Chuyện tình 8-3 của lính nhà giàn

Chuyện tình 8-3 của lính nhà giàn
TP - Chuyện tình của thiếu tá Đậu Đình Phú, tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân Vũng Tàu, được nhiều lính nhà giàn nhắc đến bởi nhiều tình tiết thú vị: Tỏ tình ngày 8-3 và cưới nhau cũng 8-3, sau 2 năm yêu nhau bằng thư.

Tỏ tình ngày 8 tháng 3

Trong căn nhà khá khang trang mới xây còn thơm mùi sơn mới mà anh Phú và chị Mai tích cóp tiền hơn chục năm mới có được, chị Mai vừa dạy con học, vừa bộc bạch: "Kỷ niệm nhớ nhất là anh Phú tặng hoa cho em đúng ngày 8-3 cách đây 14 năm. Cứ như duyên trời sắp đặt, chứ ngày ấy con gái nhà quê cả ngày theo mẹ ra đồng biết gì chuyện yêu đương sớm".

Đầu tháng 3 năm 1998, sau hơn 10 tháng làm nhiệm vụ trên nhà giàn DK1/14, Thượng úy Đậu Đình Phú được về đất liền nghỉ phép rồi về quê thăm bố mẹ. Sau một ngày nghỉ ngơi, anh đạp xe đến thăm nhà đồng đội. Đoạn đường lên huyện Thanh Chương (Nghệ An) nắng chang chang, anh gặp một cô gái chở 3 cháu nhỏ trên chiếc xe đạp. Anh dừng xe, nói: "Cô ơi, để tôi chở giúp 2 cháu. Đừng ngại, tôi là bộ đội về phép". Cô gái nhìn bộ quân phục Hải quân rồi yên tâm bế 2 cháu qua xe anh.

Quãng đường gần 3 km đủ để 2 người hỏi nhau những thông tin cần thiết. Tối hôm đó, anh bộ đội Hải quân quyết định "xuất kích" với một bó hoa đến nhà cô giáo. "Lúc đó, em cũng chẳng nghĩ được gì, vì từ bé đến khi đó có nhận được hoa của ai đâu. Hơn nữa, chuyện yêu đương ngày ấy đâu hiện đại như bây giờ. Bởi vậy, ngày ấy nhận hoa của anh Phú cũng liều thật, nhưng có điều gì như mách bảo” - Chị Mai nhớ lại.

Sau lần công tác ở nhà giàn DK1/14, anh chuyển công tác ở 2 nhà giàn khác nữa. Tình yêu giữa anh lính nhà giàn và cô giáo hậu phương lớn dần theo thời gian. Những lá thư từ đất liền gửi ra, từ biển xa gửi về chan chứa lời yêu và hẹn ngày làm đám cưới. Ngày ấy không có điện thoại như bây giờ, để nhận được tin của nhau, mỗi người phải đợi chờ 2 tháng, thậm chí 4 tháng nếu tàu thay trực gặp sóng to gió lớn không chuyển thư báo lên nhà giàn được. Có khi, Phú nhận được thư người yêu ướt nhòe vì cả bao thư báo rớt xuống biển. "Anh Phú viết thư về nói "anh quyết tâm lấy em, vì em hiền lành". Em viết thư ra bảo: "Em cũng yêu anh vì anh là người lính chín chắn trong lời nói và việc làm. Ngày ấy cũng bạo miệng thật" - Chị Mai cười.

Ngày 8-3-2000, đám cưới giản dị giữa người lính nhà giàn và cô giáo quê nghèo diễn ra trong sự vui mừng của bố mẹ 2 bên và bà con xóm giềng. Chú rể mặc quân phục, còn cô dâu trong chiếc áo dài. Cưới xong, Phú gửi vợ cho "ông bà già" rồi tiếp tục đi
nhà giàn.

Chị Mai chăm con học ở nhà trong khi anh Phú làm nhiệm vụ trên biển xa
Chị Mai chăm con học ở nhà trong khi anh Phú làm nhiệm vụ trên biển xa.

Điểm tựa vững chắc

"Bây giờ cũng không quá khó khan về kinh tế, em chỉ mong sao anh Phú hoàn thành nhiệm vụ là mẹ con em mừng rồi. Nói ở nhà khó khăn, nhưng em biết các chiến sĩ nhà giàn DK1 còn gian khổ bội phần. Các anh ở ngoài ấy chỉ nghe nói vợ ốm, con đau là nóng lòng lo lắng. Không phải mình em đâu, vợ lính DK1 ai cũng là điểm tựa gia đình vững chắc cho chồng yên tâm công tác" - Chị Mai nói.

Tháng 12-1998, chị nghe tin nhà giàn 1/14 nơi anh Phú đang đóng quân bị nghiêng do bão lớn. Lúc đó hai người chưa cưới nhau, lòng chị nóng như lửa đốt. Chị thấp thỏm chia sẻ thông tin về anh qua đồng đội và đơn vị của anh. Đến khi biết anh và tất cả 9 người khác trên nhà giàn DK1/14 an toàn, chị mới yên tâm. Sau lần đó, chị mới thấu hiểu thế nào là sự chờ đợi và chấp nhận làm vợ anh.

Chia sẻ về cuộc sống hằng ngày của 3 mẹ con, chị Mai nói: "Là phụ nữ ai chẳng muốn được gần gũi chồng, nhưng em không đòi hỏi điều đó, 2 con em cũng vậy. Tuần nào bố cũng gọi điện về. Mỗi lần nghe thấy tiếng anh Phú, mẹ con em thấy rất ấm lòng. Trước đây khi nhà giàn chưa có điện thoại, anh Phú vẫn thường viết thư về. Nay có điện thoại anh gọi về luôn. Dù không gần nhau thường xuyên, nhưng mẹ con em vẫn như thấy có anh Phú bên cạnh. Con em ngày nào cũng nhắc bố Phú. Em bảo đừng nhắc nhiều, bố sốt ruột lắm".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG