Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hà Nam: Cùng nông dân thoát nghèo

Lễ ký kết chương trình Xóa đói giảm nghèo tại xã Thanh Lưu, Thanh Liêm
Lễ ký kết chương trình Xóa đói giảm nghèo tại xã Thanh Lưu, Thanh Liêm
TPO - Năm 2014, với phương châm hành động “Đoàn kết – Đổi mới – Hiệu quả”, bám sát chương trình công tác của Đoàn cấp trên và nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh nhà, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hà Nam đã đăng ký đảm nhận công trình thanh niên cấp tỉnh: Cùng nông dân xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm thoát nghèo, góp phần hoàn thành chỉ tiêu về đích xã Nông thôn mới.

5 nhiệm vụ trọng tâm được triển khai đến các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh năm 2014 là: Tư vấn hướng nghiệp cho đoàn viên thanh niên, học sinh THPT; giải quyết việc làm cho ĐVTN về Khu công nghiệp Châu Sơn (TP Phủ Lý); đẩy mạnh xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho ĐVTN với quy mô trên toàn tỉnh; xây dựng khu dân cư không phát sinh thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội và đặc biệt là chương trình “Cùng nông dân thoát nghèo” tại xã Thanh Lưu (huyện Thanh Liêm).

Chương trình “Cùng nông dân thoát nghèo” là hành động thiết thực của tuổi trẻ Hà Nam trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới, nhằm mục đích làm giảm tỷ lệ hộ nghèo tại xã Thanh Lưu từ 4,13% xuống dưới 3%, góp phần đảm bảo đạt chỉ tiêu xã nông thôn mới trong năm 2014.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chủ động làm việc với Đảng ủy, chính quyền xã Thanh Lưu, tổ chức lễ ký kết phối hợp thực hiện chương trình “Cùng nông dân thoát nghèo”.

Theo đó, Tỉnh đoàn đã tiến hành khảo sát tình hình 81 hộ nghèo của xã, lựa chọn 18 hộ nghèo tham gia chương trình. Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các mô hình chăn nuôi tại một số tỉnh lân cận: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa… và một số tỉnh phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng,… cán bộ Tỉnh đoàn đã tư vấn, hướng dẫn các hộ nghèo lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với tình hình của từng hộ.

Để có nguồn vốn hỗ trợ các hộ nông dân, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phát động chương trình đóng góp, ủng hộ của đoàn viên thanh niên từ các cơ sở Đoàn trực thuộc trong toàn tỉnh với tổng số tiền gần 90 triệu đồng.

Mỗi hộ dân được hỗ trợ 5 triệu đồng để làm chuồng trại, mua giống, mua thức ăn chăn nuôi. Trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình, Tỉnh đoàn đã cử tổ công tác, đội thanh niên tình nguyện liên hệ để giúp người dân mua giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn các hộ nghèo làm chuồng trại, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi và giới thiệu đơn vị thu mua sản phẩm cho các hộ gia đình.

Đồng thời, phân công 2 đồng chí cán bộ cơ quan “3 cùng” (cùng sinh hoạt tại địa phương, cùng làm việc, cùng tháo gỡ khó khăn) với người dân, trực tiếp hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, đảm bảo nguồn thức ăn, kịp thời xử lý khi vật nuôi xuất hiện biểu hiện bất thường.

Các mô hình chăn nuôi được áp dụng cho 18 hộ nghèo đợt này như nuôi ếch, lươn không bùn, công nghệ mới, thỏ giống Newzealand, các hộ còn lại tiếp tục duy trì phát triển mô hình kinh tế cũ như: nuôi lợn, gà, bán hàng tạp hóa...

Mặc dù đây là những mô hình mới, lần đầu tiên được áp dụng tại tỉnh song đã được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn nghiên cứu kỹ lưỡng, có tính khả thi cao trước khi áp dụng để người dân có thể tiếp cận dễ dàng.

Đặc biệt, tất các các mô hình đều được hỗ trợ giống, vốn, được hướng dẫn cụ thể, từng bước về kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi, được bao tiêu sản phẩm, do đó đã động viên các hộ gia đình tích cực chăn nuôi theo kỹ thuật mới.

Chia sẻ về việc áp dụng mô hình kinh tế thoát nghèo, anh Đỗ Quang Đĩnh (Thanh Lưu) cho biết “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã, tôi đã tìm nhiều cách để cải thiện kinh tế của gia đình nhưng đều thất bại. Đến nay, được sự hỗ trợ của Đoàn thanh niên tỉnh về giống, vốn, kỹ thuật, gia đình tôi đã mạnh dạn nuôi lươn không bùn. Các đồng chí cán bộ Tỉnh đoàn thường xuyên hướng dẫn gia đình về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Nhờ đó, đàn lươn đang rất khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Hi vọng trong thời gian tới, đàn lươn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, giúp gia đình tôi thoát nghèo bền vững”.

Sau gần 4 tháng áp dụng kỹ thuật mới, các mô hình phát triển kinh tế đã đạt kết quả khả quan. Với sự giúp sức của cán bộ Tỉnh đoàn cùng sự quyết tâm, mong muốn thoát nghèo của bà con nông dân, vật nuôi đã đi vào phát triển ổn định.

Trong năm 2014, 18 hộ đăng ký tham gia chương trình “Cùng nông dân thoát nghèo” của Tỉnh đoàn sẽ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bằng chính hiệu quả mô hình kinh tế đang áp dụng. Số tiền 5 triệu đồng đã vay để phát triển kinh tế sẽ được các hộ gia đình hoàn lại Tỉnh đoàn sau khi đã thoát nghèo và tiếp tục được trao cho các hộ nghèo khác để đầu tư, nhân rộng mô hình.

Đánh giá về chương trình, ông Nguyễn Hải Hồng - Chủ tịch UBND xã Thanh Lưu cho biết: “Chương trình Cùng nông dân thoát nghèo do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hà Nam triển khai tại xã Thanh Lưu được chính quyền, nhân dân ủng hộ cao và bước đầu đã cho thấy những kết quả khả quan.

Với những mô hình phát triển kinh tế không những giúp các hộ dân thoát nghèo mà còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế chung của địa phương. Đây là một cách làm hay, có hiệu quả thiết thực và rất cần được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh để tăng nguồn thu nhập, bảo đảm đời sống cho người nông dân, góp phần làm giảm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh”.

Đồng chí Vũ Tiến Tiệp – Bí thư Tỉnh đoàn Hà Nam khẳng định: “Chương trình Cùng nông dân thoát nghèo của Tỉnh đoàn là một trong những cách làm sáng tạo của tuổi trẻ Hà Nam tham gia xây dựng nông thôn mới, có tính thiết thực và khả năng ứng dụng rộng rãi trên toàn tỉnh.

Điểm mới của chương trình là trong quá trình thực hiện, các hộ nghèo luôn có sự hỗ trợ của cán bộ, đoàn viên thanh niên từ lúc chọn mô hình chăn nuôi, hỗ trợ vốn, giống, xây dựng chuồng trại, đến chăm sóc kỹ thuật và cuối cùng là bao tiêu sản phẩm.

Tổ chức Đoàn đã thể hiện vai trò đồng hành cùng nông dân thoát nghèo, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn tại cơ sở.”

Với việc mạnh dạn đảm nhận việc khó, việc mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới, tuổi trẻ tỉnh Hà Nam đã và đang góp phần làm chuyển biến nhận thức tự vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo. Đồng thời phát huy vai trò xung kích tham gia phát triển kinh tế xã hội, xung kích vì cuộc sống cộng, góp phần thiết thực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh nhà cũng như cùng với tuổi trẻ cả nước phát huy sức trẻ, lòng nhiệt tình trong sự nghiệp xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.