Khởi nghiệp thế nào trong khủng hoảng?

Khởi nghiệp thế nào trong khủng hoảng?
Cách đây vài năm, khi kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn thuận lợi, nhiều bạn trẻ thi nhau khởi sự doanh nghiệp, mở hướng kinh doanh. Người ta thường nghe đến những người trẻ sở hữu công ty riêng.

>Những ý tưởng tiền tỷ
>Mở lối đi riêng
>Là người số hai tốt nhất

Nhưng, ở những thời điểm nền kinh tế khó khăn như hiện nay, người trẻ cần làm gì? Sinh Viên Việt Nam có cuộc trao đổi với TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường - giá cả (Bộ Tài chính).

Tìm cơ hội

Trước tiên, ông có thể cho biết một cách ngắn gọn về thực trạng nền kinh tế nước ta hiện nay?

Kinh tế Việt Nam, kể từ năm 1991, chưa bao giờ khó khăn như bây giờ.

Trong bối cảnh đó, những bạn trẻ muốn khởi nghiệp sau khi ra trường, cần phải làm gì, thưa ông?

Nếu làm "ông chủ" thì điều quan trọng nhất là cơ hội kinh doanh. Và để đáp ứng được cơ hội kinh doanh thì phải có đầy đủ các yếu tố: Mặt bằng, vốn, nguồn nhân lực… Đó là những yếu tố để các bạn trẻ có thể làm chủ. Thời kỳ kinh tế phát triển thì ngành này phát triển kéo theo ngành nghề khác cũng phát triển, tạo ra vô số những cơ hội kinh doanh. Nhưng khi nền kinh tế gặp khó khăn như hiện nay thì cơ hội kinh doanh bị thu hẹp hơn so với trước đó và điều kiện để tổ chức hoạt động kinh doanh khó hơn rất nhiều. Ở thời điểm hiện nay, bản thân những người kinh doanh từng được gọi là "có máu mặt" cũng không khai thác hết được các nguồn lực về vốn. Nhưng có một lợi thế là họ có ưu thế về nguồn lực, địa điểm. Bây giờ, mặt bằng cho thuê khá nhiều, giá thấp, vì thế cơ hội tiếp cận sẽ rất nhiều. Mặt khác, nhân lực cũng dễ tập hợp hơn.Trước đây, khi nền kinh tế bùng nổ thì những nơi thu nhập cao đã hút hết nhân lực.

Như vậy, đối với người trẻ muốn khởi nghiệp theo kiểu làm chủ thì họ có nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Tiếp cận vốn khó khăn hơn, nhưng đổi lại có lợi thế về mặt bằng và nhân lực. Ví dụ, năm 2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính xảy ra, nhiều sinh viên Việt Nam từ Mỹ về nước vì họ không kiếm được việc làm ở Mỹ. Tại thời điểm đó, Việt Nam đã hút được một nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhưng không phải ai ra trường cũng chọn làm chủ?

Đúng vậy. Sinh viên ra trường phần lớn là đi "làm thuê". Tại thời điểm hiện nay, cơ hội kiếm việc làm là cực kỳ khó, cơ hội kiếm việc thu nhập cao càng khó hơn vì thị trường lao động bị dư thừa so với số đầu việc có thể cung ứng. Đồng thời, những ngành có truyền thống trả lương cao như bất động sản, tài chính, ngân hàng… thì lại đang "chết".

Do vậy, theo tôi, trong tình hình khó khăn hiện nay, các bạn sinh viên kiếm được việc gì hợp lý thì tranh thủ nắm ngay cơ hội, đừng băn khoăn đến việc có đúng ngành hay không, cũng đừng tham vọng đòi lương cao. Nhiều bạn trẻ bây giờ đi phỏng vấn xin việc rất biết cách mặc cả tiền lương. Nhưng trong bối cảnh như thế này thì đừng đặt vấn đề tiền lương lên trên hết.

TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường - giá cả (Bộ Tài chính)
TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường - giá cả (Bộ Tài chính).

Vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy, ông thấy trong chuyện khởi nghiệp, các bạn sinh viên có nét tâm lý gì đáng chú ý?

Dù là người đi làm thuê, hay định làm chủ, thì lời khuyên chung cho cả hai bộ phận là phải học để trang bị cho mình. Tuy nhiên, hiện nay đa phần sinh viên đang mắc hai vấn đề. Một là, các bạn thích làm đúng ngành đúng nghề. Nhưng trong một xã hội năng động với nền kinh tế phát triển, thì khái niệm này không phù hợp. Nó chỉ mang tính chất tương đối. Hai là, các bạn chỉ thích kinh doanh. Cái gì cũng kinh doanh mà coi thường chuyên môn. Giảng viên hay đưa ra ví dụ Bill Gates hay Steve Jobs bỏ học để sau đó trở thành những tỉ phú đôla. Nhưng những người như Bill Gates thì 7 tỉ người mới có một vài người. Thực chất, việc bạn trẻ tự trang bị cho mình kiến thức tức là giúp mình không rơi vào tầng lớp người nghèo. Sinh viên phải biết phát triển dựa trên chuyên môn của họ. Sinh viên tốt nghiệp đi làm phải có chuyên môn, nhưng không có nghĩa là phải làm theo đúng ngành, đúng chuyên môn. Đừng tuân thủ cứng nhắc theo ngành nghề mà phải tận dụng lợi thế của ngành nghề, kể cả đi xin việc và kinh doanh.

Thừa người dở, thiếu người giỏi

Ông có nói rằng, những nghề thời thượng đang bị "thất sủng", theo ông, tới đây những ngành nghề nào sẽ giúp người học dễ xin việc?

Nói về nghề nghiệp thì phải nhìn vào khả năng tăng trưởng kinh tế của nước ta. Sẽ khó thay đổi kết cấu nghề nghiệp (theo ngành): Tới đây, chắc chúng ta vẫn phải tăng trưởng dựa vào công nghiệp. Về đóng góp cho GDP, nông nghiệp chắc vẫn giữ được khoảng 20%, công nghiệp sẽ đóng góp 40% và dịch vụ đóng góp khoảng 40%. Đối với nông nghiệp, những người làm thuần nông sẽ giảm, vì có khoảng hơn 50% số lao động làm trong lĩnh vực này, nhưng lại chỉ đóng góp có 20% GDP, thì chắc chắn họ vẫn là tầng lớp nghèo. Và họ, những lao động giản đơn, sẽ tự động chuyển dịch ra khỏi lĩnh vực này (sang dệt may, chế biến gỗ…). Còn sinh viên, không phải là lao động giản đơn, ra trường sẽ là cán bộ hành chính - văn phòng, kỹ sư…

Tới đây, tôi mong rằng, người trẻ đừng tư duy chỉ làm ở Việt Nam. Nếu có trình độ thực sự thì có thể làm bất cứ nơi đâu. Tình hình kinh tế trong nước khó khăn, bạn có thể tìm một công việc nào đó ở Lào, Singapore, hay thậm chí là Mỹ…

Ở thời điểm hiện tại, vẫn có những ngành nghề hấp dẫn khi người lao động thực sự có trình độ. Và nhu cầu lao động có tri thức cao vẫn rất lớn. Chúng ta cứ hay nói thừa thầy, thiếu thợ, nhưng theo tôi thì không phải. Chúng ta thiếu tất cả, nhưng cũng thừa tất cả: Thiếu người thầy giỏi, thợ giỏi; thừa thầy kém, thợ kém. Cơ hội đến với tất cả mọi người, nhưng phải là thầy "thật" và thợ "thật".

Theo ông, phải chờ đợi bao lâu nữa thì nền kinh tế sẽ khả dĩ hơn?

Điều này thật khó đoán. Nếu ai đưa ra dự đoán thì tôi e rằng người ta đoán bừa. Không thể cầm đèn chạy trước ôtô. Vì nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế thế giới. Nhưng không ai biết được nền kinh tế nước ngoài như thế nào trong thời gian tới. Ví dụ, liệu đồng euro có tồn tại không? Số phận của nền kinh tế còn phụ thuộc vào các biến động như vậy trên thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Theo Lê Ngọc Sơn - Hiền Anh
Báo Sinh viên Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.