Xây dựng lòng tin với sếp

Xây dựng lòng tin với sếp
Những mối quan hệ tốt đẹp và bền vững đều được xây dựng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Khi được tin tưởng thì đó là cơ hội để bạn có những bước tiến mới trong sự nghiệp
 
Xây dựng lòng tin với sếp ảnh 1

Bạn sẽ thấy thoải mái và tự tin hơn khi làm việc với người tin tưởng mình. Để tạo dựng lòng tin nơi sếp, trước hết, bạn cần hiểu rõ phong cách quản lý của sếp. Thông thường, có 2 dạng quản lý: Quản lý “cầm tay chỉ việc” (micromanager) và quản lý “trao quyền” (hands off manager). Với từng phong cách quản lý, bạn hãy chọn cách làm việc phù hợp để xây dựng mối quan hệ.

Quản lý “cầm tay chỉ việc”

Người quản lý dạng này luôn muốn quản lý mọi việc đến từng chi tiết. Họ muốn biết rõ từng bước thực hiện một dự án và sẽ tham gia từng công việc trong dự án đó. Họ cũng để ý đến cách nhân viên làm công việc được giao và mong muốn kết quả đạt được theo đúng tiêu chuẩn họ đặt ra.

Xây dựng lòng tin với người quản lý “cầm tay chỉ việc” cần có thời gian và sự kiên trì. Khi bạn hoàn thành tốt công việc đúng như mong đợi của sếp và hạn chế tối đa những sai sót trong quá trình thực hiện, sếp sẽ ngày càng tin tưởng bạn hơn. Để được vậy, bạn cần rõ ràng trong công việc. Trước khi bắt đầu bất kỳ công việc nào, bạn cần hiểu sếp bạn muốn kết quả công việc ra sao và bàn bạc trước với sếp cách thức bạn sẽ làm.

Trong quá trình làm việc, bạn nên báo cáo sếp công việc liên quan hay tiến độ của công việc. Khi gặp khó khăn, bạn nên hỏi ý kiến sếp để chọn giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, bạn phải cẩn thận trong từng chi tiết: Vì sếp bạn là người chi tiết nên bạn cần bảo đảm chất lượng công việc từ những phần nhỏ nhất. Đặc biệt với các hợp đồng hay những con số, bạn nên kiểm tra cẩn thận để không gặp phải những sai sót không đáng có.

Quản lý “trao quyền”

Những nhà quản lý theo dạng này thường ít can thiệp vào cách bạn làm việc, miễn là trong thời hạn được giao, bạn mang lại kết quả như mong đợi. Với cách quản lý này, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và tự do hơn.

Tuy nhiên, được trao quyền không đồng nghĩa với việc sếp tin tưởng bạn. Niềm tin sẽ được xây dựng khi bạn “hứa được, làm được”: Sếp luôn đánh giá cao nếu bạn hoàn thành công việc trước thời hạn được giao nhưng vẫn bảo đảm chất lượng công việc.

Vì vậy, bạn phải làm sao để không bao giờ trễ hẹn với sếp. Mặt khác, tuy sếp không can thiệp vào cách bạn làm việc nhưng bạn cũng cần cập nhật cho sếp những vấn đề quan trọng hay những khó khăn bạn gặp phải, cách giải quyết những khó khăn. Dù không phải là người chi tiết nhưng chắc chắn sếp bạn muốn biết những gì đang xảy ra trong nhóm của mình.

Đừng làm sếp mất lòng tin

Dù sếp bạn thuộc dạng quản lý nào, lòng tin của họ dành cho bạn cũng sẽ mất dần nếu bạn hay ngồi lê đôi mách: Bạn có hay than phiền về công ty và đồng nghiệp? Bạn có hay nhận xét về sếp, đồng nghiệp hay về công ty trên các mạng xã hội như Facebook hay Twitter? Hãy cẩn thận vì thế giới rất nhỏ và bạn không bao giờ biết được có lúc sếp bạn có thể đọc được những lời này.

Lòng tin cũng sẽ mất đi nếu bạn thiếu tinh thần trách nhiệm: Khi bạn không toàn tâm toàn ý cho việc bạn làm, chắc chắn kết quả bạn mang về sẽ không như sếp mong đợi. Không chủ động mở rộng phạm vi công việc, bạn sẽ không thể chứng minh cho sếp thấy năng lực của mình để sếp có thể tin tưởng bạn hơn.

Tuy nhiên, không phải sếp nào cũng xứng đáng với những nỗ lực của bạn. Nếu không may sếp bạn là người thiên vị, lợi dụng, không có năng lực hay xem thường nhân viên, dù bạn có cố gắng hết mình thì họ cũng không công nhận bạn. Nếu vậy, đã đến lúc tìm kiếm cho mình một cơ hội tốt hơn.

Theo VNW

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG