Thực hư 'đi chung' trên đường tiết kiệm nghìn tỷ

Thực hư 'đi chung' trên đường tiết kiệm nghìn tỷ
TP - Nguyễn Thành Nam, SN 1984, cùng nhóm cộng sự của mình cho ra đời trang web dichung.vn, nhằm cung cấp một hình thức di chuyển mới: Đi chung xe, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. “Đi chung” lọt vào top 5 doanh nghiệp xã hội 2012 do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ cộng đồng (CSIP) bình chọn.

“Nhấp chuột” và chung xe

“Trước đây, tôi thường đi về liên tục giữa Hà Nội - Hải Phòng. Một mình một xe, nhiều lúc thấy buồn và phí phạm xăng xe. Từ đó, tôi liên lạc tìm người đi về cùng mình. Thấy nhiều người tỏ ra thích thú với hình thức di chuyển mới mẻ này, tôi dần dần phát triển rộng rãi”, anh Nam chia sẻ xuất phát ý tưởng của mình.

Không cần đăng thành viên, người tham gia giao thông muốn được đi chung xe, chia sẻ chỗ trống chỉ cần thực hiện các thao tác đơn giản: vào trang web: dichung.vn, kích chuột vào đặt chỗ rồi làm theo các hướng dẫn.

Người dùng có thể truy cập, thực hiện thao tác trên máy tính, điện thoại. Phần mềm tính toán thông minh sẽ tự động đo quãng đường đi, rồi chia ra chi phí xăng xe phải trả cho người đi.

“Một khi bạn đã thực hiện đặt chỗ, yêu cầu cua bạn sẽ được gửi đến người chủ xe đã cung cấp thông tin về lộ trình của họ. Chủ xe có 24 giờ để chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu của bạn cho các chuyến đi đã có kế hoạch từ trước hoặc cho các chuyến đi bất chợt.

Chi phí đi chung cực rẻ, ví dụ, 2 người đi chung xe máy từ đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy) đến Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm) mỗi người chỉ mất 3.000 đồng tiền xăng”, anh Nam giải thích.

Khách hàng hoàn toàn chủ động tương tác với nhau thông qua mạng trực tuyến dichung.vn. Hình thức chia sẻ chỗ trống trên xe này được “Đi chung” thực hiện cho mọi loại phương tiện: xe máy, xe khách, taxi…, trên mọi miền đất nước.

“Chúng tôi tạo ra môi trường cho người dùng tự tương tác với nhau và chỉ đóng vai trò trung gian, kết nối với mục đích tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng, giúp người dùng vượt qua những trở lại về tâm lý cũng như những phiền toái không đáng có”, anh Nam cho hay.

Nguyễn Thành Nam (ngoài cùng bên phải) với các chuyên gia nước ngoài
Nguyễn Thành Nam (ngoài cùng bên phải) với các chuyên gia nước ngoài.

Theo anh Nam khó khăn nhất là xây dựng niềm tin cho người sử dụng. Để làm được điều này, “Đi chung” đưa ra yêu cầu, mỗi khách hàng khi đăng ký sử dụng dịch vụ này đều phải xuất trình được các giấy tờ tùy thân, như: chứng minh nhân dân, bằng lái xe... Việc thanh toán, khách hàng có thể tự thoả thuận với nhau hoặc thông qua “Đi chung” thanh toán mà không mất bất kỳ một khoản chi phí nào.

Sẽ tiết kiệm 1.600 tỷ mỗi năm

Thành viên nhóm “Đi chung”
Thành viên nhóm “Đi chung”.
 

 “Mô hình dichung.vn, mạng cộng đồng chia sẻ các vị trí trống trên các phương tiện giao thông, xây dựng văn hóa di chuyển mới giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường đã giải quyết được một vấn đề xã hội rõ nét, cho thấy tiềm năng tác động xã hội to lớn, có tính khả thi và năng lực triển khai cao”.  

Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP).

Các thành viên nhóm “Đi chung” đặt ra mục tiêu trong vòng 5 năm tới, thu hút được 2 triệu người sử dụng hình thức này, tương đương có 1 triệu phương tiện sẽ không sử dụng (nếu tính trung bình mỗi phương tiện tiêu thụ hết 2 triệu đồng tiền xăng mỗi năm) sẽ giảm được 4,5 tỷ km/năm, tương đương 200 triệu lít xăng cùng với giảm các chi phí khác liên quan phương tiện đi lại, dự kiến tiết kiệm hơn 1.600 tỷ/năm do giảm ùn tắc giao thông! Con số này chỉ tính riêng Hà Nội và TPHCM.

Hiện tại, “Đi chung” thu hút được hơn 2.000 người sử dụng thường xuyên và trở thành nơi kết nối cho những người xa lạ đến gần nhau hơn. Thông qua “Đi chung”, nhiều người đã tìm được người bạn tri kỷ cho mình.

Nhà ở đường Xuân Thủy, Cầu Giấy (Hà Nội), Kim Chi (SN 1989) đi làm ở Nguyễn Chí Thanh luôn phải chịu cảnh tắc đường. Biết đến “Đi chung”, Kim Chi thích thú đăng ký. Không ngờ sau một ngày, Chi đã tìm được người chia sẻ phương tiện với mình.

“7 giờ 45 sáng, tôi đến chỗ hẹn 123 đường Cầu Giấy. Chợt có anh chàng đi con Vespa cũ kỹ đỗ xịch trước mắt. Không cần kiểm chứng, anh ấy tự tin bảo: “Đi chung thôi cô bé!” như thể quen biết từ lâu. Hơi ngượng ngùng nhưng tôi cũng đánh liều lên xe. Dần, chúng tôi nói chuyện thân thiết, quãng đường như ngắn lại. Từ chỗ đi chung xe trên một đoạn đường, giờ chúng tôi đi chung nhau trên một con đường có tên là tình yêu”, Kim Chi chia sẻ.

Yến Nhi nhà ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) biết đến hình thức đi chung xe từ ngày còn ở Ấn Độ. Về Việt Nam, cô rất ủng hộ dịch vụ này. Cuối tuần, muốn đi mua sắm nhưng không có ai đi cùng, Thùy Linh vào dichung.vn và tìm được bạn đường tên Chi, hơn Linh một tuổi.

“Chúng tôi mặc dù mới gặp lần đầu nhưng rất hợp nhau, không chỉ mua sắm mà còn đi ăn, uống cà phê. Giờ tôi có thêm một người bạn, có chung sở thích, nhiều điểm tính cách tương đồng. Thật là tuyệt vời”, Thùy Linh nói.

Hiện “Đi chung” ký kết hợp tác với Cty cổ phần dịch vụ Hàng không sân bay Nội Bài (Airport Taxi) cho khách hàng chia sẻ đi chung taxi từ Hà Nội ra sân bay Nội Bài và ngược lại nhằm giảm chi phí.

Nhằm hỗ trợ thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ 2013, “Đi chung” phối hợp với Thành Đoàn Hà Nội thành lập đội xe ôm tình nguyện gồm 100 xe sẵn sàng đưa đón thí sinh từ bến xe về nhà trọ, đi thi và đưa thí sinh từ nhà trọ ra bến xe sau khi thí sinh kết thúc kỳ thi.

Ngoài ra, “Đi chung” còn có các bàn tư vấn mùa thi được đặt tại các nhà ga, bến xe và một số trường đại học nhằm hỗ trợ, tư vấn thí sinh đi lại, ăn ở, tâm lý trước khi thi…

“Đi chung” còn cung cấp Subside: http://dithi.dichung.vn để thí sinh có thể tìm được những tình nguyện viên phù hợp hỗ trợ, ngược lại các bạn tình nguyện viên cũng sẽ tìm được các bạn thí sinh sẽ dự thi tại trường đại học của mình, đảm bảo việc đi lại thuận tiện nhất cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới.

Bắt đầu triển khai từ đầu năm 2012, đến nay Dichung.vn là một doanh nghiệp xã hội sở hữu công nghệ mua bán chỗ trực tuyến ở Việt Nam, và lọt vào top 5 doanh nghiệp xã hội 2012 do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ cộng đồng (CSIP) bình chọn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG