Quà tặng cuộc sống của "Cô gái thủy tinh"

Quà tặng cuộc sống của "Cô gái thủy tinh"
TP - Suốt hai chục năm nay, thế giới của Thu Thương nằm trọn trong một manh chiếu nhỏ. Song hằng ngày, đôi bàn tay kì diệu của cô gái thủy tinh mong manh ấy vẫn làm nên những món quà ý nghĩa gửi tặng cuộc sống…

26 tuổi, chỉ cao chừng 80cm và nặng chưa đầy 20 kg, nhìn vóc dáng nhỏ xíu của Nguyễn Thị Thu Thương ai cũng chạnh lòng. Căn bệnh xương thủy tinh quái ác khiến cho các khớp xương của Thương có thể gãy bất cứ lúc nào nếu va chạm mạnh.

Cô kể: “Trong chừng ấy năm tuổi đời, phải chịu cảnh gãy xương cả trăm lần. Nhẹ thì nằm bất động một tháng, nặng thì chịu đau đớn vài ba tháng mới liền. Dùng thuốc giảm đau quá tốn kém, nên Thương đành nghiến răng chịu đựng, nhiều lúc ngất lịm vì quá đau đớn”. 

Đôi chân bại liệt teo nhỏ không tự đi lại được, thế giới của Thương gói gọn trên chiếc chiếu cói trong căn phòng nhỏ. Trong không gian ấy, Thương chỉ có thể gồng mình lên lăn qua lăn lại nếu muốn di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.

Không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa, Thu Thương ngậm ngùi khỏa lấp niềm khao khát của mình bằng cách tự học tại nhà. Cô gái nhỏ lăn trên cái sàn xi măng tô đi tô lại những nét chữ nguệch ngoạc.

Lớn hơn chút nữa, Thương thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ hơn bất cứ  ai và càng không muốn trở thành gánh nặng cho mọi người. Nhà nghèo, cả gia đình trông vào một tiệm may nhỏ, thu nhập chẳng  đáng là bao. “Nhiều đêm tỉnh giấc, thấy mẹ vẫn còn cặm cụi đạp máy khâu. Nhìn đôi vai gầy, đôi mắt thâm quầng của mẹ, mình không cầm nổi nước mắt...”.

Trăn trở, day dứt, Thu Thương nung nấu quyết tâm phải làm được một việc gì đó. Tận dụng những mẩu len, vụn vải thừa có sẵn ở tiệm may, Thương giấu bố mẹ, bí mật học đan.

Thời gian đầu khó khăn lắm vì đôi tay dị tật không chiều theo ý muốn. Có khi cả một ngày mới xâu được vài mũi, xong lại bị lỗi, bị hỏng… phải dỡ ra làm lại - cứ thế ròng rã suốt mấy tuần liền.

Khi chiếc khăn đầu tiên ra đời, ba mẹ Thu Thương vừa ngạc nhiên, vừa mừng rơi nước mắt, riêng Thương thì tự nhủ “tất cả mới chỉ là bước khởi đầu”.

Tình cờ một lần xem truyền hình, Thương biết đến cơ sở dạy nghề Vì ngày mai dành cho người khuyết tật tại Hà Nội của cô Lê Minh Hiền. Nằng nặc đòi ba mẹ đưa tới đó để... “xem cho vui”, nhưng thực lòng, cô gái nhỏ đã ấp ủ một dự định.

Gặp các bạn cùng cảnh ngộ nơi đây, nhìn những sản phẩm làm ra bởi những con người không lành lặn, Thương mừng lắm. Về nhà, Thương âm thầm làm theo mẫu chiếc đèn bằng cúc áo cô Hiền tặng lúc chia tay. Cả tháng trời miệt mài, cuối cùng chiếc đèn chụp đầu tay kết từ hơn một ngàn khuy áo của Thương cũng hoàn thành.

“Ban đầu Thương chỉ định làm cho riêng mình “ngắm”, sau được mọi người khen ngợi, mình chợt lóe lên ý nghĩ tại sao không phát triển lên theo một hướng mới? Vừa phát huy được khả năng bản thân, vừa kiếm thêm thu nhập phụ gia đình?

Quà tặng cuộc sống của "Cô gái thủy tinh" ảnh 1
Các sản phẩm mới của Thu Thương

Thương nhờ ba mẹ mua nguyên liệu rồi cần mẫn làm hàng, tìm tòi, sáng tạo các mẫu mã mới. Dần dần, ngoài đèn chụp kết từ cúc áo, khăn len, Thu Thương làm cả túi xách nhỏ, túi đựng điện thoại, giỏ hoa, lẵng hoa... Dành dụm được chút vốn, Thương mở một quầy lưu niệm nho nhỏ. Cô vừa là chủ, vừa là nhân viên duy nhất của cửa hàng.

Những sản phẩm  làm bằng tay mang thương hiệu Thu Thương ngày càng nhiều, số lượng khách đến với cửa hàng cũng tăng. “Có đợt luôn tay cả ngày vẫn không hết việc, nhất là mùa đông vừa rồi.

Mỗi sản phẩm mình tự làm ra là một món quà Thương dành tặng cuộc sống, càng vui hơn khi món quà ấy giúp ích cho mọi người - với Thương, chỉ cần những hạnh phúc giản dị như vậy là đủ” - Thu Thương chia sẻ”.

Thương Thương - Kết nối yêu thương

Những khi rảnh rỗi, Thu Thương tự mày mò học tiếng Anh, tin học. Bên cạnh cô lúc nào cùng “kè kè” cuốn từ điển Anh Việt và sách dạy tin. Chỉ vào chiếc máy tính cũ góc căn phòng, Thương khoe: “Cửa sổ nhìn ra thế giới của mình đấy”.

Đã hơn một năm, Thương lập blog cá nhân để tri ân bạn bè khắp xa gần.

Ngôi nhà blog Thương Thương là nơi cô chia sẻ hình ảnh về những sản phẩm xinh xắn, những món đồ lưu niệm Thu Thương với dòng Slogan đầy ý nghĩa: “Thương thương thay lời muốn nói”. Blog cũng luôn cập nhật thông tin về các hoạt động tình nguyện, những tấm lòng nhân ái. Nó thực sự trở thành điểm dừng chân –  nhịp cầu kết nối yêu thương của người khuyết tật...

“Hàng ngày ghé blog,  những dòng comment, động viên đầy yêu thương của mọi người đã tiếp thêm sức mạnh cho mình trong những lúc khó khăn hay mặc cảm”- Thương tâm sự.

Thương ấp ủ dự định sẽ mở một cơ sở sản xuất đồ lưu niệm bằng tay cho những người kém may mắn như mình. Cô bày tỏ mong mỏi ấy trên blog và nhận được  nhiều sự đồng tình ủng hộ của các bạn. “Mình đang nỗ lực để biến ước mơ thành hiện thực trong tương lai không xa”- Thu Thương vui vẻ bật mí.

MỚI - NÓNG
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
TPO - Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt 11,2%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.