Ngăn bạo lực từ xa

Ngăn bạo lực từ xa
TP - Trên diễn đàn, nhiều gia đình than phiền tình trạng trẻ ngày càng ích kỷ. Chuyên gia tâm lý phân tích trẻ từ 3 tuổi trở lên dễ ích kỷ khi được bố mẹ nuông chiều, thoả mãn nhu cầu của trẻ vô điều kiện. Bản thân trẻ không có tính ích kỷ, mà đó là sản phẩm của giáo dục gia đình. Tính này sẽ theo trẻ đến tuổi trưởng thành, thậm chí cả đời.

> Giới trẻ và đám cưới nơi cửa Phật

Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Kim Quý cho rằng, ích kỷ là nguyên nhân sâu xa của những hành động bất thường trong trẻ hiện nay như bạo lực học đường, giết người...vì chỉ nghĩ đến thoả mãn nhu cầu cá nhân, trẻ không để ý đến hậu quả của những hành động.

Nũng nịu, bối rối và tỏ ra khá sợ sệt, con gái chị bạn tôi cứ bám chặt lấy mẹ trong một lần đi từ thiện ở Bệnh viện K Tam Hiệp (Hà Nội). Là con một, được cưng chiều nên bé đã có những biểu hiện của tính ích kỷ, ít khi chia sẻ đồ chơi hay món quà mình có với bạn bè, cáu gắt khi không được đáp ứng những đòi hỏi.

Lo lắng hơn cả với chị bạn tôi là sự thờ ơ, lãnh đạm của con gái với người có hoàn cảnh khó khăn và không biết quý những gì mình có. Vì thế, chị đưa cháu đến với những bạn đồng trang lứa đang phải vật lộn với bệnh hiểm nghèo. Sau mấy câu lí nhí “con sợ lắm”, được mẹ động viên, khích lệ, cháu bắt đầu lò dò vào giường bệnh thăm các bạn.

Cho con đi thực tế, hiểu và chia sẻ với bạn đồng trang lứa có hoàn cảnh khó khăn là cách giáo dục con hay của chị bạn tôi. Sau vài chuyến đi cùng mẹ, phản ứng của cháu tích cực hơn khi chủ động mang đồ chơi đi tặng các bạn.

Các nhà xã hội học cảnh báo tình trạng trẻ ích kỷ sẽ khiến phụ huynh chịu hậu quả đầu tiên bởi chính con cái sẽ không thương họ. Khi thực tế không thoả mãn, trẻ sẽ tìm đến thế giới ảo, đây cũng là yếu tố gia tăng tính ích kỷ. “Rèn cho trẻ tính kỷ luật, lòng nhân ái, biết chia sẻ, biết cho - nhận và học cách chịu trách nhiệm trước hành động của mình là việc mà cha mẹ cần dạy cho con để ngăn chặn từ xa tình trạng bạo lực ở người trẻ”, tiến sỹ Kim Quý khuyên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG