Những giờ thanh thản sau giải thưởng

Những giờ thanh thản sau giải thưởng
Một ngày sau khi được vinh danh bằng giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học, GS Ngô Bảo Châu có những giờ phút thanh thản ngoài công việc. Từ Hyderabad (Ấn Độ), Ngô Bảo Châu nhận lời giao lưu với bạn đọc.

>> Nhà toán học trong đời thường
>> Ngô Bảo Châu viết về 'thời tiết Hà Nội' trên Blog

Nhân viên nhà hàng nhận ra GS Ngô Bảo Châu đã đến bắt tay chúc mừng. Ảnh: Hoài Linh (Tuổi Trẻ)
Nhân viên nhà hàng nhận ra GS Ngô Bảo Châu đã đến bắt tay chúc mừng. Ảnh: Hoài Linh (Tuổi Trẻ).

Ngày 19-8, GS Ngô Bảo Châu đã có một ngày rất dài và bận rộn từ khi anh bắt đầu bước vào hội trường lớn, nơi diễn ra lễ khai mạc Đại hội toán học thế giới (ICM 2010). Từ thời điểm đó, anh trở thành trung tâm của sự chú ý: nhận giải thưởng Fields, tham gia cuộc họp báo quốc tế, phiên họp toàn thể buổi chiều giới thiệu về công trình cá nhân của những người đoạt giải Fields...

Không chỉ có Đại sứ quán VN mở tiệc mừng GS Ngô Bảo Châu, anh còn là nhân vật không thể thiếu trong những buổi tiệc của đại hội, của Trường ĐH Princeton...

Bình thản trước mọi thứ

Nhưng sáng 20-8, khi ngồi bên người thầy, GS Ngô Bảo Châu dường như đã để lại phía sau những ồn ào và cảm xúc từ buổi lễ nhận giải thưởng. Hai người một già - một trẻ, một thầy - một trò cùng nhau trò chuyện đầy hào hứng với những tiếng cười sảng khoái. Trong câu chuyện của họ không có toán học cũng không có giải thưởng Fields...

Khi chúng tôi nhận xét dường như cá tính của hai thầy trò có phần trái ngược nhau, GS Laumon cởi mở, sôi nổi còn GS Ngô Bảo Châu luôn trầm tĩnh, nhà toán học trẻ đồng ý nhưng anh thêm ngay: “Nhưng chúng tôi luôn hiểu cá tính của nhau và có cùng quan điểm trên nhiều vấn đề, không chỉ có toán học”.

Anh cho hay sự điềm tĩnh của mình chủ yếu là kết quả của một quá trình rèn luyện, một quá trình học... cách điềm tĩnh. Còn bắt đầu học từ khi nào, GS Ngô Bảo Châu cho rằng từ khi anh bắt đầu say mê những bài toán thật khó. Để có thể giải được, anh phải học cách kiên trì, bình tĩnh, không nóng vội... Rồi dần dần thành một tính cách. Khi bắt đầu nghiên cứu khoa học, điều đó càng trở nên quan trọng, giúp anh có thể tập trung vào công việc.

Hỏi về bí quyết của anh để có được phong cách luôn bình thản đã khiến chúng tôi ngạc nhiên khi gặp anh sáng 19-8, chỉ vài giờ trước khi anh bước lên bục vinh quang, GS Ngô Bảo Châu đáp ngắn gọn: “Để bình tĩnh trước mọi thứ, cách tốt nhất là chúng ta hãy nghĩ trước về sự việc có thể đến. Khi chủ động nghĩ về nó, về những tình huống, hành động có thể xảy ra..., ta sẽ làm chủ được bản thân trước những gì xảy ra xung quanh”.

Công việc luôn ở phía trước

Ví dụ được anh dẫn ra chính là chuyến di chuyển của bản thân và gia đình đến sống tại Mỹ với quyết định làm việc tại Trường ĐH Chicago. Anh cho biết đã phải lên một kế hoạch chu đáo để đảm bảo việc di chuyển sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống và việc học tập của ba cô con gái Thanh Hiên, Thanh Nguyên và Hiền An. Các con anh có được sự chuẩn bị và hỗ trợ đầy đủ từ người cha để có thể theo học bằng tiếng Anh tại Mỹ sau nhiều năm tháng ở Pháp.

Câu chuyện ngắn với anh về cuộc sống mới của anh và gia đình ở Chicago khiến chúng tôi cảm nhận rõ hơn về một góc khác của GS Ngô Bảo Châu - con người của gia đình, nhà toán học trong vai trò làm chủ một gia đình, làm cha... với những mối quan tâm và những vấn đề cần giải quyết của đời thường.

“Nhưng đó là trước khi trở thành một nhà toán học được nhận giải Fields, còn bây giờ khi đã quá nổi tiếng và sẽ có thêm nhiều áp lực, liệu anh có tiếp tục giữ được sự điềm tĩnh đó?”. Câu hỏi của chúng tôi được GS Laumon trả lời thay học trò khi ông cho rằng: “Không chỉ có vinh dự, giải thưởng Fields sẽ mang đến nhiều sức ép cho Châu. Nhưng Châu phải biết cách mau chóng thoát ra khỏi những sức ép đó để tiếp tục làm việc. Vì đối với người làm khoa học, công việc luôn ở phía trước, nhà khoa học cần nhìn về phía trước chứ không phải những thành công sau lưng”.

GS Ngô Bảo Châu đã làm được điều đó. Chỉ một ngày sau khi nhận giải thưởng, GS Ngô Bảo Châu cho biết anh đang tập trung cho bài báo cáo về kết quả nghiên cứu “Bổ đề cơ bản” trước phiên toàn thể của ICM 2010. Tuy đã chuẩn bị từ rất lâu, đã nhiều lần chỉnh sửa và hoàn thiện nhưng trong những ngày cuối cùng anh vẫn tiếp tục suy nghĩ về bản báo cáo này. “Đó là một chủ đề khó. Còn cái khó của tôi là phải trình bày sao cho dễ hiểu nhất, tôi muốn mọi người có thể hiểu được”.

Theo lịch, GS Ngô Bảo Châu sẽ trình bày báo cáo vào chiều chủ nhật 22-8.

'Một vẻ đẹp của trí tuệ'

Theo đánh giá của nhiều nhà toán học, công trình của GS Ngô Bảo Châu là thành tựu nghiên cứu lớn nhất trong các công trình của bốn người đoạt giải Fields.

Với tựa đề “Một vẻ đẹp của trí tuệ”, nhật báo Decan Choronicle của thành phố Hyderabad đăng trên trang nhất tấm ảnh GS Ngô Bảo Châu đang nhận huy chương Fields từ tổng thống Ấn Độ, ngoài những thông tin chung về lễ khai mạc ICM 2010 và lễ trao các giải thưởng.

GS Ngô Bảo Châu là người nhận giải thưởng duy nhất được đăng tải hình ảnh. Cùng với bức ảnh, những thông tin cho biết GS người Việt Nam đã được nhận giải thưởng do đạt kết quả nghiên cứu xuất sắc, được giới toán học thế giới đánh giá cao và ghi nhận.

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.