Chuyến đi thực tế khó quên

Chuyến đi thực tế khó quên
TP - Đầu tháng 3, đoàn công tác của T.Ư Đoàn do Bí thư thứ nhất Nguyễn Đắc Vinh dẫn đầu về làm việc với Tỉnh Đoàn Ninh Bình và kiểm tra thực tế tại Đoàn phường Ninh Phong (TP Ninh Bình).

> Ghi nhận nhiều mô hình của Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc
> Đoàn và tuổi trẻ

Tại cuộc làm việc với Đoàn phường Ninh Phong, khi Bí thư Đoàn phường đọc báo cáo bằng văn bản được khoảng 20 phút thì anh Nguyễn Đắc Vinh ngắt lời: Tôi xin lỗi đồng chí một chút. Những gì đồng chí đang đọc, chúng tôi đã nghiên cứu văn bản rồi. Hôm nay chúng tôi đi cơ sở nên muốn nghe trình bày cụ thể.

Nói rồi, anh Vinh chỉ ra các vấn đề: Tôi muốn nghe trình bày về các nội dung như sau: Phong trào tuổi trẻ tham gia xây dựng văn minh đô thị và xây dựng nông thôn mới, Đoàn phường chọn cách triển khai thế nào, công việc cụ thể ra sao? Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì triển khai thế nào? Tháng Thanh niên có những phần việc cụ thể gì? Tôi cũng vừa nghe đồng chí báo cáo, phường có 350 đoàn viên. Vậy đồng chí cho biết cụ thể về tình hình sinh hoạt Đoàn của phường. Đồng chí có nắm rõ đặc trưng của thanh niên trong phường mình không? Trong Đoàn phường có hoạt động nào là đặc trưng, riêng biệt không?...

Dù bất ngờ nhưng Bí thư Đoàn phường Ninh Phong vẫn trả lời khá tốt những câu hỏi của Bí thư thứ nhất. Anh Vinh lại hỏi thêm: Vừa rồi đồng chí có báo cáo sẽ tiếp tục mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, vậy sẽ triển khai thế nào? Các đồng chí đi kiểm tra có đều không? Có đảm bảo được tan trường thì học sinh không đi hàng ba trên đường không?

Trả lời câu hỏi này, Bí thư Đoàn phường thừa nhận, cũng thực hiện quyết liệt nhưng để dứt điểm tình trạng này thì còn gặp nhiều khó khăn. Anh Vinh chia sẻ, cần có những cách làm mới để tăng hiệu quả.

“Hôm trước tôi vào Quảng Bình thấy mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” có phong trào rất hay. Các em học sinh đi học buộc một lá cờ trên xe đạp có ghi tên trường. Lúc tan học, học sinh trường nào đi hàng ba là biết ngay”, anh Vinh kể.

Anh Vinh chia sẻ: Lúc đi vào đây, tôi rất vui vì thấy các bạn ĐVTN dọn dẹp đường nông thôn hăng hái, nhiệt tình chứ không phải kiểu đi làm cho xong, cho lãnh đạo nhìn thấy rồi đến gặp mặt, bắt tay xong là về.

“Tôi muốn hỏi, 350 đoàn viên sinh hoạt tại phường chủ yếu họ làm nghề gì? Ở đây (trong cuộc họp) có bí thư chi đoàn không? Mời một đồng chí trình bày về vấn đề này?”.

Một bí thư chi đoàn đứng dậy báo cáo: ĐVTN trong phường chủ yếu làm nghề mộc, nghề may nên cũng có nhiều điều kiện về thời gian để sinh hoạt Đoàn. Ngày đi làm, tối về tập trung ở nhà văn hóa để giao lưu, hội họp. Những ngày hội, hè, trung thu …thì tổ chức liên hoan văn nghệ, ca hát…

Anh Vinh bất ngờ hỏi: Ở chi đoàn có thường xuyên nhận được văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư Đoàn không? Tháng 3 này, chủ đề của hoạt động thanh niên là gì? Bí thư chi đoàn lúng túng, trả lời sai.

Anh Vinh nói: “Chúng tôi không trách các đồng chí đâu, chỉ hỏi để biết xem hệ thống của Đoàn có vận hành tốt không, xem tắc ở chỗ nào”. Anh Vinh hỏi về việc kết nạp Đảng cho đoàn viên, những khó khăn nội tại của hoạt động Đoàn cơ sở.

Bí thư Đoàn phường Ninh Phong trình bày khó khăn về chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn, về trình độ khoa học công nghệ, thông tin, về việc tương tác hai chiều giữa các cấp bộ Đoàn, về cơ sở vật chất.

“Cho đến giờ, Đoàn phường vẫn chưa có một bộ máy tính để soạn thảo văn bản”, Bí thư Đoàn phường nói. Anh Vinh nhấn mạnh, chất lượng cán bộ Đoàn là quan trọng, phải học trước, đi trước, làm trước thanh niên. “Ngay trong tuần, T.Ư Đoàn sẽ gửi tặng các đồng chí Đoàn phường 1 bộ máy tính”, anh Vinh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG