Người lớn phải ngoan

Người lớn phải ngoan
TP - TS Phạm Hồng Tung, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc lây lan giá trị tiêu cực, xung đột thế hệ của một bộ phận giới trẻ liên hệ mật thiết với sự gương mẫu, ngoan hoặc không của người lớn.

Tiêu cực tăng

TS nghĩ sao về hiện tượng tiêu cực như đánh nhau, khoe thân... rồi tung clip đang lây lan rất nhanh trong một bộ phận giới trẻ...

Đầu tiên phải khẳng định cái tốt cũng lan truyền nhanh như phong trào tình nguyện lôi cuốn đông đảo thanh niên (TN) tham gia. Theo khảo sát của chúng tôi, số TN, học sinh sa vào cái xấu không chiếm đa số. Đáng ngại, dù thiểu số, nhưng có xu hướng tăng nhanh, tác động mạnh, gây hiệu ứng xã hội nên dư luận rất quan tâm và đôi khi bị sốc.

Theo TS, đâu là nguyên nhân?

Khi người trẻ còn ít hào quang trong cuộc sống, họ rất muốn tạo hào quang để được người khác ngưỡng mộ. Đó là lực đẩy giúp họ nỗ lực lập thành tích, khẳng định mình. Nhưng giới trẻ thường ít kinh nghiệm, bồng bột, hành động ít cân nhắc nên dễ lựa chọn một số cách hành xử lệch chuẩn, ngổ ngáo, liều lĩnh để khẳng định, thể hiện mình. Không ít TN dễ bị hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ lệch chuẩn lây lan, bắt chước nhau để trở thành người lớn.

10 khen - 1 chê

Nhiều người chưa hoặc không chịu nhìn nhận điều tốt đẹp ở phần lớn giới trẻ?

Tiếc là điều đó có thực ví như khi con đạt điểm cao, bố mẹ khen nhưng chỉ được vài câu. Nhưng lỡ con trượt kỳ thi, cả nhà, cả họ buồn. Người ta làm 10 việc tốt, xã hội coi đó bình thường, nhưng không may phạm một khuyết điểm, mắc một việc xấu dễ bị định dạng là người xấu.

Theo TS, có thể dùng chính hội chứng lây lan để giáo dục giá trị tích cực cho TN?

Việc đầu tiên, ta phải ca ngợi cái tốt một cách thường xuyên, thích hợp để mọi người nghe và học theo. Phải có cơ chế cho cái tốt được nhân lên. Hiện xã hội làm việc đó ít quá, các cơ quan truyền thông ca ngợi, tôn vinh cái tốt còn ít và hời hợt quá. Các cơ quan thi đua khen thưởng cũng rất hình thức. Hãy nhớ không trẻ em, TN nào lại xung phong làm người xấu, người thất bại cả.

Có thể dùng chính hội chứng lây lan trong giới trẻ để lan truyền cái tốt, giống như trong y học, dùng sự lây truyền của vi-rút, vi khuẩn để chữa bệnh. Với TN thích đánh nhau, người lớn, nhà trường, xã hội hãy tổ chức tốt các lớp học võ, để ở đó các sư phụ tài đức dạy cho bạn trẻ Đạo của người biết võ. Khi đó, họ biết trọng việc sử dụng vũ lực vào việc có ích, việc thiện.

Người lớn phải gương mẫu để giới trẻ noi theo
Người lớn phải gương mẫu để giới trẻ noi theo.

Xung đột thế hệ

Nghiên cứu của TS khẳng định: Giới trẻ thường xung đột với thế hệ đi trước. Vì sao vậy?

Đó là quy luật. Thế hệ đi trước mong muốn trao truyền, dẫn dắt người đi sau và coi đó là bổn phận. Nhưng người đi trước thực hiện bổn phận đó bằng tri thức, giá trị, biểu tượng, kinh nghiệm họ đã có. Những thứ đó đúng và chỉ thuộc về thế hệ, thời đại của họ, chưa chắc hoàn toàn phù hợp với thế hệ trẻ. Việc thế hệ trước nhường bước cho thế hệ chủ nhân tương lai là hợp quy luật.

Vậy xung đột thế hệ ảnh hưởng như thế nào tới giới trẻ?

Đối với thế hệ trẻ, quy luật là phải tiếp thu tự giác hoặc không tự giác những gì thế hệ trước để lại. Thực tế, mỗi lần bị khủng hoảng, họ đều tìm cách trở về gia đình, tổ tiên, cội nguồn để tìm lại giá trị gốc, lời tư vấn, kinh nghiệm, hỗ trợ vật chất, tinh thần... Một mặt là kế thừa, nhưng yêu cầu của lịch sử đòi hỏi họ phải tiến về phía trước, phải khác thế hệ trước. Đó là nguyên nhân gây ra xung đột thế hệ, những xung đột không tránh khỏi, tôi gọi đó là xung đột đúng.

Nhưng cũng có xung đột sai. Thế hệ trước cưỡng bức giá trị thế hệ sau, bắt phải giống mình. Đặc biệt, việc cưỡng bức ấy dễ xảy ra ở nhiều người có chức, quyền. Về phía giới trẻ, không hiếm trường hợp tìm cách khẳng định mình theo kiểu phủ nhận giá trị, công lao, biểu tượng của người đi trước, thậm chí cố tình làm trái, bất chấp đúng sai.

Giáo dục người lớn

Theo TS, bài toán giáo dục TN hiện nay sẽ thực hiện theo chuẩn nào?

Bài toán khó nhất hiện nay không phải giáo dục TN mà giáo dục người lớn. Người lớn đang trải qua cuộc vật lộn khó khăn, gian khổ lồng ghép vào đó những biến chuyển mau lẹ và phức tạp từ nền kinh tế cũ sang cơ chế cạnh tranh thị trường, lăn lộn kiếm tiền.

Đồng tiền làm ô nhiễm các mối quan hệ vốn được định danh phải trong sáng như giữa thầy thuốc với bệnh nhân, giữa thầy và trò. Khi phải sống và tương tác trong môi trường đó, đừng yêu cầu giới trẻ phải luôn trong sáng, ngoan, hiền, chuẩn mực. Người lớn đang làm hư trẻ em, TN bằng nhiều cách.

Vậy bài toán giáo dục người lớn của TS ra sao?

Một số người nước ngoài nói: “Văn hóa Việt Nam là văn hóa phong bì!”. Phong bì dùng để bôi trơn các mối quan hệ. Muốn TN noi gương, phải xây dựng xã hội pháp quyền, thượng tôn pháp luật, thượng tôn đạo đức; môi trường cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy xã hội phát triển, các quan hệ sẽ dần được lành mạnh hóa.

Sẽ không thể giáo dục lòng yêu nước cho TN nếu họ thấy một bà mẹ Việt Nam anh hùng nào đó chưa được quan tâm đúng mức…

Cám ơn TS.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG