Hoa khôi Nhân văn chia sẻ quyết định "a dua'

Hoa khôi Nhân văn chia sẻ quyết định "a dua'
TPO - Một nhà tâm lý cần phải biết bộc lộ bản thân, thì mới có thể khiến thân chủ tin tưởng vào mình. Hoa khôi Thanh Ly - nhà tâm lý tương lai đã chia sẻ về quyết định theo đám đông, sành điệu

Thanh Ly trở thành Hoa khôi Nhân văn

Xin chào Thanh Ly!

Thanh Ly có thể chia sẻ lý do nào bạn lại chọn ngành Tâm lý trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để theo học?

Mình đến với ngành tâm lý khá tình cờ. Trước khi đăng ký, mình không có nhiều hiểu biết về ngành tâm lý học. Không biết mình sẽ học những gì và công việc tương lai như thế nào.

Bản thân mình lại là một người dễ bị tâm lý, hay suy nghĩ. Trước hôm thi đại học, mình đã thức trắng đêm ngồi tâm sự với bố mẹ và anh trai để lấy tinh thần. Mình nghĩ học tâm lý trước hết để giúp cho bản thân, sau đó sẽ có thể chia sẻ và giúp đỡ cho những người xung quanh.

Tâm lý có nhiều ngành, bạn sẽ theo lĩnh vực nào? Bạn đã có định hướng và chuẩn bị như thế nào cho công việc của mình khi ra trường?

Mình sẽ theo chuyên ngành tâm lý học xã hội. Bởi mình rất thích các hoạt động mang tính xã hội, năng động và có nhiều sự trải nghiệm.

Sau khi ra trường, mình rất muốn làm việc cho một tổ chức phi chính phủ có các hoạt động liên quan đến vấn đề tâm lý. Hiện tại mình vẫn đang cố gắng trau dồi và nâng cao trình độ tiếng Anh của bản thân để chuẩn bị thật tốt cho công việc sau này.

Ngành tâm lý đã cho bạn những kỹ năng gì? Và bạn đã ứng dụng nó trong cuộc sống, học tập và chuyện tình cảm như thế nào?

Mình cảm thấy trưởng thành, tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người. "Một nhà tâm lý cần phải biết bộc lộ bản thân mình, như vậy mới có thể làm cho thân chủ tin tưởng vào mình”. Một cô giáo đã nói như vậy, mình rất ấn tượng và vẫn luôn cố gắng để đạt tới được điểu đó.

Mỗi khi gặp khó khăn, mình thường chia sẻ với bạn bè và người thân. Nhưng mình vẫn luôn tự nhắc phải cố gắng nỗ lực và tin mình sẽ vượt qua.

Là một sinh viên theo học ngành Tâm lý, bạn đánh giá như thế nào về tâm lý đám đông (a dua) trong giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung?

Theo mình, tâm lý đám đông (a dua) trong giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung là một hiện tượng khá phổ biến và dễ có xu hướng lan rộng. Tâm lý a dua không chỉ có ở thành thị mà đã về nông thôn. Khi công nghệ thông tin như hiện nay, một sự kiện “hot” chỉ sau ít phút có thể lan ra rất rộng. Giới trẻ là những người mà nhân cách đang hoàn thiện và luôn muốn khẳng định cái tôi. Nên họ cho rằng những việc đang được số đông để ý tới, dễ dàng được mọi người biết tới thì họ làm. Nhiều khi làm mà họ chưa nghĩ đến hậu quả thiệt hơn của những việc đó. Mình nghĩ rằng đây là một vấn đề cần sự quan tâm của xã hội, của gia đình và nhà trường.

Tâm lý đám đông là biểu hiện việc sợ mình thất bại, phán đoán sai hoặc không thể tới đích... Có nhiều bạn trẻ thường không tự tin vào quyết định của mình. Bạn nghĩ như thế nào về điều này?

Thường khi không chắc chắn vào quyết định của bản thân, mỗi người dễ sẽ nghe theo đa số; có cảm giác an toàn hơn khi làm theo mọi người. Đó là một tâm lý hết sức tự nhiên và chẳng có gì là sai cả.

Tuy nhiên, số đông không phải lúc nào cũng đúng. Mình có thế lấy một ví dụ nhỏ như thế này. Có một lần làm bài tập kiểm tra, hơn nửa lớp ra cùng một đáp số, nhưng mình và một vài bạn khác lại không ra như vậy. Đến lúc nộp bài, mình đã rất đắn đo rồi cuối cùng khoanh vào đáp án theo phần đông mọi người. Cuối cùng, đáp số theo đa số là sai, lúc đầu mình đã làm đúng. Đó mới chỉ là một sai lầm mà hâu quả của nó cũng không quá nghiêm trọng. Nhưng nếu là một quyết định liên quan đến cả cuộc đời, vì theo đám đông mình phải gánh chịu hậu quả thì sẽ thật đáng tiếc biết nhường nào.

Nên trước mỗi hoàn cảnh, trước khi đưa ra quyết định mỗi người cần phải suy nghĩ thật kỹ và tin vào chính mình. Mình tin chúng ta sẽ đi tới đích hoặc chí ít, cũng sẽ không phải hối hận về sự lựa chọn ấy.

Thanh Ly
Làm theo đám đông không xấu nhưng hãy là sự bắt chước trí tuệ - ý thức.

Bạn có thể chia sẻ quyết định nào của bản thân a dua theo đám đông? Bản thân đã có những cố gắng như nào để có những quyết định theo đám đông – thông minh?

Mỗi người luôn tìm cho mình một cách riêng để khẳng định bản thân và mình cũng vậy. A dua theo đám đông mình thấy không phải là một hiện tượng xấu bởi nó còn tùy thuộc vào việc bạn lựa chọn các khuôn mẫu như thế nào.

Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ đi học thêm ngoại ngữ và bản thân, mình cũng cố gắng nâng cao trình độ tiếng Anh để phục vụ cho công việc sau này. Trước bất kỳ một quyết đinh nào, dù theo đám đông hay không, cần phải suy xét kỹ, xin lời khuyên từ những người đã đi trước. Khi đó, dù có làm theo đám đông thì cũng là một sự bắt chước logic (trí tuệ- ý thức) chứ không phải là một sự bắt chước mù quáng.

Trong giới trẻ hiện nay, nhiều người có cách nghĩ hay dùng nhiều từ chêm xen vào câu nói mới là “sành điệu”. Có không ít từ, câu vô nghĩa, thậm chí chưa “đẹp”. Thanh Ly nghĩ như thế nào về điều này? Chêm xen thế nào trong lời nói chừng nào thì văn hóa?

Tiếng Việt là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Giới trẻ bây giờ có nhiều điều kiện để bộc lộ bản thân; điều kiện giao lưu và học thêm tiếng nước ngoài. Nhưng điều đó không có nghĩa, chúng ta sử dụng một cách tùy tiện, bất cứ lúc nào. Nhiều bạn trẻ nói mà bố mẹ và ông bà không thể hiểu được. Chính những người đó đã đang làm tan chảy tiếng Việt, văn hóa Việt.

Mình không đồng tình với cách dùng từ chêm xen thiếu dễ dãi tùy tiện đó. Tiếng Việt vốn dĩ rất trong sáng, giản dị và điều quan trọng là bạn nói để người khác nghe, hiểu và cảm thông với bạn chứ không nhất thiết phải chêm xen, nhất là chêm xen khiến không ai hiểu gì.

Thanh Ly quan niệm thế nào là ‘sành điệu’? Bạn có nghĩ mình là một người sành điệu?

Có lẽ với nhiều người, sành điệu là khi bạn mặc trên người một bộ quần áo hợp mốt, một chiếc điện thoại thời trang hay có một kiểu đầu thời thượng. Với mình, một người “sành điệu”, khiến em ngưỡng mộ là khi họ khẳng định được bản thân mình, khẳng định được tri thức, hiểu biết về văn hóa và những kiến thức của họ về các lĩnh vực khác. Họ khiến người khác phải trầm trộ, thán phục bằng chính năng lực của mình chứ không phải vì những thứ mà họ đang mang theo trên người.

Và để trở thành một người “sành điệu” như vậy em nghĩ rằng mình cần phải cố gắng hơn rất nhiều.

Trong câu trả lời phần thi ứng xử Thanh Ly có nói là giới thiệu nét đẹp nội tâm và ngoại hình của sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nếu giới thiệu nội tâm thì bạn sẽ giới thiệu nét nào của sinh viên trường? Ly tự thấy là người như thế nào?

Ngay từ khi mới vào trường, trong những lần nói chuyện với bạn bè mình học ở trường khác, em vẫn thường rất tự hào khi giới thiệu với các bạn sự dịu dàng, nhẹ nhàng và nữ tính của nữ sinh Nhân văn và đặc biệt là các bạn nữ trong lớp em. Các bạn sống rất tình cảm, quan tâm đến người khác và luôn sẵn sàng sẻ chia với mọi người.

Còn nếu để mình tự nhận thấy bản thân mình như thế nào thì thật là khó!.. Nếu mọi người có thể gặp , nói chuyện và tìm hiểu về mình thì có lẽ sẽ có những cảm nhận khách quan hơn.

Với Thanh Ly, sành điệu được đánh giá bằng chính năng lực, hiểu biết chứ không phải vì những thứ mang theo trên người
Với Thanh Ly, sành điệu được đánh giá bằng chính năng lực, hiểu biết chứ không phải vì những thứ mang theo trên người.

Nếu có lúc nào đó, có người nói với bạn rằng, con gái lại học tâm lý mà chẳng tâm lý tí nào thì Thanh Ly sẽ phản ứng như thế nào?

Mình nghĩ rằng trong cuộc sống, con người ta sẽ chẳng bao giờ có thể chiều lòng và được lòng của tất cả mọi người. Vậy nên mình cũng không cố để đi tìm một sự hoàn hảo như vậy.

Mỗi người có một quan niệm riêng và không phải lúc nào cũng có thể làm hài lòng hay phù hợp được với những người xung quanh. Vậy nên dù có thể bị cho là học tâm lý mà lại không tâm lý thì mình vẫn sẽ cố gắng để hiểu, thông cảm và chia sẻ với họ hơn thôi.

Ly đã bao giờ trở thành tư vấn viên tình cảm cho bạn bè chưa?

Tất nhiên là rồi. Thậm chí còn từ trước khi mình theo học ngành tâm lý. Đó là khi đang học cấp 3, mình vẫn thường là một tư vấn viên tình cảm “bất đắc dĩ” cho những người bạn thân.

Chúng mình luôn tâm sự với nhau về chuyện gia đình, bạn bè và cả mối tình tuổi học trò vô cùng ngây thơ và trong sáng nữa. Có thể bản thân chưa từng trải qua nhưng với những hiểu biết hay những câu chuyện mà mình đọc được trên sách báo, em đã học hỏi rồi chia sẻ với bạn bè.

Và cho tới thời điểm hiện tại, thi thoảng mình vẫn tư vấn giúp những người bạn thân. Tất nhiên, giờ em nghĩ mình chín chắn và có nhiều kỹ năng hơn hồi học cấp 3 rồi!

Chúc Thanh Ly thành công trong cuộc sống!

Nguyễn Thanh Ly

NS: 1-3-1991                 Quê quán: Thạch Thất. Hà Nội

Lớp K54 Tâm lý học         Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội)

Sở thích: nghe nhạc, đọc sách (Hạt giống tâm hồn, Lăng kính tâm hồn…), chơi thể thao (chạy bộ)

Ước mơ : Trở thành 1 Mc dẫn chương trình liên quan đến Tâm lý

Phương châm cuộc sống: "Con người ta sinh ra trên đời không phải để tan biến như hạt cát vô danh mà để in dấu trên mặt đất, in dấu trong trái tim người khác" (Nguyễn Thị Nguyện)
Theo Viết
MỚI - NÓNG