Có một 'chợ tình' ở Nam Định

Có một 'chợ tình' ở Nam Định
TP - Cứ vào mùng 2 Tết, hàng trăm cặp đôi và những bạn trẻ độc thân từ nhiều nơi lại về dự chợ Đình ở xã Trực Tuấn (huyện Trực Ninh, Nam Định) lại họp đông đúc để cầu mong hạnh phúc hoặc tìm được nửa còn lại.
Có một 'chợ tình' ở Nam Định ảnh 1

Dưới lớp mưa Xuân rét ngọt, nhiều nam nữ thanh niên đến chợ Đình cầu mong đường tình duyên nhiều may mắn - Ảnh: N.M

Không khèn, sáo, không những câu hát đẩy đưa tình tứ, nhưng mỗi cái Tết đến, chợ Đình lại trở nên đông đúc và nổi tiếng hơn dù nằm cách xa trung tâm huyện, cách TP Nam Định hơn 30 km.

Ngày thường, chợ chỉ là cái sân sinh hoạt chung của người dân trong vùng. Từ mờ sáng mùng 2 Tết, bất kể mưa nắng giá lạnh, hàng trăm bạn trẻ đã bắt đầu đổ về.

Cụ bà Trần Thị Dền, sống gần chợ, cho biết: “Xưa đây là một cái đình, nhưng nay không còn nữa. Cứ mùng 2 Tết, mấy cụ trong làng lại tụ tập ở đình để đánh tổ tôm. Các cụ bà ra bán táo, hoa quả, rồi hình thành nên chợ Đình. Nhiều đôi nam nữ từ chợ này mà nên vợ nên chồng nên người ta gọi là chợ tình xe duyên”.

Hoàng Lan Anh, ở thị trấn Cổ Lễ (cách xã Trực Tuấn 12 km), cho biết: “26 tuổi rồi nên mình cũng lo lắm! Nghe nhiều người kể đến chợ Đình để giao lưu hoặc mua một món đồ, sẽ giúp đường tình duyên gặp may mắn, nên mình cùng đứa bạn đến đây”.

Lan Anh đến chợ từ rất sớm, tìm mua bùa tình duyên với niềm tin trong năm Canh Dần này sẽ không còn độc thân. Ngoài bùa tình duyên, các bạn trẻ còn mua muối, mua hoa, cây cảnh... với mong muốn đường tình duyên sẽ gặp nhiều may mắn.

Chợ Đình họp từ sáng sớm đến chiều tối, nhưng đông nhất vào khoảng 9 -11 giờ. Nhiều bạn trẻ ở TP Nam Định, các tỉnh bạn Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội... cũng có mặt.

Nhiều đôi vợ chồng mới cưới và cả những người đã chung sống với nhau hàng chục năm cũng tìm đến chợ để cầu mong tình cảm vợ chồng thêm mặn nồng.

Cô Phạm Thị Thoa, bán muối ở chợ, cho biết: “Những cô cậu có hay chưa có gia đình đều thích mua muối của tôi. Có cậu năm ngoái còn đi mua muối lấy may, năm nay dẫn theo vợ đến mua muối. Họ bảo: mua muối của cô may lắm!”.

Người dân quanh vùng coi phiên chợ này như một nét truyền thống. Chính quyền địa phương từng có ý định mở đường qua đây, nhưng không thành vì nhiều người phản đối.      

MỚI - NÓNG