Ba nữ nhà văn 8X đang được săn tìm

Ba nữ nhà văn 8X đang được săn tìm
TP - Từ Nữ Triệu Vương, Nguyễn Quỳnh Trang, Hà Kin đều là những người viết trẻ. Không thuộc thế hệ đánh cược cuộc đời với văn chương nhưng tác phẩm của họ ít nhiều đã có ảnh hưởng đối với những bạn đọc cùng thời.

Từ Nữ Triệu Vương sinh năm 1980, được cộng đồng văn chương mạng biết đến với bút danh Đình Đình. Viết văn, làm thơ, là người biên soạn các tập truyện ngắn: Truyện ngắn 8X, Vũ điệu thân gầy, 198X.

Điều gì khiến chị viết văn?

Đàn ông.

Người đàn ông đó có cụ thể không, tôi thấy anh ta trở đi trở lại trong tác phẩm của chị?

Cảm ơn chị là chỉ thấy một khuôn mặt đàn ông trở đi trở lại trong tác phẩm, như vậy là tôi có chung thuỷ với nhân vật nhé, chứ không đa tình lẳng lơ như nhiều người vẫn nghĩ.

Ngay như bạn trai tôi, anh ấy cứ đọc truyện của tôi lại shock nặng và ghen tuông vài ngày. Sau đó anh ấy cho rằng quá khứ của tôi có đến một nửa số đàn ông Việt Nam.

Tôi có suy nghĩ chị lấy bản thân cũng như thế hệ 8X của mình ra viết?

Ai cũng có cách nhìn nhận đánh giá riêng về một vấn đề họ quan tâm. Tôi viết và tôi thích thú với việc quan sát của mình. Tôi thích nhìn ngắm tôi trong gương, thích nói chuyện với tôi trên giường ngủ, ngoài đường phố, bên cốc rượu, trong quán bar, trong những nụ hôn của người yêu...

Tôi đã thấy và đang thấy tôi khác với ngày hôm qua, ngày hôm kia. Bên cạnh đó, tôi nhìn ngắm cơ thể và hành động của người trẻ, lắng nghe tiếng nói của người trẻ để thấy họ đang làm gì và ra sao.

Cách nhìn của chị với người trẻ trong các tác phẩm quá cực đoan, ngay từ những truyện ngắn như “Rỗng; Em Xinh Không; Ngủ ngoan nhé à ơi; Căn gác mưa; Em lỡ cỡ...” đều thấy nhân vật trẻ của chị hoang mang, sống mất niềm tin, trạng thái luôn trống rỗng?

Tôi yêu các nhân vật của mình thái quá, nên tôi không trốn tránh những suy nghĩ cực đoan của họ. Ai dám khẳng định rằng, thế hệ trẻ đang sống sung sướng thoải mái, họ vô lo vô nghĩ? Ai dám khẳng định đường họ đi chỉ trải thảm đỏ và hoa hồng, đồ ăn họ dùng là trứng cá hồi và rượu vang Pháp?

Các nhân vật trẻ của tôi có thể trống rỗng, có thể mất niềm tin, có thể hoang mang..., thậm chí, họ tệ hơn như vậy thì tôi vẫn cứ trân trọng sự xuất hiện của họ. Tôi không muốn họ khoác mặt nạ đạo đức, sống nhiệt tình và hết mình bởi cái lý do vớ vẩn mà họ cũng không hiểu kia, để rồi bước vào tác phẩm của tôi.

Nhưng chị là người viết, và độc giả sẽ thấy người trẻ trong các tác phẩm kia như một đại diện...

Họ không thông minh để nhìn nhận và đánh giá thì họ ráng chịu, tôi không hơi sức đâu kêu gào hay giải thích họ hãy hiểu khác đi. Tôi chẳng đại diện cho ai ngoài tôi, nhân vật của tôi cũng chỉ đại diện cho họ trong tác phẩm.

Vậy còn những cuốn như “Truyện ngắn 8X; Vũ điệu thân gầy” và sắp tới đây là “Truyện ngắn 198X” của thế hệ 8X kia, chị cứ bận bịu tuyển chúng nhằm mục đích gì? Phải chăng chị muốn chứng minh có một “dòng văn học 8X” ở đấy?

“Truyện ngắn 8X” ra đời như một lời tuyên ngôn bồng bột của tuổi trẻ, để rồi đằm thắm hơn khi sang “Vũ điệu thân gầy” rồi đến một thể nghiệm khác là “Truyện ngắn 198X” mà sắp tới sẽ ra mắt bạn đọc. Mục đích của những cuốn sách đấy nhằm giới thiệu những truyện ngắn mới nhất (trong thời điểm bấy giờ) của các tác giả trẻ đến bạn đọc.

Hình tượng một chút thì các tuyển tập có những khuôn mặt lạ, quen ngồi chung nhau trong một bàn trà. Còn những cuốn sách đó có tạo nên một dòng văn học hay không thì phụ thuộc vào nền văn học của nước nhà có... ẩm ương hay không. Chứ riêng tôi thấy, 3 tuyển tập đó cũng chưa thể gọi tên “dòng văn học 8X”.

Các nhân vật của tác giả trẻ thường ám ảnh về tình yêu, và chị không ngoại trừ họ?

Đến ngay như ông cụ 70 tuổi còn đắm đuối yêu đương nữa là những người trẻ. Người viết trẻ thì khác những người trẻ hay sao mà họ không được yêu? Đúng là tôi đã yêu, đã thất tình đã điên rồ vì tình, rồi vẫn lại yêu lại được tình để thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Nhưng cảm giác nào cũng thú vị.

Nhưng các nhân vật xưng em trong truyện của chị thường cô đơn, hoang mang, thù hận, đỏng đớt, đàng điếm... Các nhân vật đó khiến người ta liên tưởng đến chị.

Ồ! Cảm ơn chị. Tôi không nghĩ mình lại đáng yêu đến vậy. Tôi thấy chị Thụy Khuê nhận xét “Truyện ngắn của Từ Nữ Triệu Vương với cách viết tự trào”. Còn nghệ sĩ Như Huy nói cách viết của tôi “chân thật đến hết mình”. Tôi không có thói quen ghi lại tất cả các nhận xét về truyện của tôi lắm đâu, hay chị vào blog Marie Sến đọc những comment giúp tôi vậy.

Mặc dù vậy, nhân vật xưng em trong tác phẩm của chị vẫn mang đậm bóng dáng chị.

Cảm ơn sự khẳng định ấy. Tôi thấy tôi ngoài đời thú vị và quyến rũ gấp nhiều lần so với các nhân vật của tôi.

Ba nữ nhà văn 8X đang được săn tìm ảnh 1
Nguyễn Quỳnh Trang

Nguyễn Quỳnh Trang: Chỉ kể lại cuộc sống của các 8X

Nguyễn Quỳnh Trang sinh năm 1981, viết truyện ngắn, làm thơ Tiểu thuyết 1981 được Đông A đề nghị trả nhuận bút từ khi chưa hoàn thành.

1981 có dáng dấp của một cuốn tự truyện và làm người đọc choáng vì những sự thật cay đắng trong đó, Trang viết cuốn sách dựa vào những trải nghiệm hay chỉ đơn thuần là trí tưởng tượng?

Những sự thật mà tôi nói đến trong truyện là những việc xảy ra thường ngày trong cuộc sống này. Tôi chỉ có nhiệm vụ là gom góp và kể lại.

Các 8X trong truyện của Trang gần gũi hay xa lạ với những 8X ngoài đời thực?

Sau khi cuốn sách đến tay các bạn đọc, đặc biệt là các bạn đồng tuổi với tôi, tôi nhận được nhiều phản hồi từ các bạn, các bạn nói với tôi rằng như thể tôi viết về các bạn bởi các bạn thấy chính mình trong đó. Vì vậy tôi nghĩ là các nhân vật trong 1981 gần gũi với các 8x ngoài đời thực.

Bar, pub, vũ trường, thư pháp, trà đạo, đồng tính... dường như tất cả những gì hot nhất của cuộc sống hiện tại đều có thể tìm thấy trong 1981, đấy là sự tự nhiên hay cố gắng để cho tác phẩm có màu đương đại?

Tôi thích những gì đến tự nhiên và nó thuộc về tự nhiên. Bởi "Bar, pub, vũ trường, thư pháp, trà đạo, đồng tính..." đều là những điều tồn tại rất tự nhiên trong xã hội hiện đại này. Những người bạn quanh tôi đều đang sống trong bầu không khí ấy.

Tôi quen một nhóm bạn trẻ yêu thích thư pháp và trà đạo, thậm chí một số trong đó còn là người có tiếng trong việc nghiên cứu, truyền bá, phát triển thư pháp từ cổ đến đương đại hay lối sinh hoạt xưa của người VN, nhưng cũng không từ chối khi đến bar, pub, vũ trường...

Còn vấn đề đồng tính thì rõ ràng đang được xã hội dần thừa nhận như yếu tố sinh lý tự nhiên chứ không còn bị quy chụp bởi vấn đề đạo đức nữa.

Không thấy Trang khai thác nhiều về tính dục trong tác phẩm của mình như một số tác giả cùng thời, đấy có phải là một lựa chọn?

Bản thân tôi cũng từng khai thác khá nhiều về đề tài tính dục trong sáng tác của mình. Đến khi viết 1981, tính dục lại xem nhẹ bởi nó không có sức nặng bằng các câu chuyện khác.

Điều khó khăn nhất của một 8X trong việc đi tìm ý nghĩa cuộc sống cho mình?

Với tôi, ý nghĩa của cuộc sống là được làm công việc mà mình yêu thích như sáng tác văn học và trở thành một phóng viên văn hóa tử tế. Đó là mơ ước từ nhỏ của tôi và tôi đang cố gắng thực hiện điều ấy. Quan trọng hơn nữa, được sống thật với chính bản thân mình.

Tôi rất thích câu nói của họa sỹ trẻ Nguyễn Mạnh Hùng "Nghệ sỹ nghĩa là không bao giờ nói dối". Nhưng điều khó khăn lớn nhất là không phải ai cũng được như vậy.

Hầu hết mọi người đều tạo ra khoảng cách với nhau bằng những "mặt nạ". Ít ai dám bày tỏ ra ngoài những suy nghĩ thực trong đầu mình.

Rất hay thấy ý nghĩ “trốn đời” trong các nhân vật 1981, điều ấy vừa làm họ già đi vừa cho thấy sự “thiếu muối” trong đời sống tinh thần của những người trẻ, Trang có nghĩ vậy không?

Đúng là những người trẻ trong 1981 hay có suy nghĩ "trốn đời" sau mỗi vấp váp. Tuy nhiên sự "trốn đời" này chỉ là khoảng thời gian ngắn để họ có thể bình tĩnh suy nghĩ lại những gì không hay đã xảy ra và "làm sạch" mọi lo lắng, phiền muộn để có sức đi tiếp trên chặng đường tiếp theo.

Như vậy, không thể nói họ "thiếu muối", quan trọng là họ biết đứng dậy sau mỗi thất bại, cũng như khi nhìn lại những thất bại, họ cho đó là một mặt để tạo nên những thành công về sau.

Những người viết văn cùng thế hệ Trang thường coi văn chương như một cuộc chơi, họ đến và đi nhẹ nhàng, riêng bạn thấy “trong từng milimét sáng tạo đều có bước chân người đi qua”, một sự gồng mình quá lớn để đối diện với nghề?

Đúng là “trong từng milimét sáng tạo đều có bước chân người đi qua”, nhưng tôi không phải "gồng mình" chút nào cả vì việc viết văn là nhu cầu tự nhiên của tôi.

Tôi có một điểm yếu, (nhưng tôi nghĩ thế cũng thật may), là tôi quên rất nhanh những gì tôi đã đọc trong các tác phẩm văn học, thậm chí tên nhân vật tôi còn không nhớ nổi, vậy mà tôi lại thích đọc và đọc nhiều.

Bởi điều mà tôi có được sau khi đọc một tác phẩm hay là sự gợi hứng để tôi ngồi vào máy tiếp tục viết. Nhờ vậy, có thể trong lúc nào đó tôi đã hoặc sẽ vô tình tạo ra một cái gì đó mơi mới hơn chăng?

Viết 1981 Trang có tham vọng vẽ nên chân dung của cả thế hệ mình?

Tôi không có tham vọng đó đâu, mà tôi cũng không có bất cứ tham vọng nào khi ngồi viết cả. Đơn giản là tôi chỉ muốn kể lại những câu chuyện về bản thân và bạn bè của mình.

Bằng cảm giác của một người viết Trang thấy thế hệ 1981 thiếu nhất điều gì?

Đó là niềm tin vào chính bản thân mình và những người xung quanh.

Ba nữ nhà văn 8X đang được săn tìm ảnh 2
Hà Kin

Hà Kin: Đánh giá cao sự khác biệt

25 tuổi, là một trong những blogger đình đám nhất Việt Nam hiện nay. Tiểu thuyết “Chuyện tình New York” là cuốn tự truyện đầu tiên trên blog Việt được xuất bản thành sách. 4.000 cuốn “Chuyện tình New York” đã biến mất khỏi quầy sách chỉ trong tháng đầu tiên kể từ khi ra mắt.

Những chuyện tình tự kể thường được rất nhiều: sự chú ý của bạn đọc, sự quan tâm của nhà sách và chả phải tưởng tượng gì nhưng riêng tư của người viết thì gần như mất sạch, Kin có thấy mình cởi mở quá không?

Tôi không nghĩ mình bị “mất sạch” gì cả, và cho dù có “mất” thật đi chăng nữa thì sẽ luôn có một sự bù đắp để khiến người ta sẵn sàng đánh đổi. Vấn đề ở chỗ, “cái mất” hay “cởi mở” của mình sẽ đem lại những điều gì?

Nếu nó đem lại những lời cảm ơn, sự chia sẻ, niềm vui, sự ngưỡng mộ, những suy nghĩ mới và tích cực, tôi thấy sự “cởi mở” của mình là vừa đủ và hợp lý chứ không bị “quá”!

Trong những câu chuyện đã qua người ta hay có xu hướng làm đẹp mình, Kin có mắc phải lỗi nào tương tự ở “Chuyện tình New York”?

Tại sao lại coi đó là “lỗi”? Trong bất kỳ câu chuyện nào cũng cần có những nhân vật đẹp bởi vì mọi người luôn yêu thích cái đẹp, và bởi vì đó là...chuyện nên chẳng có gì mà mất. Còn trong câu chuyện của tôi, nhân vật “tôi” và rất nhiều người khác đều rất đẹp. ... Và đó cũng chính điều này đã khiến “người tình New York” được thu hút đến như thế.

Thêm một điều nữa bonus, có lẽ bây giờ mọi người đã bị bệnh “khiêm tốn” làm che bớt mất cá tính của mình. Thực sự nếu thấy đẹp, hay được khen đẹp, không việc gì mà phải ngại ngần mà nói về điều đó.

Đọc “Chuyện tình New York” thấy những người trẻ của Hà Kin không phải thuộc về Việt Nam, cũng không hẳn là người Mỹ, tóm lại là họ đại diện cho ai?

Tôi kể lại câu chuyện chứ không phải viết truyện. Tôi không xây dựng nhân vật của mình để đại diện cho ai hết. Và những người trẻ trong câu chuyện của tôi, “không thuộc về Việt Nam, không hẳn là người Mỹ”, vì họ là những người....Việt Nam trên đất Mỹ. Đơn giản là vậy.

“Năng động”, “nổi loạn”, “cô đơn”, “hưởng thụ” là những từ người ta hay nói về thế hệ của bạn, bạn nghiêng về cụm từ nào?

Tôi không nghiêng về cụm từ nào cả mà tôi có đầy đủ các yếu tố đó, và yếu tố nào cũng là cần thiết cho cuộc sống cho những con người thuộc thế hệ của tôi, kể cả nỗi cô đơn kia.

Sex, cốt truyện éo le, chi tiết gây sock, ý tưởng độc đáo hay văn phong hài hước... sẽ cuốn hút độc giả trẻ, theo Kin - với tư cách là một blogger đắt khách?

Ý bạn là với tư cách là một blogger đắt khách thì quan điểm của tôi sẽ là gì? Tôi chỉ phát biểu với tư cách là một...độc giả rất bình thường thôi nhé, Điều gì bạn nói cũng có thể thu hút được độc giả trẻ, nhưng cái tôi đánh giá cao là sự khác biệt và cá tính, khác biệt, cá tính mà không bị lạc lõng.

“Chuyện tình New York” đáng mua ở những điểm gì?

Ở sự khác biệt, cá tính mà không bị lạc lõng.

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.