Những chàng "phi công trẻ"... ghen ngược

Những chàng "phi công trẻ"... ghen ngược
Hiện tượng những "đôi đũa lệch" không còn là chuyện quá xa lạ. Điều lạ là, không ít những "phi công trẻ" lại lồng lộn ghen tuông đến mức phải thuê thám tử theo dõi chiếc "phi cơ" già nua của mình.

Tùng mới tốt nghiệp ra trường, chân ướt chân ráo cạy cục mãi mới xin được vào làm trong một công ty thiết kế có tiếng ở Hà Nội. Chàng sinh viên 22 tuổi quê ở Bắc Kạn vừa bước chân ra khỏi ký túc xá chật hẹp, tối tăm, quá choáng ngợp với ánh đèn nê-ông sáng loáng, hơi điều hoà mát lạnh đến tận chân tóc ở nơi làm việc.

Trong mắt cậu, mỗi một chiếc cặp da mà các anh, chị trong công ty xách trên tay đều mang một dư vị lạ lẫm và cuốn hút. Tùng được giao việc dưới quyền của một sếp nữ là kiến trúc sư, hơn cậu tới 6 tuổi có cái tên rất kiều diễm Mai Tố Quỳnh Chi.

Mỗi khi đi thực tế để tìm các ý tưởng thiết kế mới cho công trình nào đó, sếp đều lôi cậu theo, bảo để cậu tiếp cận dần với công việc, cho quen với tác phong khi giao dịch với đối tác.

Chứng kiến sếp thực hiện các giao dịch, ký hợp đồng với khách một cách nhanh chóng trên các bàn tiệc, trong lòng Tùng ngầm thán phục và nảy sinh tình cảm lúc nào không hay. Đến một ngày, họ lại cùng nhau đi xuống Hải Phòng nhận thiết kế trụ sở cho một cơ quan cấp huyện, cũng là ngày Tùng bước qua ranh giới cuối cùng trở thành “anh” của “chị” sếp độc thân hơn cậu đến nửa giáp.

Nhưng có lẽ những trường hợp chồng trẻ, vợ già xuất phát từ sự cảm phục, tình yêu đích thực như cặp vợ chồng Tùng-Chi không phải là nhiều. Phần lớn, sự gắn kết giữa chàng trai trẻ với một phụ nữ đứng tuổi thường dựa trên những lợi ích cụ thể.

Một người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản báo chí tên Loan mà tôi biết, đã chủ động “cặp” với một cậu sinh viên năm cuối, kém cô đến 8 tuổi – đúng bằng tuổi cậu em trai út của cô.

Ngay sau khi ra trường, Dũng (tên cậu sinh viên này) liền được “chị” nhấc về làm cùng cơ quan. Sớm, trưa, chiều - họ lúc nào cũng cặp kè bên nhau. Những mối khách hàng, công việc Loan đang làm gần 10 năm nay đều được cô “sang nhượng” lại cho chàng bồ trẻ.

Từ một chàng sinh viên còm nhom quê Quảng Bình, nhà nghèo đến nỗi không có nổi chiếc xe đạp để đi, bây giờ Dũng quần là áo lượt, giầy da đen bóng, trông bảnh bao như công tử con nhà giầu.

Mỗi khi Dũng mắc lỗi biên tập sách nào đó phải kiểm điểm thì đã có “chị” giơ đầu đỡ báng. Mối quan hệ lợi ích này khăng khít đến độ, bao giờ trong danh sách đề nghị khen thưởng cuối tháng do Loan lập cũng là công thức “Dũng + 1” (khen thưởng Dũng và một người bất kỳ khác trong cơ quan).

Hình như ông chồng bị “mọc sừng” của Loan cũng nghe phong thanh chuyện của vợ nên từ ngày đó, anh tuyệt nhiên không bao giờ xuất hiện ở cơ quan chị. Chàng bồ trẻ thì hồn nhiên công khai ôm ấp “chị” ngay cả trên đường phố hay trong các đợt đi nghỉ mát của cơ quan.

Những cơn ghen... ngược!

Trung tâm dịch vụ H.V ở Hoàng Văn Thái, Hà Nội, hai tháng trước tiếp đón một khách hàng tên Phạm Hoài Nam 32 tuổi.

Dường như đã tìm hiểu sẵn, nên khi đến anh mang theo một xấp ảnh của vợ, ngay cả biển số xe máy anh cũng ghi sẵn vào giấy và đề nghị thuê người theo dõi vì nghi vợ ngoại tình.

Khi xem ảnh vợ của khách hàng, nhân viên trực hôm ấy ngỡ ngàng, vì trong ảnh là một phụ nữ trạc 40 tuổi, béo, mắt một mí và có nước da ngăm đen. Nếu không phải là khách hàng tự giới thiệu trước là vợ thì có lẽ bất kỳ ai nhìn ảnh cũng nghĩ đó là... bà chị cả, còn Nam là cậu em út.

Tìm hiểu hoàn cảnh mới biết, Nam là con trai út trong gia đình 4 anh chị em ở huyện ngoại thành Hà Nội. Là con út nên từ bé Nam đã được nuông chiều hết mức, nên hầu hết các cô người yêu xinh xắn, trẻ trung đều không chịu được tính cách ích kỷ, ít quan tâm đến người khác của Nam.

Bản thân anh cũng không chịu được sự nhõng nhẽo, đòi hỏi được nuông chiều của các cô gái trẻ. Ra trường, đi làm được một thời gian thì anh quen cô vợ hiện nay trong một buổi giao lưu với chi đoàn bạn. Vài tháng sau đó, Nam hoàn toàn rơi vào vòng tay yêu chiều của người đàn bà đã qua một đời chồng và có hai đứa con riêng.

Sự chăm sóc tỉ mỉ từ cái tất đến cái quần lót, hay thậm chí chỉ là một cái mụn trứng cá đột nhiên nổi giữa trán, khiến anh cảm thấy mình là thượng đế. Đám cưới diễn ra chóng vánh sau đó 4 tháng, bất chấp sự ngăn cấm của bố mẹ, anh em họ hàng.

Hai năm sau, họ cũng có được một mụn con chung, nhưng những tháng ngày trăng mật nhanh chóng tan vỡ khi đứa con riêng chuyển đến sống cùng mẹ và dượng. Những xích mích cũng dần nảy sinh khi Nam cảm thấy phải chia sẻ tình cảm, vật chất cho con của người đàn ông khác.

Những ám ảnh về quá khứ của vợ liên tục quay cuồng trong đầu óc của người chồng trẻ, cho đến khi anh nghĩ thể nào cô ta chẳng đi với người đàn ông khác. Phần lớn nguyên nhân những cuộc cãi vã đều xuất phát từ những cơn ghen của ông chồng trẻ.

Một cặp “đũa lệch” cũng rơi vào cảnh ghen ngược mà tôi biết là cậu bạn tên Hà, học cùng thời đại học.

Tốt nghiệp ra trường, cậu bạn quê Hà Nam được bố mẹ mua cho căn hộ tập thể ở phố Lò Đúc (Hà Nội). Một năm sau cậu lấy cô vợ sinh năm 1978, hơn cậu hai tuổi. Sau khi sinh xong đứa con đầu lòng, trông họ chẳng khác nào hai chị em và ai cũng ngỡ tưởng kẻ “yếu thế” trong nhà chính là cô vợ già.

Nhưng ngược lại, Hà lại thường xuyên có những cơn ghen tuông với vợ. Trong hai năm chung sống mà có tới dăm bảy chiếc điện thoại bị cậu bẻ gãy hoặc ném vỡ.

Bi thương... “phi công trẻ”

Nhưng dù hay có những cơn ghen ngược thì Hà vẫn là ông chồng trẻ may mắn vì chưa bị bà vợ kinh nghiệm đầy mình cho “mọc sừng”.

Ngược lại, trường hợp của Phạm Hoài Nam (khách hàng của trung tâm dịch vụ H.V đã nói ở phần trên) đã “chót” lấy phải người đàn bà qua một đời chồng và có tới hai đứa con riêng, giờ lại phải gánh vác trách nhiệm nuôi “con thiên hạ”.

Nhưng đau đớn hơn, sau gần một tháng từ khi thuê người theo dõi vợ, anh nhận được tấm ảnh chụp bà vợ đi cùng một người đàn ông vào nhà nghỉ ở mãi xó xỉnh hẻo lánh giáp với huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc. Và càng đau đớn hơn nữa, khi anh nhận ra người đàn ông đó, chính là ông chồng cũ của vợ.

Ê chề và cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, anh lặng lẽ về nhà ôm cô con gái bé bỏng sang gửi ông bà nội và dọn đồ ra ở căn hộ tập thể cũ mà bố mẹ mua cho trước khi lấy vợ. Bức ảnh chụp cảnh vợ anh và ông chồng cũ bước vào nhà nghỉ được anh đặt cẩn thận lên bàn làm việc của vợ.

Trường hợp của “phi công trẻ” Nguyễn Công Thành ở phường Quang Trung, TP Thái Nguyên cũng cay đắng không kém. Anh vốn là giáo viên dạy ở trường điểm của thành phố, còn cô vợ hơn anh 4 tuổi thì làm công tác đoàn. Cuộc sống của họ vẫn yên ả trôi đi với hai đứa con, một trai, một gái, nếu hôm đó anh không đồng ý cho vợ đi công tác cơ sở tít tận huyện Võ Nhai gần một tuần.

Sau chuyến công tác, anh linh cảm dường như đang có chuyện gì đó xảy ra khi thấy vợ lúc nào cũng để chiếc điện thoại trong túi quần hoặc túi áo, kể cả lúc nấu cơm, phơi quần áo... Trong khi trước đó cứ về đến nhà là chị vứt lăn lóc chiếc điện thoại ở bậc cầu thang.

Cho đến một sáng nọ, cô vợ dậy sớm vội vã đi chợ, quên không mang theo chiếc điện thoại thì có tiếng bíp bíp báo nhận tin nhắn. Anh mở máy và đọc được dòng tin nhắn từ một số máy không có tên trong danh bạ với lời lẽ yêu thương, nhớ nhung.

Choáng váng và hoang mang, anh đi khắp thành phố mong tìm được một trung tâm dịch vụ nào đó để thuê người đi kiểm tra thực hư, với hy vọng đó chỉ là tin nhắn nhầm vào số máy của vợ anh. Nhưng ở cái thành phố miền trung du này thì kiếm đâu ra một trung tâm như thế. Anh đành tìm một người đứng tuổi chuyên chạy xe ôm và nhờ ông này làm thám tử bất đắc dĩ.

Đúng một tuần ngày nào cũng lẽo đẽo theo sau cô vợ lớn tuổi của anh Thành, vị “thám tử” này đã cung cấp cho Thành một bảng lịch dày đặc cụ thể buổi trưa đi ăn với ai, ở đâu, bao lâu và cả những giờ đi nhà nghỉ cũng được ghi tỉ mỉ.

Đau đớn hơn, khi nhận lại chiếc máy ảnh kỹ thuật số mà anh đưa cho vị thám tử bất đắc dĩ ấy cầm để chụp ảnh, thì anh nhận ra người đàn ông ôm eo, khoác vai bà vợ anh đi vào nhà nghỉ, lại chính là người bạn thân, đồng nghiệp của vợ anh, bạn thân của gia đình anh. Người đàn ông mà cuối tuần nào cũng đến nhà chén tạc chén thù với anh.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Quý (đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH-nguyên giảng viên khoa Tâm lý, Đại học Sư phạm Hà Nội) thì phần lớn những người đã qua một lần tan vỡ gia đình thường có xu hướng sợ tan vỡ lần thứ hai. Vì thế, khi có gia đình mới họ luôn có ý thức giữ gìn hạnh phúc.

Nhưng cũng có hiện tượng một số người “yếu thế” trong nhà (lớn tuổi hơn và có hình thức kém chồng) lại xuất hiện tâm lý “thúc thủ” bằng cách đi cắm sừng chồng trước để phòng sau này khi đã lớn tuổi hơn bị chồng cắm sừng thì đỡ... cay đắng.

Nhưng cũng có một bộ phận các cặp vợ già, chồng trẻ mà vợ đi ngoại tình là do sau khi cưới và chung sống một thời gian, người chồng trẻ bắt đầu thất vọng, hẫng hụt về vợ (sự chênh lệch tuổi tác dẫn đến chênh lệch các điểm khác) nên người vợ mới đi giải toả bằng cách cặp bồ.

Một số người vợ lớn tuổi dù ông chồng trẻ chưa ngoại tình nhưng vẫn đi vì phụ nữ bao giờ cũng cần bờ vai để tựa, khi họ không tựa được vào vai chồng thì có những người sẽ đi tìm bờ vai khác để tựa.

Chuyên gia tâm lý Đỗ Kim Quý cho biết, những người đàn ông lấy vợ lớn tuổi hơn mình thường do thiếu thốn tình cảm của người mẹ, khi có người phụ nữ lớn tuổi chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo thì dễ ngã lòng và cưới làm vợ. Họ chỉ nhìn thấy cái được trước mắt, cưới xong mới thấy hẫng hụt và chán chường.

Cũng theo bà Quý thì vợ chồng bằng tuổi nhau đã là một vấn đề về chênh lệch, còn khi vợ lớn tuổi hơn chồng thì mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn và hiếm khi có hạnh phúc trọn vẹn trong mối quan hệ không tương xứng này.

Theo Lã Xưa
Giadinh.net

MỚI - NÓNG