GS Ngô Bảo Châu: Sẵn sàng về Việt Nam 3 tháng mỗi năm

GS Ngô Bảo Châu: Sẵn sàng về Việt Nam 3 tháng mỗi năm
Vừa đến Ấn Độ để tham dự Đại hội Toán học quốc tế (ICM) 2010, giáo sư Ngô Bảo Châu đã dành cho phóng viên một cuộc phỏng vấn nhanh về nhiều vấn đề, trong đó có việc phát triển toán học ở Việt Nam.

>> Tôi tin GS Ngô Bảo Châu sẵn sàng

Giáo sư Ngô Bảo Châu
Giáo sư Ngô Bảo Châu.

Xin hỏi giáo sư đến ICM 2010 với tư cách là một nhà khoa học Việt Nam, hay là thành viên của một tổ chức khoa học đóng tại Mỹ?

Thông thường trong các hoạt động khoa học, người ta mời anh theo tư cách cá nhân, do họ quan tâm đến công trình của anh, chứ không liên quan gì đến vị trí làm việc hay quốc tịch.

Tại ICM 2010, giáo sư sẽ là một trong những diễn giả chính tại phiên toàn thể, vậy giáo sư sẽ trình bày vấn đề gì trong vai trò này?

Báo cáo của tôi có tính chất tổng quan về chương trình Langlands, nêu một số tiến bộ quan trọng trong thời gian gần đây, trong đó có chứng minh Bổ đề cơ bản của Langlands.

Sự hiện diện của giáo sư tại ICM 2010 sau những thành công lớn trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là việc chứng minh Bổ đề cơ bản, sẽ có tác động truyền cảm hứng như thế nào đối với toán học tại Việt Nam - với cả người học, người nghiên cứu, giảng dạy và người hoạch định chính sách?

Tôi hy vọng thành công này sẽ đem đến một chút niềm tin cho các bạn trẻ VN đã dấn thân vào con đường khoa học. Tôi cũng hy vọng rằng sau sự kiện này, những người hoạch định chính sách sẽ lắng nghe ý kiến của cá nhân tôi, và của các nhà khoa học có tâm huyết nhiều hơn.

Tôi không tin vào sự thay đổi của hiện trạng khoa học và giảng dạy đại học trong một thời gian ngắn. Nhưng tôi tin chúng ta có thể cần mẫn gieo mầm để có một sự thay đổi sâu sắc sau này.

Vừa qua, giáo sư đã nhận được nhiều lời mời từ Việt Nam, giáo sư có tin rằng đấy là dấu hiệu của những chuyển động tích cực trong tư duy và thái độ đối với khoa học của các tổ chức và của chính quyền?

Phải ghi nhận một số chuyển biến tích cực trong việc Nhà nước hoạch định chính sách khoa học, đặc biệt là sự ra đời của quỹ Nafosted.

Thực ra, không chỉ có các cơ quan công quyền cần thay đổi tư duy và thái độ đối với nghiên cứu khoa học mà cả các nhà khoa học đang nắm vị trí chủ chốt ở các trường đại học cũng vậy. Hy vọng đến một lúc nào đó, người ta sẽ nhận ra rằng nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ hàng đầu của các trường đại học lớn.

Trong lần trả lời phỏng vấn trước đây, giáo sư có nói một ý mà tôi rất tâm đắc: một nhà khoa học chuyên nghiệp phải đặt câu hỏi làm khoa học thế nào cho giỏi trước câu hỏi làm ở đâu. Vậy giáo sư đón nhận những lời mời vừa qua như thế nào, hay cụ thể hơn thì giáo sư nghĩ hình thức làm việc nào sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất cho cả nền khoa học Việt Nam, thế giới và bản thân mình?

Tôi sẽ làm việc phần nhiều thời gian ở Chicago, vì ở đó là môi trường thuận lợi nhất để tôi làm toán. Nếu Viện đào tạo và nghiên cứu cao cấp về toán được thành lập, tôi có kế hoạch sẽ về Hà Nội khoảng 3 tháng mỗi năm để tham gia vào công việc của viện.

Theo Đỗ Hùng
Thanh niên

Người trẻ nhất được phong giáo sư

GS Ngô Bảo Châu là nhà toán học trẻ, 38 tuổi nhưng đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu toán học đặc biệt xuất sắc, được thế giới ca ngợi. Ông là học sinh VN đầu tiên giành hai huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 1988 (khi mới 16 tuổi) và 1989.

Sau khi được Trường ĐH Paris 11 phong GS năm 2004 khi 32 tuổi, một năm sau ông được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước phong đặc cách GS VN theo đề nghị của Viện Toán học, Viện Khoa học và công nghệ VN. Cho đến nay, GS Ngô Bảo Châu là người trẻ nhất được phong GS ở VN.

Cũng trong năm 2004, GS đã được trao giải thưởng toán học Clay danh giá. Sau khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của chương trình Langlands, GS Châu được trao giải thưởng Oberwolfach của Đức, giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007). Công trình của ông đã được tạp chí đại chúng có uy tín Time bình chọn là một trong mười phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.

MỚI - NÓNG