Sinh viên thất nghiệp, doanh nghiệp thiếu người

Sinh viên thất nghiệp, doanh nghiệp thiếu người
TP - 60% sinh viên (SV) sau khi ra trường phải đào tạo lại với nguyên nhân chưa được định hướng chọn nghề phù hợp, chưa có điều kiện tiếp cận với yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường lao động.
Sinh viên thất nghiệp, doanh nghiệp thiếu người ảnh 1
SV tham gia sàn giao dịch việc làm

Đó là thực trạng được các nhà giáo, nhà khoa học đưa ra tại hội thảo khoa học “Định hướng nghề nghiệp việc làm cho SV” do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức sáng 23-12.

Ông Đặng Đức Thành - Phó Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TPHCM đưa thực trạng, rất ít doanh nghiệp lựa người được việc ngay nên vẫn tồn tại thực tế SV cứ than thất nghiệp còn doanh nghiệp lại kêu thiếu người.

Đó là do chương trình đào tạo trong trường không gắn với thực tiễn công ty, SV chỉ có kiến thức lý thuyết nhưng khả năng thực hành kém. Đơn cử, hai môn nền là tin học và ngoại ngữ chỉ được đào tạo sơ sài, nhiều SV đã ra trường nhưng không thực sự hiểu về ngành mình học.

“Từ năm thứ 2, các trường nên tăng cường thời lượng học hai môn này lên. Từ năm 3, SV phải được tư vấn về ngành nghề và có một khóa đào tạo ngắn hạn về ngành đó” - ông Thành kiến nghị.

Tuy nhiên, bà Hồ Thị Ánh Tuyết - trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho SV vì muốn tìm được người phù hợp, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm.

Theo bà Tuyết, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thường xuyên tổ chức lấy ý kiến phía doanh nghiệp nhưng gửi 100 phiếu thăm dò thì chỉ nhận lại 18. Chỉ có doanh nghiệp nước ngoài quan tâm còn doanh nghiệp tư nhân và nhà nước thì thờ ơ. Trong khi đó, nhà trường rất cần những hồi đáp này để có căn cứ tư vấn cho SV.

Qua khảo sát 938 thông tin tuyển dụng đăng trên các báo, bà Nguyễn Thị Lan Hương - ĐH Quốc gia TPHCM tổng kết, rất nhiều doanh nghiệp yêu cầu có kiến thức liên ngành hoặc kiến thức rộng như tài chính tín dụng, luật và quản trị kinh doanh... Nhưng xu thế phân ngành học hẹp ngay từ năm nhất đã hạn chế khả năng thích ứng của SV tốt nghiệp so với yêu cầu tuyển dụng.

Ở các trường nước ngoài, sau hai năm đầu nếu thấy ngành học không phù hợp, SV có thể chuyển ngành. Điều này khác với việc lựa chọn ngành nghề cứng nhắc ngay từ đầu cho đến khi ra trường ở các ĐH tại VN

Doanh nghiệp tham gia giảng dạy

Đó là ý kiến của hầu hết đại biểu tham gia hội thảo. Tại nhiều mô hình tư vấn, giới thiệu việc làm cho SV ở các trường thuộc ĐH Quốc gia TPHCM  đều có chương trình mời đại diện doanh nghiệp tham gia giảng dạy.

“Vì chỉ có chính SV (ứng viên) và doanh nghiệp (đơn vị tuyển dụng) biết mình cần gì và nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của đối phương nhất” - ThS Trần Đình Lý - trường ĐH Nông lâm cho biết.

Chưa hiểu rõ tầm quan trọng của hướng nghiệp khiến không ít SV chịu những thiệt thòi không đáng có. Lâu nay, hoạt động tư vấn nghề mới chỉ dừng lại ở tư vấn nộp hồ sơ và mang tính phong trào.

“Do đó, việc tư vấn hướng nghiệp phải được nâng lên thành chuyên nghiệp. ĐH Quốc gia TPHCM sẽ ra mắt website việc làm http://www.career.vnuhcm.edu.vn/ nhằm giúp SV có những bài trắc nghiệm tự khám phá bản thân, những thông tin nghề nghiệp và phản hồi từ doanh nghiệp để SV định hướng rõ nhất về ngành nghề tương lai” - TS Lê Thị Thanh Mai cho biết.

MỚI - NÓNG