mau sẽ đưa ra giải pháp khẩn cấp ngăn chặn sạt lở, bảo vệ Mũi Cà Mau”. Ông Trần Phú Cường, Giám đốc Sở KH&CN Cà Mau nói: Đoạn đê dài 300m, xây dựng thể nghiệm có thể áp dụng ngăn chặn sạt lở Khu du lịch Mũi Cà Mau, nhưng cơ quan chức năng phải nghiên cứu địa chất, dòng chảy, thủy triều, sức gió và quy mô lớn hơn”. Bờ kè thân thiện môi trường, tạo bãi bồi dự kiến được xây dựng tại nơi cách xa bờ biển Khu du lịch Mũi Cà Mau vài trăm mét để chắn sóng, tiêu sóng từ xa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG