Khi thầy thuốc truy bắt tội phạm

Thiếu úy Nguyễn Chí Ninh (thứ hai từ phải sang) giao lưu trực tuyến tại Báo Tiền Phong
Thiếu úy Nguyễn Chí Ninh (thứ hai từ phải sang) giao lưu trực tuyến tại Báo Tiền Phong
TP - Với đồng bào dân tộc ở xã biên giới Na Ư, Điện Biên, thiếu úy Nguyễn Chí Ninh (SN 1982), đúng là lương y như từ mẫu, bên cạnh đó anh còn là nỗi khiếp sợ đối với tội phạm ma túy. Ninh là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2010.

>> Đêm tôn vinh tài năng trẻ

>> Vinh danh 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2010

Thiếu úy Nguyễn Chí Ninh (thứ hai từ phải sang) giao lưu trực tuyến tại Báo Tiền Phong
Thiếu úy Nguyễn Chí Ninh (thứ hai từ phải sang) giao lưu trực tuyến tại Báo Tiền Phong.

Y sĩ Ninh thuộc biên chế Đồn biên phòng cửa khẩu Tây Trang, đóng ở xã biên giới Na Ư với 100% dân cư là đồng bào dân tộc Mông, cách biệt với trung tâm y tế, bệnh viện. Với người dân nơi đây, mỗi lần đau bệnh nguy kịch là họ gần như đối mặt tử thần vì điều kiện y tế thiếu thốn. Y sĩ Ninh nhiều lần xử lý thành công các ca bệnh nguy kịch, trở thành cứu tinh của bà con.

“Đêm đó mưa rất to, đang trực tại Đồn thì chúng tôi nhận điện cấp cứu ca đẻ khó. Nhà sản phụ cách Đồn hơn 5 km đường rừng. Tôi đội mưa, cuốc bộ đến nơi thì chị đang nguy kịch”, thiếu úy Nguyễn Chí Ninh kể. Tình trạng bệnh nhân lúc ấy đã vượt quá thẩm quyền của một y sĩ, nhưng Ninh vẫn quyết tâm và may mắn đã cứu được cả hai mẹ con.

“Đây là địa bàn còn nhiều khó khăn, bà con còn nhiều phong tục lạc hậu. Khi sinh hầu hết phụ nữ đều ở nhà, không đến cơ sở y tế. Khi mắc bệnh họ vẫn cúng ma để chữa trị. Nếu không thân thuộc, rất khó thuyết phục họ đồng ý điều trị”, Ninh nói. Vì thế, y sĩ Ninh tự mày mò học tiếng Mông, rồi cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con.

Thiếu úy Ninh quê Hải Hậu, Nam Định, trở thành chiến sĩ Đồn biên phòng Tây Trang từ năm 21 tuổi. Tới nay đã gần chục năm gắn bó với địa bàn khó khăn này và theo cách Ninh nói thì: “Đồn đã là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. 

Nỗ lực của anh và các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tây Trang dần thay đổi thói quen của đồng bào Mông Na Ư.

Cùng với trạm y tế xã, các chiến sĩ Đồn Biên phòng đã thực hiện 25 buổi tuyên truyền cho người dân về phòng chống dịch bệnh và từ bỏ tập quán lạc hậu. Riêng y sĩ Ninh trực tiếp tham gia khám, điều trị cho hơn 100 lượt người, xử lý hàng chục ca cấp cứu nguy hiểm tại địa bàn.

Là thầy thuốc nhưng Ninh từng nhiều lần dũng cảm truy bắt tội phạm, dù phải mang thương tích trên cơ thể. Một lần Ninh cùng các chiến sĩ trong Đồn mật phục nhóm đối tượng buôn bán ma túy tại bản Na Hai, Sa Mứn (Điện Biên) cách đây gần một năm. Phát hiện bị truy bắt, nhóm đối tượng chống cự và bỏ chạy.

“Lúc ấy, đối tượng nhảy liều xuống vực sâu hơn 30 m hòng chạy thoát. Tôi lao theo rồi ôm chặt không cho hắn chạy. Lúc rơi xuống, đập người vào đất đá, tôi có cảm giác như búa tạ giáng vào người, buốt dọc sống lưng, đau buốt và lịm đi”, Ninh kể lại. Trong lúc đau đớn không thể cử động được đó, đôi tay của Ninh vẫn ôm chặt kẻ mang trong người 4 bánh heroin.

Sau lần truy bắt tội phạm này Ninh phải nằm viện hơn 3 tháng. Anh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba vì thành tích dũng cảm truy bắt tội phạm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG