Sinh viên cá độ mùa World Cup

Sinh viên cá độ mùa World Cup
TPO- Việc sinh viên chơi lô, đề, cá độ bóng đá không còn là chuyện lạ. Mùa World Cup, hoạt động này càng có dịp “nở rộ”,  số tiền cá cược ngày một nhiều: Tiền bạc, xe máy, điện thoại di động... cũng dần “lăn” theo trái bóng.

Theo chân một tay cá độ chuyên nghiệp trong giới sinh viên trường Học viện Tài chính, tôi thâm nhập vào vòng xoáy cá cược của các cử nhân ham trò đen đỏ.

Không chỉ đơn thuần là cá đội nào chọn sân trước, đội có quả sút phạt góc đầu tiên, hay đội ghi bàn trước, giới cá độ còn tận dụng đủ thứ kiểu cá: Cá tỉ số bàn thắng, đội thắng...

Có mặt tại khu KTX Trường Tài chính lúc 19 giờ 30 ngày 18/6 trước trận Nhật - Croatia, tôi được chứng kiến một không khí nhộn nhịp... cá độ bóng đá. Những lời bàn tán xôn xao theo gót chân từng nhóm người vào ghi điểm cá cược. Cuốn sổ theo dõi điểm ghi của nhà cái (đồng thời là chủ hiệu cầm đồ) dày kín. “Quanh trường có rất nhiều nhà cái, có thể là chủ cửa hàng internet hay chủ quán cafe” - L, sinh viên trường Tài chính cho biết.

Theo quan sát, tôi thấy phần lớn sinh viên vào đây “bắt” đội Nhật, chấp Croatia một trái. Số tiền đặt cược ít nhất là 500 nghìn. Có tay chơi máu, đặt đến 2 “quả” (2 triệu).

L. giải thích tỉ mỉ: mùa World Cup này, sinh viên thường tập trung vào hai kiểu “chơi” chính. Chơi trực tiếp với nhà cái hoặc chơi qua mạng. Nếu chơi trực tiếp có hai cách đánh là tài sửu và đánh rung. Tài sửu là bắt tổng số bàn thắng theo mức nhất định mà nhà cái đề ra. Tài là cửa trên, tức tổng bàn thắng ghi trong trận đấu cao hơn hoặc bằng số bàn thắng mà nhà cái đưa ra thì thắng. Và ngược lại sửu là cửa dưới. Còn đánh rung là đánh từ phút 60 trở đi, bất kì đội nào ghi bàn thắng sau phút 60 người ghi cược đều thắng.

Như trận đấu Croatia – Nhật Bản kể trên đa phần sinh viên đánh sửu, mức tiền cá cược khoảng 500 nghìn - 1,5 triệu đồng. Cũng có người đánh tài nhưng số tiền đặt lớn hơn tầm 2 triệu đồng.

Không chỉ chơi kiểu “tại trận”, một hình thức mới được giới sinh viên áp dụng trong World Cup lần này là cá độ online. T - Cao đẳng Bách khoa cho biết “để chơi được phải lập một tài khoản trên mạng, có số dư. Số tiền tối thiểu để chơi trong mỗi trận đấu là 100 nghìn và tuân thủ theo tỉ lệ cược”.

Cuốn theo “cơn lốc” cá độ

Mất nhiều hơn được đó là nhận định chung của những người ngoài cuộc, nhưng vì máu ăn thua nên “người trong cuộc” vẫn chơi. Thua, lao vào gỡ. Lại thua... Để lao theo cuộc chơi, nhiều sinh viên tính đủ kế để... xoay tiền. Mới đầu là trích từ tiền ăn, hết tiền họ cầm đồ tất cả những gì mình có.

K (trường Kinh tế) hôm trúng 200 điểm lô (hai “nháy”), được 32 triệu đồng hôm sau đem chơi cá cược bóng đá và “của thiên lại trả địa”. Cách đây 4 hôm, một sinh viên báo chí đã “cắm” xe Future (đầy đủ đăng ký) để lấy 15 triệu. Còn L (trường Tài chính) cũng vừa phải bán chiếc Dream để giao cho nhà cái. Chưa đủ để trả số nợ lên tới 25 triệu đồng, L đánh liều, mượn tiền và... “mượn” cả xe Dream của bạn để “cắm” tiếp.

Máy tính, tivi cũng không thoát khỏi “tầm ngắm” của các tay bạc. Họ đem cầm đồ tất cả những gì có giá trị để có tiền chơi tiếp. D, sinh viên ĐH Mở mới mua cây vi tính 3 triệu đồng được hai ngày đã mang cầm lấy 1,5 triệu đồng để cá cược. Hầu hết, họ đều không đủ khả năng để chuộc lại.

Địa điểm cá cược của cánh sinh viên trong “mùa” World Cup thường ở các quán cafe, quán ăn, hàng internet hay hiệu cầm đồ. Do đó, để phục vụ các thượng đế, một loại “cò” chuyên tư vấn cầm đồ đã xuất hiện.

Giá tiền phải trả cho cò cầm đồ là một triệu đồng thì mất 3 nghìn đồng/ngày. Với giá này, nếu “cắm” một xe máy lấy 15 triệu thì mỗi ngày sinh viên phải trả 45 nghìn đồng.

Khác với hiệu cầm đồ, cò sẽ định giá trị đồ vật cắm cao hơn, nên nhiều sinh viên cũng tìm đến dịch vụ để xoay tiền. Chỉ một thẻ sinh viên cộng với việc là khách quen, tay chơi có thể lấy tiền nhiều lần, tổng số tiền đến vài chục triệu đồng. Có sinh viên nợ cò gần 40 triệu đồng, không có khả năng chi trả, họ phải tính nước cuối cùng cũng là...cầu cứu cha mẹ ở quê lên trả nợ thay.

MỚI - NÓNG