Ra biển để nhìn xa hơn

Sinh viên và lính đảo tâm tình Ảnh: C.K
Sinh viên và lính đảo tâm tình Ảnh: C.K
TP - Doanh nhân trẻ, sinh viên có cách nhìn mới về biển đảo khi tham gia hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” (tháng 6 -2012) đến với Nhà giàn, Trường Sa.

> Lời nhắn từ Nhà giàn

Nhìn xa hơn

Trên boong tàu HQ 571, ít ai biết người đàn ông trong màu áo xanh thanh niên tình nguyện, đầu đội mũ tai bèo, mắt luôn nhìn xa xăm là Phó Tổng giám đốc Cty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Nguyễn Tuấn Quỳnh.

“Ra với Trường Sa với biển đảo là thử thách tôi muốn vượt qua và đã ước ao nhiều năm. Trước mặt tôi giờ là biển cả quê hương và những cuộc giao lưu với lính đảo”, anh Tuấn Quỳnh chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Tòng, Giám đốc đào tạo Cty Giấy Sài Gòn, thường là người đi đầu khi tới thăm các đảo, vừa làm công tác vận chuyển hàng, vừa mong có mặt trước để có nhiều thời gian hơn với chiến sĩ.

Còn anh Tuấn Quỳnh sau mỗi lần thăm đảo, lại tỷ mẩn ghi lại cảm nhận, chi tiết lý thú cùng những hình ảnh chân thực. “Tôi sẽ chia sẻ những gì có được qua kênh thông tin của cơ quan, qua mạng xã hội để đồng nghiệp, bạn bè và người thân có thể hiểu hơn về cuộc sống nơi đảo xa”, anh Tuấn Quỳnh cho biết.

Đứng trước những ngôi mộ liệt sĩ tại đảo Trường Sa Đông, hay tại lễ tưởng niệm ở khu vực nhà giàn, nhiều doanh nhân trẻ từng lăn lộn trên thương trường đều chia sẻ rằng những khó khăn họ trải qua chưa thấm vào đâu so với mất mát, hy sinh của người lính hải quân.

“Trước đây tôi nghĩ đơn giản, việc người lính ra đảo là thực hiện nghĩa vụ, mệnh lệnh của cấp trên. Khi bước chân lên các đảo chìm như Đá Lát, Thuyền Chài, Tiên Nữ… tôi mới hiểu rõ ý chí, nghị lực của những người lính. Tôi chợt nhìn lại khó khăn của mình, của doanh nghiệp mới thấy nó quá nhỏ bé so với những thử thách nơi đây”, anh Hồ Khắc Hùng, Giám đốc Cty Dịch vụ và Kỹ thuật Mast, tâm sự.

Lặng người đứng trước công trình Góp đá xây Trường Sa tại đảo Đá Tây A, anh Nguyễn Cảnh Bình (Tổng giám đốc Cty Cổ phần sách Alpha) trầm ngâm: “Quả thật tới đây, tôi mới hiểu để có những tòa nhà kiên cố nơi biển đảo đầy sóng gió, cái giá phải trả lớn hơn rất nhiều so với trong đất liền”.

Anh Nguyễn Trung Chính (Tổng giám đốc Công ty CMC) chia sẻ: Không phải ai cũng được đến Trường Sa, nhưng ai cũng có thể góp sức cho Trường Sa. Doanh nhân sẽ có những việc làm thiết thực cho Trường Sa.

Lớn lên về tâm hồn

Giao lưu giữa chiến sĩ hải quân và bạn trẻ Ảnh: C.K
Giao lưu giữa chiến sĩ hải quân và bạn trẻ.  Ảnh: C.K.

Trong đoàn hành trình có nhiều sinh viên đang ở độ tuổi 20 đầy sức sống và khát khao cống hiến. Đảo chìm Đá Lát là đảo đầu tiên đoàn đặt chân đến đã khiến nhiều bạn trẻ còn bỡ ngỡ. “Tôi quá bất ngờ bởi quy mô nhỏ bé của đảo Đá Lát. Càng bất ngờ hơn khi từ những điểm đảo nhỏ đó các chiến sĩ cùng nhau vượt qua khó khăn để bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Nguyễn Trung Kiên, Bí thư Chi đoàn lớp D202B2 (ĐH An ninh nhân dân), chia sẻ.

Mỗi người lính đảo đều để lại cho các bạn ấn tượng đặc biệt. “Không phải chúng tôi mà chính các anh đang động viên, khích lệ lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của mỗi bạn trẻ đối với biển đảo”, Trần Hoài Minh (Học viện Ngoại giao) tâm sự.

Hoàng Ngọc Thúy (khoa quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội), chưa từng được đi biển dài ngày và vật vã vì say sóng, nhưng luôn là một trong những sinh viên năng nổ nhất trong các hoạt động trên tàu hay giao lưu với lính đảo. “Sinh viên ra đảo, không chỉ để ngắm các anh hải quân mà để hiểu hơn về cuộc sống và con người nơi đây”, Thúy nói. Mỗi bạn sinh viên trong hành trình đều tự nhận mình sẽ trở thành một tuyên truyền viên về biển đảo khi trở về đất liền.

Thiếu tướng Bùi Sĩ Trinh, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân chủng Hải quân, cho rằng sau hành trình đến với Trường Sa “chúng ta đã lớn lên về tâm hồn, hoàn chỉnh hơn về nhận thức”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.