Tiếp sức ngư dân ở Trường Sa

Lồng cá nuôi thử nghiệm ở lòng hồ đảo Đá Tây
Lồng cá nuôi thử nghiệm ở lòng hồ đảo Đá Tây
TP - Xuồng cao tốc rẽ sóng đưa chúng tôi ra giữa lòng hồ đảo Đá Tây (Trường Sa). Hồ rộng mênh mông được bao quanh bởi những bãi san hô ngầm.

> Tập đoàn Dầu khí 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến' ở biển Đông

Lồng cá nuôi thử nghiệm ở lòng hồ đảo Đá Tây
Lồng cá nuôi thử nghiệm ở lòng hồ đảo Đá Tây.

'Mỏ cá' Đá Tây

Nhờ sự ban tặng của thiên nhiên, nơi đây trở thành điểm cư trú của nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao và là nơi tránh bão cho tàu đánh cá xa bờ. Mỏ cá Đá Tây còn có điều kiện lý tưởng để nuôi trồng các loại hải sản. Giữa lòng hồ, cách đảo gần 1 km, là 8 lồng cá nuôi thử nghiệm.

Anh Nguyễn Hữu Quang, đội trưởng nuôi trồng thủy sản, cho hay, nhiều năm qua Bộ NN & PTNT đã cho triển khai nuôi thử nghiệm các loài cá có giá trị kinh tế cao với kết quả khả quan.

Các lồng cá ở đây đều làm theo công nghệ Na Uy có khả năng chịu được sóng cấp 7-8, với trị giá 300 triệu đồng/lồng và nếu nuôi hết công suất mỗi lồng có thể cho 3 tấn cá/năm. “Thử nghiệm cho thấy điều kiện tại Đá Tây có thể phát triển việc nuôi cá đại trà với 30 - 40 lồng. Mô hình này có thể nhân rộng ra các đảo khác ở Trường Sa có điều kiện nuôi thả tương tự như Song Tử Tây, Trường Sa Lớn…”, anh Quang nói.

Những người có trách nhiệm ở đây cho biết Nhà nước đang có chính sách hỗ trợ ngư dân ra Trường Sa nuôi cá lồng.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Đáp, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, ngoài chính sách hỗ trợ, Nhà nước cần quan tâm tới khâu sau thu hoạch như sơ chế, trữ lạnh… để thu hút ngư dân. Hiện, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đang triển khai đề tài cấp Nhà nước về vấn đề này và sẽ đưa vào ứng dụng trong thực tế vào quý III năm nay.

Trung tâm Dịch vụ ở đảo Đá Tây. Ảnh: Trọng Phú
Trung tâm Dịch vụ ở đảo Đá Tây. Ảnh: Trọng Phú.
 

Phố trên biển

Thiếu tá Nguyễn Văn Quảng, đảo trưởng đảo Đá Tây (Trường Sa), cho biết ngày càng có nhiều thuyền cá của ngư dân ra khai thác cá tại Trường Sa. Chỉ tính riêng tại đảo Đá Tây, trung bình mỗi năm có khoảng 300 - 400 thuyền ghé neo đậu, tiếp nhiên liệu, thực phẩm; chỉ riêng quý I năm 2011 đã có khoảng 200 thuyền cá của ngư dân ra đảo Đá Tây đánh bắt cá.

“Vào những đêm rằm, thuyền ngư dân mình kéo về bến neo đậu nườm nượp, treo đèn sáng rực trông như phố trên biển”, Thiếu tá Quảng nói.

Với chính sách tiếp sức cho ngư dân ra khai thác tại ngư trường Trường Sa, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đã được xây dựng ngay trên đảo Đá Tây.

“Khu dịch vụ đã khá hoàn chỉnh với nhiều hạng mục quy mô bên cạnh các hệ thống nhận và cung cấp nhiên liệu, nước ngọt cho tàu đánh bắt xa bờ. Chúng tôi đảm bảo cung ứng nhiên liệu bằng giá bán ở đất liền; cung cấp nước ngọt miễn phí; miễn phí tiền công khi sửa chữa tàu cá bị hư, có phao neo đậu cho tàu vào trú ẩn tránh bão…”, anh Dương Thanh Lâm, Trưởng Ban quản lý Trung tâm dịch cho biết.

Theo anh Lâm, từ đầu năm đến nay trạm đã đón hàng trăm lượt tàu của ngư dân vào neo đậu, tránh báo gió. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời này, ngư dân đánh bắt xa bờ tiết kiệm được chi phí và thời gian, tăng thời gian bám biển.

Theo anh Lâm, nghề nuôi cá biển cũng như đánh bắt khai thác cá ở Trường Sa còn nhiều tiềm năng, nhưng để phát huy tốt cần phát triển hơn nữa khả năng cung ứng dịch vụ hậu cần.

Thăm Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây gần đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết: Sau khi tổng kết, đánh giá mô hình dịch vụ hậu cần cũng như nuôi trồng hải sản ở đảo Đá Tây, Bộ sẽ giao cho các Viện Thủy sản phối hợp các ngành hữu quan lập dự án hỗ trợ, đưa người dân ra biển khai thác và nuôi trồng; đề xuất với Chính phủ có chính sách hỗ trợ hợp lý.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG