Giao lưu trực tuyến: Cháy mãi nhiệt huyết tuổi thanh xuân

Giao lưu trực tuyến: Cháy mãi nhiệt huyết tuổi thanh xuân
TPO – 14h chiều nay, 20 - 3 - 2011, tại Báo Tiền Phong 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội diễn ra cuộc giao lưu trực tuyến giữa đại diện các Gương mặt Trẻ Việt Nam tiêu biểu giai đoạn 1997-2010 với bạn đọc.
Giao lưu trực tuyến: Cháy mãi nhiệt huyết tuổi thanh xuân ảnh 1
Các vị đại biểu cùng các vị khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến..

Đến dự chương trình giao lưu có PGS-TS Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư TƯ Đoàn, chủ tịch Hội SVVN; Nhà báo Nguyễn Thị Vân Thanh, Phó GĐ Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam, Phó TBT báo Nhi Đồng & Họa Mi

Các gương mặt tham gia giao lưu cùng bạn đọc Tiền Phong Online:

- PGS-TS Vũ Nam – Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền T.W – Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 1996

- Anh Phạm Trường Sơn – Bệnh viện Trung ương quân đội 108 – Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 1997

- Chị Đỗ Thị Ngân Thương – Vận động viên Thể dục dụng cụ - Gương mặt trẻ tiêu biểu 2004

- Anh Phan Chiến Thắng – Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển công nghệ điện tử viễn thông ELCOM – Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2005

- Anh Lưu Hồng Quang – Đại học Âm nhạc quốc tế - Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2006

 
Giao lưu trực tuyến: Cháy mãi nhiệt huyết tuổi thanh xuân ảnh 2

Mở đầu chương trình giao lưu, nhà báo Lê Xuân Sơn, Phó TBT thường trực báo Tiền Phong phát biểu chào mừng:

Thưa bạn đọc, thưa các vị khách mời, thay mặt báo Tiền Phong, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và chân thành cảm ơn bạn đọc và các vị khách mời đã dành thời gian tham dự buổi giao lưu trực tuyến này.

Thưa quý vị,

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và trao giải thưởng Mười gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2010, T.Ư Đoàn mời 140 người từng đoạt giải thưởng này trong 14 năm qua, kể từ giải thưởng lần thứ nhất năm 1996, về dự lễ trao giải. Cùng với một số tờ báo bạn, Tiền Phong điện tử mời một số đại diện cho các gương mặt thanh niên Việt Nam xuất sắc các thời kỳ giao lưu trực tuyến với bạn đọc.

Chủ đề của cuộc giao lưu này là Cháy mãi nhiệt huyết tuổi thanh xuân. Sở dĩ như thế vì chúng tôi mong muốn qua cuộc giao lưu này, bạn đọc có cơ hội gặp lại những người mà họ từng và đang tiếp tục mến mộ, tìm hiểu quãng đường đi tiếp theo của mỗi người sau khi được bầu chọn và tôn vinh. Quan trọng hơn nữa là để bạn đọc và các vị khách mời trao đổi xung quanh việc làm thể nào để giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết, sáng tạo, những ước mơ, hoài bão và khát vọng cống hiến cháy bỏng của tuổi thành xuân.

Các vị khách mời ở đây, và 140 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu được tôn vinh trong mười mấy năm qua, dù vẫn đang trong hay không còn trong độ tuổi thanh niên nữa, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng ngọn lửa kỳ diệu trong tim đã từng giục giã các anh chị lập được những thành tích đặc biệt vẫn còn cháy mãi và luôn thôi thúc các anh chị tiến lên phía trước trên con đường phục vụ và cống hiến cho Tổ Quốc. Và cũng chính ngọn lửa ấy sẽ góp phần thắp lên lửa nhiệt tình trong tim hàng triệu, hàng triệu bạn trẻ các thế hệ kế tục. Một lần nữa xin cảm ơn bạn đọc và các vị khách mời. Chúc cho cuộc giao lưu trực tuyến thú vị và thành công.

Giao lưu trực tuyến: Cháy mãi nhiệt huyết tuổi thanh xuân ảnh 3

PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, UV Dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội SVVN phát biểu:

Trước hết, xin cám ơn báo Tiền Phong cùng các đại biểu gương mặt trẻ tiêu biểu đã dành thời gian tổ chức và tham dự buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc.

Năm nay là năm kỷ niệm 15 năm của giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu – một giải thưởng thường niên. Cũng là lần đầu tiên, các gương mặt trẻ tiêu biểu 15 năm qua gặp mặt.

Sáng nay, chúng ta đã có đề xuất thành lập CLB Gương mặt trẻ tiêu biểu VN, để các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu có điêu kiện để kết nối giao lưu và tương trợ nhau.

Tại buổi giao lưu này, tôi rất mong mỗi người, ở mỗi lĩnh vực khác nhau cùng chia sẻ với độc giả các tâm tư và suy nghĩ của mình. Và đây cũng là dịp để thanh niên và xã hội biết đến nhiều hơn về các gương mặt trẻ tiêu biểu và giải thưởng gương mặt trẻ tiêu biểu, để làm sao có thể giới thiệu và nhân rộng hơn các Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.

Chúc cho buổi giao lưu thành công tốt đẹp.

 
Giao lưu trực tuyến: Cháy mãi nhiệt huyết tuổi thanh xuân ảnh 4

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh giao lưu cùng bạn đọc

Em xin hỏi anh Nguyễn Đắc Vinh: Là Bí thư trung ương đoàn và cũng từng đoạt giải gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, với anh giải thưởng này ở hai cương vị có gì giống và khác nhau? (Lê Việt Hùng, 22 tuổi, leviethung151...2@gmail.com)

PGS. TS Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau, Gương mặt trẻ tiêu biểu là danh hiệu ghi nhận sự đóng góp của tôi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Còn Bí thư T.Ư Đoàn là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và đoàn viên thanh niên giao phó.

Em chào anh Nguyễn Đắc Vinh. Theo anh, việc lựa chọn 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu từ 20 gương mặt của năm nay khó hay dễ? Anh ấn tượng với ai nhất ? (Lương Thị Bình Minh, 28 tuổi, binhminh5783@gmail.com)

PGS. TS Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Tôi rất ấn tượng với cả 20 gương mặt trẻ được đề cử và thật khó cho Hội đồng giải thưởng quyết định danh sách 10 người giành được gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu. Vì vậy, đối với tôi mỗi ứng cử viên đều là những tấm gương đặc biệt xuất sắc và tôi tin các bạn trẻ cũng nghĩ như vậy.

Anh Phạm Trường Sơn – Bệnh viện TƯ Quân đội 108 – Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 1997: Rất vinh dự cho tôi, khi là sinh viên năm thứ 5 của Học viện Quân Y, tôi đã đươc giải Nhất giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo với đề tài “Dùng đông y hồi phục tình trạng tiêu hóa sau phẫu thuật”. Đề tài này nhằm cải thiện các chức năng tiêu hóa và hô hấp của bệnh nhân sau phẫu thuật. Năm 99, sau khi tốt nghiệp Thủ khoa Học viện Quân Y, tôi có tham gia và giành giải Nhì Hội thao Kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế năm 2002 và Giải Nhì giải thưởng nhà nghiên cứu trẻ trong Hội nghị tim mạch toàn quốc năm 2010.

PGS-TS Vũ Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền T.W: Kính thưa anh Nguyễn Đắc Vinh, chị Nguyễn Thị Vân Thanh, anh Lê Xuân Sơn cùng toàn bộ các bạn độc giả đang theo dõi chương trình trực tuyến trên Tiền phong online!

Năm 1996 sau khi bảo vệ luận án Tiến sỹ, tôi được giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên của TW Đoàn và Viện khoa học Việt Nam (nay là Viện khoa học và công nghệ) về nghiên cứu tác dụng của chè dây trong điều trị viêm loét dạ dày hành tá tràng trên lâm sàng, nội soi và giải phẫu bệnh. Xuất phát từ một vị thuốc dân gian là Chè dây ở các tỉnh miền núi phía Bắc chúng tôi đã đi sâu nghiên cứu trong bốn năm tại các bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện 108, bệnh viện E, bệnh viện Y học cổ truyền TW trên lâm sàng nội soi dạ dày tá tràng và sinh khiết xét nghiệm vi khuẩn HP, và mô bệnh học. Công trình cho thấy, chè dây có tác dụng làm giảm đau, lành liền sẹo ổ loét 80%, khả năng diệt vi khuẩn HP là 45% và chè dây có tác dụng chống viêm dạ dày. Hiện nay chè dây đã được bổ sung vào các cây thuốc, vị thuốc Việt Nam và đã được xác định tên khoa học là Ampelopsis, cantonielsis, họ Nho (vitaceae). Hiện nay người dân đã biết chè dây như một vị thuốc và được dùng phổ thông để uống hàng ngày.

Người dân ở miền núi phía Bắc đã biết gieo trồng, thu hái để tăng thu nhập và Công ty cổ phần dược phẩm Traphaco chế biến chè dây ở dạnh viên nang Ampelop được bộ y tế lưu hành toàn quốc để chữa bệnh dạ dày.

Học nghề y rất vất vả, anh Trường Sơn có thể chia sẽ những khó khăn khi theo nghề này không? (Nguyễn Hà, 18 tuổi, cobevotu... @gmail.com)

Anh Phạm Trường Sơn: Chào em, cảm ơn em đã gửi câu hỏi cho anh. Đúng như em nói, cũng như rất nhiều các ngành nghề khác, nghề y cần một số yêu cầu nhất định. Trước hết, đó là lòng say mê và chịu khó, khả năng chịu đựng được áp lực công việc cao. Nhất là đối với phụ nữ thì bên cạnh công việc, còn phải chăm lo cho gia đình. Chính vì thế họ sẽ phải hy sinh và phấn đấu nhiều hơn.Nghề cũng đòi hỏi sự chính xác, khẩn trương, an toàn nên các bác sĩ luôn cần sự tập trung cao độ trong mọi tình huống.

Chị Ngân Thương ơi, em nghe nói tập luyện môn thể dục dụng cụ phải khổ công lắm. Chị có thể kể sơ qua quá trình luyện tập của chị để đạt được thành tích cao hay không (Nguyễn Văn Tuấn, 18 tuổi, tuannguyen...@gmail.com)

Ngân Thương: Môn TDDC rất là gian khổ bắt buộc phải bắt đầu từ khi còn rất nhỏ, chính xác là phải khoảng từ 5 đến 6 tuổi, khi đấy vẫn còn dẻo dai và dễ nắn vào khuôn khổ. Ngân Thương phải qua Trung Quốc học TDDC từ năm 7 tuổi khi đấy dù rất còn nhỏ rất muốn được gần gũi với gia đình nhưng buộc phải xa nhà để khổ luyện với hi vọng thành tài. Như các bạn bè khác được vui chơi nhưng với Ngân Thương phải tuân theo một lịch học và luyện tập khắc nghiệt. Quãng thời gian ở Trung Quốc chỉ có tập, gần như không có thời gian rảnh trừ lúc ăn và một ít thời gian buổi tối để thư giãn. Tới năm 10 tuổi Ngân Thương bắt đầu tham gia các giải đấu để cọ xát và tới năm 2003 mới chính thức được tham dự kì Sea Games đầu tiên.

Giao lưu trực tuyến: Cháy mãi nhiệt huyết tuổi thanh xuân ảnh 5

VĐV Ngân Thương

Nếu từ bỏ thể dục dụng cụ, Ngân Thương sẽ theo nghề gì? (Khanh Công, khanhconghuyen...@gmail.com)

Ngân Thương: Khi giải nghệ Ngân Thương sẽ theo đuổi ước mơ gắn bó cuộc đời mình với TDDC. Mình sẽ cố gắng dạy cho các em nhỏ đi sau những kiến thức và kinh nghiệm mình đã thu thập được trong quá trình khổ luyện ở Trung Quốc cũng như thi đấu ở các đấu trường khu vực và quốc tế. Thương đang theo học khoa huấn luyện ở trường ĐH TDTT Từ Sơn Bắc Ninh và hi vọng sẽ trở thành một HLV thành công với sự nghiệp TDDC trong tương lai gần.

Tôi rất khâm phục Ngân Thương đã biết cách đứng lên sau khi vấp ngã (scandal doping) bạn có thể chia sẻ động lực nào giúp bạn vượt qua áp lực của dư luận để trở lại thi đấu được không? (Trần Trường Giang, 40 tuổi tuổi, truonggiang1..23@gmail.com)

Ngân Thương: Sau cú vấp ở Olympic Bắc Kinh 2008 thực sự Ngân Thương rất buồn và sa sút tinh thần. Bản thân không nghĩ trong một phút lơ là của mình có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là có phản ứng dương tính với doping. Thương lúc đó đã nghĩ đến việc bỏ nghề nhưng sau đó được thầy cô và gia đình động viên. Lúc đó thầy trưởng bộ môn Trương Tuấn Hiền đã động viên Thương hãy cố gắng quay trở lại để chứng minh cho mọi người biết rằng mình không cố tình sử dụng doping. Sau đó Thương nghĩ mình càng phải cố gắng gấp hai lần trước đó để không phụ lòng của thầy cô và gia đình.

Trong quá trình công tác, anh Nam có gặp ca bệnh nào mà anh thấy khó nhất? Anh đã vượt qua khó khăn như thế nào? (Hà Thanh, 19 tuổi, thanhthanhha19... @gmail.com)

PGS-TS Vũ Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền T.W:

Em Thanh thân mến!Trong quá trình công tác, tôi cũng gặp rất nhiều ca khó, các ca bệnh mà hiện nay y học đang gặp khó khăn trong điều trị ví dụ như các bệnh nan trị, các bệnh ung thư, bệnh thời đại,... Nhất là trong nội soi dạ dày tá tràng anh gặp những người bệnh có loét to, loét sùi dạng xúp lơ ở góc bờ cong nhỏ dạ dày, đây là những bệnh nhân có khả năng bị ung thư dạ dày rất cao mà hiện nay chưa có phương thuốc gì ngoài phẫu thuật cắt bỏ.
Trên thực tế, trong cuộc sống cũng như trong công tác giống như mọi người có giai đoạn anh cũng gặp khó khăn, để vượt qua khó khăn đòi hỏi mỗi người đều phải có nghị lực, kiên trì, từng bước tháp gỡ khó khăn.

 
Giao lưu trực tuyến: Cháy mãi nhiệt huyết tuổi thanh xuân ảnh 6

Anh Phạm Trường Sơn

Gần đây, có nhiều bác sĩ đã phải đắn đo giữa vấn đề lương tâm và lương tháng. Anh đã bao giờ phải suy nghĩ về vấn đề đó chưa? Anh có thể đưa ra quan điểm của mình về chuyện này hay không? (Vũ Thị Trang, 21 tuổi, bctt.htx2010...@gmail.com)

Anh Phạm Trường Sơn: Cảm ơn em đã có câu hỏi rất thú vị và thực tế. Đây cũng là sự trăn trở của rất nhiều bác sĩ. Nhưng khi đã lựa chọn ngành y, thì phải đặt vấn đề y đức lên hàng đầu. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới thực sự phấn đấu để trở thành bác sĩ giỏi, có ích cho xã hội. Trong những tình huống như em đề cập đến, trong ý thức của mình đã có tâm niệm về lương tâm nghề nghiệp, thì khi đó, các vấn đề đều đặt sau mục đích con người. Bệnh nhân là trên hết với tất cả những bác sĩ thực sự yêu nghề.

Cảm xúc của Ngân Thương như thế nào khi tham gia buổi giao lưu rất có ý nghĩa ngày hôm nay?

Ngân Thương: Đây là lần đầu tiên Ngân Thương được giao lưu trực tuyến với đông đảo bạn đọc. Thương rất vui vì mình vẫn còn được nhớ tới bởi rất lâu rồi không có những thành tích được chú ý

Tên đúng người, Ngân Thương rất dễ thương. Bạn có thể chia sẻ một chút về cuộc sống riêng tư. Bạn đã có người yêu chưa? (Hùng VQ, 28 tuổi, hungvq...45@gmail.com)

Ngân Thương: Cuộc sống của Ngân Thương bây giờ cũng như bao bạn trẻ khác. Những thời gian rảnh Thương hay uống cà phê, trò chuyện và shopping cùng bạn bè. Còn chuyện tình cảm Thương xin giữ riêng bí mật lại cho mình.

Mình nghe nói Ngân Thương có ý định giải nghệ sớm. Điều đó có đúng không? Tại sao bạn lại quyết định làm như vậy (Dũng Quyết Tâm, 30 tuổi, dungquyet...@gmail.com)

Ngân Thương: Thực ra Thương vẫn rất muốn cống hiến thêm nhiều thành tích cho thể thao nước nhà. Nhưng thực sự do những chấn thương không thể tiếp tục sự nghiệp đỉnh cao nên Thương quyết định xin rút khỏi đội tuyển.

Xin hỏi anh Phan Chiến Thắng, được biết anh là một doanh nghiệp trẻ có nhiều thành tích trong kinh doanh. Vậy anh có thể chia sẻ chút kinh nghiệm về việc đã gây dựng một công ty TNHH nhỏ phát triển tới ngày hôm nay? (Phan Tiến Nguyên, 19 tuổi, tiennguyen_vn@gmail.com).

Anh Phan Chiến Thắng: Dựa trên kinh nghiệm, tôi cần có 3 yếu tố:

1. Sức trẻ, sự quyết tâm cao, không dừng bước trước khó khăn thử thách.

2. Phải làm việc trên tinh thần đồng đội, lựa chọn những người có tâm huyết với công việc, chịu trách nhiệm trước công việc để cùng xây dựng và phát triển công ty.

3. Cần có một chút may mắn.

Là thủ lĩnh thanh niên, anh thấy tầm quan trọng của việc khen thưởng nói chung và giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu như thế nào? Nó có tác động tới phong trào đoàn thanh niên? (Lê Thị Thu Hoài, 25 tuổi, thuhoai11...@gmail.com)

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Với tư cách là một người đã từng nhận giải thưởng , tôi cảm nhận được vinh dự và trách nhiệm. Giải thưởng là động lực để cho tôi và các gương mặt trẻ khác phấn đấu trong quá trình công tác. Về một góc độ nào đó, những gương mặt trẻ tiêu biểu là những hình ảnh tốt để các bạn trẻ có thể tin tưởng vào sự phấn đấu, rèn luyện của chính mình và thành công sẽ đến từ đó.

 
Giao lưu trực tuyến: Cháy mãi nhiệt huyết tuổi thanh xuân ảnh 7

PGS.TS Vũ Nam

Chào anh Vũ Nam! 15 năm sau khi đạt giải gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, cuộc sống của anh thay đổi như thế nào? Bây giờ anh có tiếp tục tham gia phong trào đoàn nữa không? (Trần Thanh Tuyền, 20 tuổi, thanhtuyenthx20..@gmal.com)

PGS-TS Vũ Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền T.W:

Sau khi được giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 1996 - một phần thưởng vinh dự và to lớn của Trung ương Đoàn, anh như được tiếp thêm nghị lực, nguồn cổ vũ động viên to lớn trong cuộc sống và công tác, anh càng say mê học tập và nghiên cứu khoa học bên cạnh cuộc sống gia đình.

Sau khi được giải thưởng, anh được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa 7 (1997-2002). Từ đó đến nay anh liên tục tham gia tích cực công tác Đoàn và dành thời gian giúp đỡ các Đoàn viên của bệnh viện.

Theo anh Nam, vai trò của việc nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng thế nào đến việc chữa trị. Bệnh viện của anh có thường xuyên tham gia nghiên cứu về y học cổ truyền hay không? (Nguyễn Thanh Hà, 26 tuổi, thanhhaqn...@gmail.com)

PGS-TS Vũ Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền T.W:

Nghiên cứu khoa học sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác khám và chữa bệnh từ việc áp dụng kỹ thuật mới và trong chuẩn đoán. Việc nghiên cứu đánh giá tính an toàn và hiệu quả của các thuốc Đông y và Tây y là rất quan trọng. Bệnh viện của anh là một bệnh viện đầu ngành về y học cổ truyền, nghiên cứu khoa học là một trong tám chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện anh!

Là phó giám đốc bệnh viện y học cổ truyền TƯ, anh đánh giá thế nào về vai trò của tây y, có bao giờ bệnh nhân được điều trị song song giữa đông và tây y không ? (Phạm Lan Anh, 20 tuổi, lananh166@yahoo.com)

PGS-TS Vũ Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền T.W:

Em Lan Anh thân, có lẽ em cũng biết, Y học cổ truyền đã có từ lâu đời, còn Tây y mới có trên 200 năm nay. Tuy nhiên Tây y được tiếp thu các thành quả khoa học hiện đại nên nó có vai trò to lớn đối với các bệnh lý cấp cứu, cấp tính. Hiện nay người bệnh thường được chữa bằng biện pháp Đông Tây y kết hợp tùy theo từng loại bệnh cụ thể.

Học ngành Y trong quân đội có vất vả hơn ở ngoài không anh Sơn? Anh có thể chia sẻ công việc hàng ngày của mình không ạ? Cảm ơn anh! (luu van cuong, 25 tuổi, dept..._cojlasai@YAHOO.COM.VN)

Anh Phạm Trường Sơn: Ngành y nói riêng và các ngành nghề trong quân đội nói chung đều cần tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt. Nhưng điều này sẽ giúp những người lính chúng tôi rèn luyện bản lĩnh, tính nguyên tắc và trưởng thành. Tất cả những điều đó đều có ý nghĩa vô cùng lớn khi chúng tôi trở thành những y bác sĩ sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, tôi đang công tác tại khoa tim mạch, Bệnh viện 108, nơi có rất nhiều bệnh nhân nặng, đòi hỏi các y bác sĩ ở đây phải có sự tập trung cao độ để điều trị, cấp cứu chính xác, kịp thời. Bản thân tôi thường xuyên đi sớm, về muộn và cấp cứu nhiều bệnh nhân vào ban đêm. Đôi khi cũng ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, nhưng đó là sự hy sinh cần thiết của bất cứ một bác sĩ nào, gia đình cũng đã quen dần và chia sẻ những khó khăn này.

Bao giờ Ngân Thương lập gia đình? Hihi (Một bạn đọc)

Ngân Thương: Nói trước thì bước không qua. Thương nghĩ là khi nào duyên số đến thì mọi chuyện sẽ đến không thể biết trước được điều gì.

Xin chào bác sĩ Phạm Trường Sơn. Gia đình chia sẻ và trở thành điểm tựa như thế nào để anh yên tâm công tác? (Tường Thanh, 25 tuổi, tuongthanh...@gmail.com)

Anh Phạm Trường Sơn: Hiện tại tôi đã có gia đình và có một cháu nhỏ 3 tuổi. Do công việc rất bận bịu nên không có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình. Gia đình và vợ tôi cũng thông cảm và luôn tạo mọi điều kiện để tôi có thể yên tâm công tác. Tôi cũng may mắn ở cùng với ông bà ngoại một thời gian khi con trai tôi còn nhỏ nên hai vợ chồng được hỗ trợ rất nhiều. Ông bà nội thì ở ngay Hà Đông nhưng cũng phải một tuần tôi mới đưa vợ con về thăm được. Nhưng trên hết, cả gia đình đều mang lại cho tôi sự bình an và êm ấm để tôi tập trung toàn bộ tâm sức cho nghề nghiệp của mình.

Giao lưu trực tuyến: Cháy mãi nhiệt huyết tuổi thanh xuân ảnh 8

Anh Phan Chiến Thắng

Gửi anh Phan Chiến Thắng. Anh đang khá thành công ở lĩnh vực kĩ thuật. Vậy theo anh, bí quyết thành công của anh là gì? Bao nhiêu trong đó thuộc về chuyên môn, bao nhiêu phần trăm thuộc vào những yếu tố khác? Chúc anh thành công hơn nữa. (Đức Đăng, 22 tuổi, dangd220...@yahoo.com.

Anh Phan Chiến Thắng, Giám đốc Công ty Elcom:

Đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được khi bắt đầu lập nghiệp đó là từ một sản phẩm kỹ thuật do tôi tự thiết kế, về sau này, đường hướng phát triển công ty Elcom cũng chính là những sản phẩn do trí tuệ con người Việt Nam xây dựng nên. Sản phẩm Việt Nam do khối óc và bàn tay con người Việt Nam làm ra hoàn toàn không thua kém các sản phẩm của những quốc gia khác trong cùng lĩnh vực.

15 năm xây dựng và phát triển Elcom, chủ yếu dựa vào bàn tay và khối ốc của các bạn trẻ Việt Nam.

Anh Vũ Nam ơi, làm sếp ở bệnh viện có nhiều áp lực không anh? Công việc hàng ngày của anh thế nào? có vất vả không ạ? (Lê Thị Hoa, 18 tuổi, hoahongthuongnho...@yahoo.com.vn)

PGS-TS Vũ Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền T.W:

Với cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện cũng không nhiều áp lực như mọi người nghĩ vì công việc chính của anh là phụ trách chuyên môn, khám chữa bệnh và nghiên cứu khoa học của bệnh viện - đúng công việc mà anh yêu thích. Tuy nhiên, đã làm bác sỹ thì không thể nói là không vất vả. Ngoài công việc bận rộn hàng ngày ở Bệnh viện anh còn làm Phó chủ nhiệm bộ môn lý luận - Khoa y học cổ truyền trường Đại học Y Hà Nội, thường xuyên tham gia giảng dạy và hướng dẫn cho các học viên sau Đại học của trường Đại học Y Hà Nội.

 
Giao lưu trực tuyến: Cháy mãi nhiệt huyết tuổi thanh xuân ảnh 9

Ngân Thương

Ngân Thương đã đi những nước nào thi đấu rồi? Chuyến đi nào khiến bạn nhớ nhất? Chia sẻ nhé! (Thành Hồ, nguyenthanhho...@yahoo.com)

Ngân Thương: Thương đã được đi thi đấu trên mười quốc gia cả ở châu Á và châu Âu. Thực ra chuyến đi nào cũng để lại kỉ niệm nhưng với Thương chuyến đi thi đấu tại Bồ Đào Nha là đáng nhớ nhất vì nó gắn một kỉ niệm hơi buồn. Trong năm vừa qua khi mới trở lại sàn đấu Thương rất nỗ lực và đặt nhiều hi vọng vào giải đấu này rất muốn được thể hiện chính mình sau thời gian bị cấm thi đấu. Nhưng ngay hôm đầu thử dụng cụ mình đã bị ngã và không thể tiếp tục thi được nữa.

Là một bác sĩ, lại chuyên về bộ môn Nội tim mạch (của bệnh viện 108), anh có bị bệnh nghề nghiệp không? (Tường Thanh, 25 tuổi, tuongthanh...@gmail.com)

Anh Phạm Trường Sơn: Có lẽ bạn nói đúng, chắc tôi cũng mắc bệnh nghề nghiệp vì mỗi khi gặp mọi người xung quanh, tôi đều khuyên là sống thật thoải mái và cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý để tránh các bệnh lý về tim mạch. Vì nếu có sức khỏe thì có hàng ngàn ước muốn, còn khi không có sức khỏe, thì chỉ có một mong muốn duy nhất là được khỏe mạnh. Nhưng bản thân tôi cũng chưa thực hiện tốt điều đó lắm do thời gian công việc đòi hỏi dành cho bệnh nhân nhiều, nên đôi khi cũng ăn uống nghỉ ngơi chưa được hợp lý. Tôi phải rất cố gắng để tự điều chỉnh để giữ sức khỏe cho mình và cho gia đình.

Chào anh Phan Chiến Thắng, anh đã thành công khi còn rất trẻ, vậy điều gì tạo nên thành công nhiều hơn: sức trẻ hay kinh nghiệm? Với ELCOM, đâu là điểm khác biệt với các công ty CNTT khác? (Hoàng Minh Long, 20 tuổi, minglong...@gmail.com)

Phan Chiến Thắng: Tôi nghĩ rằng, sức trẻ, nhiệt huyết đã giúp tôi thành công trong đó có phần may mắn. Chúng tôi đã từng có những giai đoạn làm việc đến 16 giờ đồng hồ/ ngày và đã từng thức trắng nhiều đêm để hoàn thiện sản phẩm theo mong muốn của mình.

Với những nỗ lực này, tôi dần tích lũy được kinh nghiệm làm việc theo năm tháng và cũng là một phần làm nên sự thành công ngày hôm nay của công ty.

Anh Trường Sơn học chuyên ngành gì ạ? Anh có thể chia sẻ về công trình nghiên cứu của mình không? Anh vất vả thế nào khi thực hiện tốt công trình đó? Những bí kíp (nếu có thể chia sẻ) để đạt được thành công trong nghiên cứu khoa học là gì? Cảm ơn anh! (Lưu Bích Hoa, 25 tuổi, xinhaytin...@yahoo.com)

Anh Phạm Trường Sơn: Trước đây tôi tốt nghiệp chuyên ngành tim mạch và hiện tại cũng được làm việc đúng ngành học của mình. Tôi đã thực hiện một vài công trình nghiên cứu, gần đây nhất là đề tài nghiên cứu cấy máy phá rung tự động để ngăn ngừa đột tử cho các bệnh nhân tim mạch. Tôi đã mất 2 năm để hoàn thiện đề tài này. Tôi đã tập trung tìm tòi và nghiên cứu các tài liệu liên quan để tổng kết đánh giá, đưa ra các biện pháp hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Đề tài đã được báo cáo và đưa vào áp dụng trong thực tiễn cứu chữa người bệnh tại viện 108 và một số bệnh viện khác trên toàn quốc. Biện pháp này không chỉ dành cho các bệnh nhân tim mạch đã đến giai đoạn nặng, mà còn có thể ngăn ngừa dự phòng đột tử ở cả những người bình thường khỏe mạnh.

Vừa làm công tác chuyên môn lại vừa làm công tác quản lí ở Bệnh viện Y học Cổ truyền T.W, anh Vũ Nam đã bao giờ thấy bị áp lực công việc đè nặng? Anh thích làm chuyên môn hay quản lý hơn?(Tường Thanh, 25 tuổi, ...thanh198@gmail.com)

PGS-TS Vũ Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền T.W:

Cám ơn em đã quan tâm đến công việc của anh. Như anh đã nói, đôi lúc công việc làm anh bận rộn nhiều vì anh vừa chữa bệnh vừa tham gia giảng dạy vừa tham gia việc quản lý bệnh viện nhưng anh chưa bao giờ cảm thấy bị áp lực công việc đè nặng vì anh yêu công việc hiện tại của mình. Thực tế, anh vẫn đang vừa làm chuyên môn vừa làm quản lý - đây là hai công việc bổ trợ lẫn nhau tạo điều kiện cho anh phát huy khả năng của mình cũng như ngày càng cố gắng hoàn thiện bản thân để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Hiện giờ, Ngân Thương thuộc biên chế của đơn vị nào không? Ngân Thương thần tượng ai trên thế giới, trong môn thể thao này? (Nguyễn Minh, 24 tuổi, minhminh@... com)

Ngân Thương: Hiện tại Ngân Thương thuộc biên chế của Hà Nội. Thần tượng của Thương là huyền thoại môn thể dục dụng cụ nước Nga, Svetlana Khorkina. Mọi người có thể tìm hiểu thông tin về VĐV này có rất nhiều ở trên mạng

Chào anh Vũ Nam, hiện tại được biết là anh là Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền T.W và là gương mặt trẻ tiêu biểu năm 1996 vậy trong thời gian qua anh đã có đóng góp thế nào cho sự phát triển của trường (Lê Hải Hậu, 22 tuổi, hau_namdinh188..@yahoo.com)

PGS-TS Vũ Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền T.W:

Trong thời gian qua, ngoài công tác bệnh viện anh còn thường xuyên tham gia giảng dạy và hướng dẫn khoa học cho các học viên sau đại học của khoa Y học cổ truyền trường Đại học Y Hà Nội, anh tham gia viết sách cho nhà trường. Cho đến nay anh đã làm Cộng tác viên cho 13 đầu sách và Chủ biên 3 đầu sách về Y học cổ truyền cho học viên trường Đại học Y học tập và tham khảo.

Vì thế năm 2009 anh được công nhận và bổ nhiệm làm Phó Giáo sư của trường Đại học Y Hà Nội và tham gia làm phó Chủ nhiệm bộ môn Lý luận của khoa Y học cổ truyền trường Đại học Y Hà Nội.

Trong những lần dự thi và luyện tập ở nước ngoài, Ngân Thương có lạ lẫm, thiếu tự tin không? (Tường Thanh, 25 tuổi, ...thanh198@gmail.com)

Ngân Thương: Mình còn nhớ lần đầu tiên được ra đấu trường châu Á, được nhìn thấy các VĐV với đẳng cấp vượt trội so với chính mình, thực sự Thương cảm thấy choáng ngợp và thiếu tự tin. Nhưng sau đó, cô HLV Đỗ Thủy Giang đã trấn an Thương: "Mình tuy thua kém họ về mặt độ khó của các bài thi nhưng về cơ bản của mình thi rất tốt. Mình ra đến đây không phải để tranh huy chương mà để thể hiện cho bạn bè bốn phương biết Việt Nam cũng đang dần phát triển rất tốt môn TDDC. Đừng nghĩ rằng mình đang thi hãy nghĩ mình đang biểu diễn". Kể từ đó, Thương đã bớt lo lắng hơn mỗi khi thi đấu quốc tế

Trong thời gian công tác tại bệnh viên có ca bệnh nào để lại cho anh nhiều suy nghĩ nhất? (Tường Thanh, 25 tuổi, tuongthanh...@gmail.com)

PGS-TS Vũ Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền T.W:

Em Thanh thân mến, là bác sỹ ai cũng muốn chữa khỏi bệnh cho những bệnh nhân của mình. Những ca bệnh mà anh suy nghĩ nhất thường là những người mắc bệnh nan y mà anh không giúp gì được cho họ, đặc biệt là những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn và trẻ nhỏ.

Là "gương mặt trẻ tiêu biểu", Thương có thấy áp lực không? Những danh hiệu, những huy chương, khen thưởng có ảnh hưởng (tích và tiêu cực) đến cuộc sống của bạn? (Thủy Hợp, 19 tuổi, Hà Nội).

Ngân Thương: Không những không cảm thấy áp lực mà Thương còn thấy rất hạnh phúc được mọi người quan tâm và biết đến. Thương thấy những công sức mình bỏ ra không bị lãng phí. Đó là những động lực để Thương càng ngày càng cố gắng và nỗ lực hơn nữa.

Sau 16 năm học đàn chơi đàn, trong đó có 5 năm đoạt không ít giải thưởng, Hồng Quang đã thử làm một tiểu kết, đánh giá về mình? Hồng Quang của lần đầu đi thi ở Nhật năm 2006 so với Hồng Quang bây giờ có thay đổi gì nhiều? Theo Hồng Quang, bản thân bạn có gì để GS.TS.NGND Trần Thu Hà quyết định để bạn làm thí sinh? (Tường Thanh, 25 tuổi, Hà Nội)

 
Giao lưu trực tuyến: Cháy mãi nhiệt huyết tuổi thanh xuân ảnh 10

Lưu Hồng Quang

Lưu Hồng Quang: Thực ra, quãng đường tới Nhật học tập của Quang không giống như các bạn khác. Quang tới Nhật học giống như tham dự một khóa học ngoại khóa.

Năm 2006, trước đó một năm, Quang chuẩn bị kết thúc khóa học Trung học cơ sở và phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về các bước đi tiếp theo của mình. Và kể từ đó Quang mới bắt tay vào việc học âm nhạc và biểu diễn một cách bài bản hơn.

Sau năm 2005, GS Trần Thu Hà thấy ở Quang sự tiến bộ và thay đổi về thái độ học tập. Từ đó GS Hà muốn Quang tham dự một cuộc thi ở tầm cỡ lớn và Quang đã được cử đi tham dự cuộc thi âm nhạc tại Nhật Bản mang tên Chopin. Đây là cuộc thi đầu tiên mang tính chất thử sức và học hỏi kinh nghiệm, Quang thấy nó là một sự khởi đầu - và nó có nhiều dấu ấn khó phai - đã thay đổi Quang.

Lần đầu tiên Quang tận thấy các bạn học sinh từ khắp mọi nơi Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore.. và Quang được chứng kiến được đẳng cấp của họ (các bạn trẻ có thể chơi được những bài mà cho tới hiện tại Quang mới bắt đầu chơi) . Những gì Quang được nghe, được thấy cũng mang lại cho Quang nhiều niềm tin hơn. Đó là những trải nghiệm quan trọng đối với Quang.

Sau cuộc thi, Quang như được khơi nguồn - coi công việc học tập của mình nghiêm túc hơn cũng như cần phải có nhiều tâm huyết hơn với nó.

Cũng ngay năm 2005, Quang tham dự cuộc thi tại Ý. Nhưng cuộc thi tại Ý lại có một không khí khác - tự nhiên và thoải mái với các không gian khác nhau từ tòa lâu đài tới cánh đồng...

Và từ đây Quang lại thấy, âm nhạc không còn ở những cuộc thi mà nó còn là sự say mê, yêu thích.

Điều gì trong công việc đã cuốn hút anh Trường Sơn? Để trở thành một người có chuyên môn như hiện nay, anh Sơn đã phấn đấu như thế nào? (Tường Thanh, 25 tuổi, tuongthanh...198@gmail.com)

Anh Phạm Trường Sơn: Đối với tôi, việc mang lại sức khỏe và cứu sống tính mạng người bệnh là động lực để tôi vươn lên, phấn đấu. Tôi không ngừng nghiên cứu, học hỏi để có thể áp dụng những kiến thức kỹ thuật, chuyên môn sâu phục vụ tốt nhất cho các bệnh nhân của mình. Tôi đã cảm thấy thực sự hạnh phúc mỗi khi cứu chữa được bệnh nhân qua khỏi những giây phút hiểm nghèo.

Anh thấy "gương mặt trẻ tiêu biểu" là động lực khiến anh làm việc tốt hơn hay đó cũng chỉ là một danh hiệu "không đi vào cuộc sống"? (Một bạn đọc)

 
Giao lưu trực tuyến: Cháy mãi nhiệt huyết tuổi thanh xuân ảnh 11

PGS.TS. Vũ Nam

PGS-TS Vũ Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền T.W:

Sau một thời gian nỗ lực học tập, phấn đấu và đạt được một số thành tích của tuổi trẻ trên cơ sở đó mà tôi được giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 1996. Với tôi đây là phần thưởng cao quý và niềm vinh dự của tuổi trẻ được Trung ương Đoàn trao tặng, nó tiếp thêm nghị lực và niềm cổ vũ rất lớn cho tôi tiếp tục học tập và phấn đấu vươn lên để ngày càng xứng đáng hơn với phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn. Tôi cảm thấy giải thưởng mà tôi đạt được rất có ích cho cuộc sống của mình!

Hồng Quang có thể chia sẻ những kỉ niệm (đáng nhớ nhất) về bạn bè quốc tế trong những lần dự thi ở Nhật Bản, Italia, Australia… ? (Trang Hồng, 25 tuổi, dammay198@gmail.com)

Hồng Quang: Thực ra Quang có rất nhiều kỷ niệm, nhưng ở mỗi một nơi lại có một kỷ niệm khác nhau.

Như ở Nhật, cuộc thi này đã cho Quang thấy áp lực rất lớn của cuộc thi, như biểu diễn tại khán phòng có 2000 người và 10 vị giám khảo hàng đầu, trong một không khí trang nghiêm.

Còn tại Italia, tại đây Quang lại thấy sự đa dạng của âm nhạc của các nước trên thế giới từ Nga, Italia, Pháp... Thú vị nhất là sau cuộc thi này, có nhiều người tới hỏi Quang đến từ nước nào? Quang đã để cho mọi người đoán thử? Và hàng loạt đáp án đã được đưa ra từ Nhật Bản, tới Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippine... nhưng tất cả đều không đúng. Cuối cùng Quang nói là đến từ Việt Nam. Và câu trả lời đã mang lại sự ngạc nhiên rất lớn cho họ.

Cũng từ đó Quang thấy âm nhạc cổ điển tại Việt Nam chưa được thế giới biết đến nhiều. Và càng phải cố gắng hơn nữa để cho nền âm nhạc cổ điển Việt Nam được bạn bè thế giới hiểu hơn. Để thấy rằng, người Việt cũng có những cảm thụ về âm nhạc về cái đẹp, nghệ thuật...

Chính những cuộc thi về âm nhạc cho Quang thấy, âm nhạc đã trở thành ngôn ngữ chung, gắn kết tất cả mọi người với nhau.

Còn về những con người cụ thể thì Quang cũng bật mí cho các bạn biết rằng các nghệ sĩ piano lại có một thế giới rất riêng, hầu hết mọi người đều tập trung vào công việc luyện tập của mình.

Trước đây, khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, anh Sơn đã hướng cho mình nghề nghiệp như bây giờ chưa? Nếu được thay đổi, anh có chọn một lĩnh vực khác, nghề nghiệp khác không? (Tuấn Nguyễn, 20 tuổi,nguyentuan...@gmail.com)

Anh Phạm Trường Sơn: Tôi nghĩ, cũng như mọi người, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thì tất cả đều chỉ có ước mơ chứ chưa thực sự có một định hướng chính xác về nghề nghiệp của mình. Ngay cả việc chọn nghề của tôi cũng một phần lớn ảnh hưởng từ mong muốn của bố mẹ. Nhưng rất may mắn cho tôi, là khi bắt đầu học tập theo ngành y thì tôi đã bị cuốn hút và đam mê nó. Tuy nhiên tôi vẫn mong muốn là đối với các bạn trẻ, cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn chuyên ngành phù hợp với khả năng và đam mê của mình. Chỉ có như vậy mới thực sự toàn tâm cố gắng phần đấu cho nghề nghiệp của mình.

Sau sự thành công của người đàn ông có bóng hình của người phụ nữ. Với trường hợp của anh Sơn thì sao? (Xuân Mai, 29 tuổi, matbuon_muathu87@yahoo.com)

Anh Phạm Trường Sơn: Tôi lập gia đình khá muộn ^_^ nên giành được nhiều thời gian cho công việc và chuyên môn của mình. Sau 9 năm làm bác sĩ, tôi mới có gia đình riêng. Vợ tôi là luật sư, cô ấy cũng hiểu và ủng hộ nghề nghiệp của tôi. Cô ấy dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình và con để tôi yên tâm công tác.

Với anh, điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống? Quan điểm sống của anh là gì, có thể chia sẻ không ạ? (Hoàng Tùng, 20 tuổi, tung234...@yahoo.com)

PGS-TS Vũ Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền T.W:

Với anh điều quan trọng nhất trong cuộc sống chính là Gia đình và Công việc bởi Công việc là niềm đam mê, là trách nhiệm và cũng là sự yêu thích mà anh đã dành 23 năm để gây dựng còn Gia đình là nơi anh trở về sau mỗi ngày vất vả, mệt nhọc.

Quan điểm sống của anh chắc cũng giống em và các bạn trẻ khác, đó là Lý tưởng hoài bão trong cuộc sống . Khi đã có lý tưởng, chúng ta toàn tâm toàn ý cùng với lòng nhiệt tình và đam mê cháy bỏng của tuổi trẻ để đạt được ước mơ của mình.

Thưa anh Chiến Thắng, ngoài việc phát triển kinh doanh công ty anh còn đóng góp nhiều vào việc giúp đỡ các hội người mù, Hội người tàn tật, giúp đỡ động viên các trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm chất độc da cam. Chúng tôi là những người tàn tật và rất cám ơn tấm lòng của anh. Vậy trong thời gian ới anh sẽ làm gì để phát huy những điều đã có? (Nguyên Đình, 21 tuổi, nguyendinh....@yahoo.com).

Anh Phan Chiến Thắng, Giám đốc Công ty Elcom: Thông qua các hoạt động xã hội của các tổ chức hoặc trực tiếp, Elcom đã góp được một phần nhỏ bé của mình cùng giúp các mảnh đời khó khăn có được niềm vui, vơi đi những nỗi bất hạnh gặp phải trong cuộc sống.

Đối với Elcom, trách nhiệm xã hội là một trong những tiêu chí gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể hàng năm, chúng tôi xây dựng quỹ từ thiện bằng việc trích một phần lợi nhuận của công ty, ngoài ra chúng tôi còn kêu gọi sự đóng góp của cán bộ công nhân viên, trong những dịp thiên tai hoạn nạn xảy ra. Con người của Elcom luôn hạnh phúc khi làm những việc từ thiện này.

Chào anh Quang. Anh chơi đàn rất lâu rồi. Có khi nào anh khóc khi đang chơi đàn không? Xin anh chia sẻ dự định sắp tới của anh nữa? (Xuân Cát, 16 tuổi, xuancat...@yahoo.com)

Lưu Hồng Quang: Khóc thì chưa, nhưng trong nhiều lần chơi đàn cảm xúc đã dâng trào. Vì mỗi người nghệ sĩ lại có những chặng đường, khi chơi đàn còn trẻ, khi đi thi, khi tới đỉnh cao lại có một cảm xúc khác nhau. Quang cũng vậy, khi chơi đàn có rất nhiều yếu tố hội tụ lại - đó là cảm xúc của cả cuộc sống, của những điều được học, được nghe và của chính cá nhân mình.

Ngoài ra, cũng có những buổi biểu diễn rất 'khô' giống như những bài thi học kì, bài kiểm tra lên lớp. Chứ không phải lúc nào cũng có cảm xúc.

Hiện nay, Quang đang học năm thứ 2 tại Úc, trong vòng 1,5 năm nữa Quang sẽ tốt nghiệp. Và những năm gần đây, Quang bắt đầu tham dự vào thị trường Việt Nam, chơi cho dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Hà Nội và nước ngoài. Và sắp tới Quang sẽ cố gắng tham dự vào các dàn nhạc tại Úc. Đó giống như cả một quãng đường từ lớp tới trường tới quốc gia và quốc tế.

Phần lớn những cuộc thi mà Quang tham gia từ năm 2006 tới nay đều là nhưng cuộc thi cho lứa tuổi trẻ. Và thời gian tới Quang cũng muốn được rèn luyện nhiều hơn (một thời gian tĩnh) để tham dự những cuộc thi của những người trưởng thành. Để thấy được mình nhiều hơn. Và điều đó có đạt được hay không, phụ thuộc vào chính thời gian nay.

Ngoài ra, Quang còn tham dự các khóa học về giảng dạy, để có thể truyền tài những kiến thức mình đã học được, rèn luyện được. Tham dự các khóa học về chỉ huy dàn nhạc cũng nằm trong kế hoạch của Quang. Từ đó có nhiều cơ hội hơn để giúp đỡ các bạn.

Ngoài tình yêu với đàn piano, Hồng Quang còn có những sở thích gì nữa không? (KhanhDC1983...@gmail.com)

Lưu Hồng Quang: Ngoài tình yêu piano, Quang cũng giống như rất nhiều bạn trẻ khác Quang có rất nhiều sở thích. Như võ thuật - Quang đang học Vịnh Xuân quyền, đọc sách, xem phim...

 
Giao lưu trực tuyến: Cháy mãi nhiệt huyết tuổi thanh xuân ảnh 12

Anh Phạm  Trường Sơn

Chào anh Trường Sơn! Làm bác sĩ quân đội thời bình, anh thấy có những khó khăn và thuận lợi gì so với quân y thời chiến? Anh có thần tượng không? (Huy Hoàng, 36 tuổi, hoanghontim...@yahoo.com)

Anh Phạm Trường Sơn: Tất nhiên bác sĩ quân đội thời bình có nhiều thuật lợi hơn so với thời chiến. Đó là tôi được thường xuyên được tiếp cận các kiến thức mới, giao lưu học hỏi với các chuyên gia trong và ngoài nước, có nhiều trang thiết bị hiện đại để cứu chữa bệnh nhân, có cơ hội đi học nước ngoài bổ sung kiến thức...Tuy nhiên, trong thời bình, có rất nhiều cám dỗ, trăn trở mà chúng tôi phải luôn cố gắng để vượt qua. Thần tượng của tôi chính là các nhà khoa học đã quên mình vì sự nghiệp ngành y như Giáo sư Đặng Văn Chung, GS Phạm Ngọc Thạch.

Để kĩ thuật chơi đàn như hiện nay, Hồng Quang phải luyện tập như thế nào? Có nhiều khó khăn? (Anh Tú, 30 tuổi, Hà Nội)

Lưu Hồng Quang: Nói về biểu diễn piano - là một dạng kỹ thuật tổng hợp. Đầu tiên là phải chăm chỉ - ngày nào cũng phải luyện tập. Chơi đàn ngoài việc rèn luyện khả năng của ngón tay, còn phải rèn luyện cả trí óc -bổ sung các kiến thức tổng hợp như văn học, hội họa, kiến trúc, và cả kinh nghiệm sống. Bởi âm nhạc phản ánh cuộc sống- để chơi nhạc không như một cái máy.

Điều gì đã đưa Hồng Quang đến với cây đàn piano mà không phải một nhạc cụ khác? Theo Quang, người học đàn cần có những yếu tố và nguyên tắc gì? (Quang Huy, huyquang...@gmail.com)

Lưu Hồng Quang: Rất đơn giản là Quang được bố hướng cho học piano đầu tiên. Và ban đầu Quang cũng không hẳn đã say mê nó, nó giống như một công việc học tập hàng ngày. Đam mê của Quang đến từ thói quen. Và Quang cũng nghĩ rằng để có được đam mê thì phải học tập và rèn luyện.

Chào anh Quang. Anh đến với âm nhạc như thế nào? Được biết anh là con "nhà nòi", bố mẹ đều theo con đường âm nhạc, vậy anh thực sự thích chơi nhạc hay do bố mẹ định hướng? Anh sẽ chơi nhạc đến bao giờ? (Hoàng Ly, 18 tuổi, lyly...@yahoo.com)

Lưu Hồng Quang: Cũng không rõ đến bao giờ, nhưng âm nhạc tồn tại dưới nhiều thể như chơi nhạc, nghe nhạc, viết nhạc, nghiên cứu... Cho nên khó có thể nói là mình sẽ chơi nhạc đến hết đời, mà có thể nói là sống cùng âm nhạc đến hết cuộc đời.

***

Chương trình giao lưu trực tuyến kết thúc lúc 16h05. Xin cám ơn các vị khách mời đã đến dự hôm nay. Cám ơn quý bạn đọc đã quan tâm, theo dõi.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".