Những người trẻ thắp lửa rẻo cao

Những người trẻ thắp lửa rẻo cao
TPO - Đi bộ 5 km vượt quãng đường núi đá dốc hiểm trở, bám trụ nhiều ngày ở nơi không điện, không sóng điện thoại, không có nước sạch để sinh hoạt, không chợ và chỉ có lượng thực phẩm dự trữ ít ỏi… là những thách thức mà nhóm tình nguyện Cỏ Ba Lá phải đối mặt.

Họ mang dự án cải thiện sức khỏe đến cho các em nhỏ ở vùng rẻo cao xa xôi. Những nỗ lực của nhóm tình nguyện Cỏ Ba Lá vừa được ghi nhận bởi Giải thưởng Chim Én 2011 dành cho Nhóm Tình nguyện tiêu biểu nhất.

Các thành viên Cỏ Ba Lá chụp ảnh lưu niệm với trẻ em vùng cao
Các thành viên Cỏ Ba Lá chụp ảnh lưu niệm với trẻ em vùng cao.

Ước mơ “sưởi ấm” mùa đông trên những vùng cao

Cỏ Ba Lá thành lập từ năm 2009 với 15 thành viên là các sinh viên trẻ đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội như Đại học Y tế Công cộng, Đại học Thương mại, Đại học Hà Nội… Nhóm đặt ra mục tiêu giúp người dân ở vùng miền núi hẻo lánh, đặc biệt là trẻ nhỏ cải thiện đời sống tinh thần và vật chất.

Chia sẻ về lý do chọn vùng cao là nơi nhóm tổ chức hoạt động tình nguyện, bạn Quỳnh Trang, trưởng nhóm Cỏ Ba Lá cho biết, người dân ở những vùng này ít có cơ hội tiếp xúc với các tiến bộ của xã hội. Họ nghèo nên con em họ phải chịu thiếu thốn về nhiều mặt, đặc biệt là không được hưởng những điều kiện y tế dù là tối thiểu. Và nhóm mong muốn làm giảm thiệt thòi cho những trẻ em đó.

“Có lẽ với phần đông các nhóm, hoạt động thiện nguyện phải bắt nguồn từ những lí tưởng lớn lao. Nhưng với Cỏ Ba Lá, chúng tôi chỉ đơn giản nỗ lực làm sao mang đến cái ấm áp giúp sưởi ấm mùa đông cho các đồng bào trên vùng núi cao lạnh giá”, Quỳnh Trang chia sẻ.

Thời gian đầu, Quỳnh Trang và các thành viên trong nhóm Cỏ Ba Lá đã gặp phải muôn vàn khó khăn. Đường đi xa xôi, khó khăn, nhiều lúc nhóm phải đi bộ hàng cây số đường đèo, thiếu thốn đủ bề về vật chất và khó khăn nhất là sự bất đồng về ngôn ngữ là một số thử thách mà nhóm phải vượt qua trên con đường mang hơi ấm, niềm vui đến cho các em nhỏ miền núi.

Quỳnh Trang kể lại, có lần do tan học muộn, nhóm Cỏ Ba Lá phải ngồi đợi xe khách hàng giờ vì lỡ chuyến lên huyện vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Sau đấy, dù may mắn bắt được xe đến Trạm Tấu, nhóm tiếp tục phải đi bộ hơn 5km đường núi dốc, đất đá lởm chởm với những balô, tay xách, gánh nặng trên vai để vào tận các làng bản. Kết quả là có một số bạn bị ốm, phải nằm lại trên bản hàng tuần liền.

Các bạn trẻ vượt đèo vào bản
Các bạn trẻ vượt đèo vào bản.

Cùng “Nâng bước chân trẻ miền núi”

Khó khăn là vậy nhưng với khẩu hiệu “tất cả làm nên một Cỏ Ba Lá đoàn kết và vững mạnh. Khó khăn làm chúng ta gần nhau hơn”, các thành viên của nhóm Cỏ Ba Lá đã vượt qua tất cả để tổ chức và thực hiện thành công nhiều dự án như “Nâng bước chân trẻ miền núi” tại thôn Tà Xùa, Trạm Tấu, Yên Bái với mục đích nâng cao nhận thức, cung cấp kỹ năng tự chăm sóc bản thân cho trẻ tại đây; dự án “Thư viện xanh” nhằm hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập cho các trường khó khăn trên địa bàn miền núi tỉnh Yên Bái; dự án “Hũ gạo vùng cao” hướng tới việc cung cấp gạo cho các trường nội trú giúp học sinh nội trú có gạo ăn vào những thời điểm gia đình các em hết gạo…

Chuyến đi tình nguyện đáng nhớ nhất của Cỏ Ba lá có lẽ là khi thực hiện chương trình “Mùa đông ấm Yên Bái 2011” tại xã Tà Xi Láng – Trạm Tấu – Yên Bái. Chưa bao giờ nhóm lại trải qua một chặng đường khó khăn đến thế, 17km đường đồi núi cheo leo, một bên là núi lở và một bên là vực thẳm với những dốc cao.

Tà Xi Láng cách trung tâm Trạm Tấu 50km. Nơi ấy chỉ có một nhà trụ sở ủy ban, các trường học, trạm y tế và vài nhà dân lẻ tẻ. Bản làng gần nhất của xã cách đấy 3km đường núi. Điều kiện sinh hoạt và sống thực sự khó khăn với thời tiết cực kỳ khắc nghiệt: 50C vào ban đêm và sáng sớm.

Nhưng điều đặc biệt ở đây không phải sự khắc nghiệt, mà chính là con người. Các em học sinh hầu hết ở nội trú tại trường học với ít gạo và thực phẩm chủ yếu là măng, sắn; điều kiện ăn ở rất khó khăn; quần áo mong manh… Tuy vậy, các em vẫn rất ham học và ngoan ngoãn. Thầy cô giáo nơi đây cũng thật sự là những người đáng để khâm phục.

Họ đều đến từ miền đồng bằng, còn rất trẻ, có nhiều cơ hội để phát triển ở nơi khác nhưng vẫn chọn Tà Xi Láng, một nơi xa xôi hẻo lánh, ít người quan tâm, hiếm ai lui tới để làm việc. Họ nhiệt tình giảng dạy các em nhỏ, giúp các em cải thiện những bữa ăn, vận động những em khác tới trường. Họ đã làm được những điều đáng kinh ngạc bằng cái tình của người thầy thực sự.

Sau ba năm hoạt động, nhóm Cỏ Ba Lá đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể, sau khi nhóm thực hiện dự án tạo môi trường vui chơi học hỏi, giao tiếp thể hiện năng khiếu, hòa nhập cộng đồng cho trẻ từ 5 – 12 tuổi tại thôn Tà Xùa, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, tỷ lệ trẻ em từ 6 – 12 tuổi có kiến thức đúng đánh răng và rửa tay vệ sinh từ 3% vào tháng 11 - 2009 đã tăng lên đến 60% vào tháng 11 - 2010; tỷ lệ trẻ em từ 6- 12 tuổi thực hành đúng đánh răng và rửa tay vệ sinh từ 2% vào tháng 11 - 2009 đã tăng lên đến 50% vào tháng 11 - 2010. Ngoài ra, nhóm còn quyên góp và hỗ trợ 1452 quyển sách vở, dụng cụ học tập cho nhiều trường vùng cao tại Yên Bái…

Với trẻ em vùng cao
Với trẻ em vùng cao.

Những con số biết nói trên cho thấy những đóng góp dù thầm lặng, nhưng vô cùng quý giá của nhóm Cỏ Ba Lá cho người dân vùng cao, đặc biệt là các em nhỏ.

Với những thành quả đạt được trong quá trình hoạt động, nhóm tình nguyện Cỏ Ba Lá đã vinh dự nhận giải thưởng nhóm tình nguyện tiêu biểu của Giải thưởng Chim Én 2011 vào cuối tháng 9 vừa qua. Cá nhân Quỳnh Trang, trưởng nhóm Cỏ Ba Lá cũng giành được giải thưởng Cá nhân hoạt động tình nguyện tiêu biểu của giải thưởng này.

“Đây thực sự là một niềm động viên khích lệ mạnh mẽ đối với nhóm Cỏ Ba Lá. Chúng tôi vui mừng vì những đóng góp của mình đã được xã hội ghi nhận. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động, tăng cường thêm cả về chất và lượng cho các hoạt động của nhóm nhằm giúp đỡ nhiều hơn cho các em nhỏ vùng cao đang còn gặp khó khăn”, Quỳnh Trang tâm sự.

Giải thưởng Chim Én lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2009. Đây là Giải thưởng do tập đoàn FPT khởi xướng và tổ chức. Cho đến nay, qua hai năm triển khai, Giải thưởng đã thu hút được hàng nghìn các bạn tình nguyện viên và tôn vinh 5 tổ chức và 5 cá nhân hoạt động xuất sắc mỗi năm.

Hiện nay, mạng lưới của vicongdong.vn đã quy tụ được 300 nhóm tình nguyện tham gia hoạt động; gần 35,000 thành viên là các tình nguyện viên trên toàn quốc. Và đây đã thực sự trở thành Ngôi nhà chung của Cộng đồng thiện nguyện Việt Nam.

Theo Viết
MỚI - NÓNG