Những mô hình đi vào cuộc sống

Những mô hình đi vào cuộc sống
TP - 25 mô hình tiêu biểu vừa được vinh danh tại hội nghị tuyên dương mô hình tiêu biểu trong công tác Đoàn, phong trào thanh niên và sơ kết thực hiện chương trình Học kỳ Quân đội do Tổng cục Chính trị tổ chức tại Đà Nẵng ngày 18/10.

> 'Học kỳ quân đội' giúp thanh thiếu niên trưởng thành

Nhiều mô hình thiết thực như mô hình Tri thức trẻ giúp dân xóa đói giảm nghèo (Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327 (Quân khu 3); Giảng bài lý luận chính trị cho ĐVTN bằng bản đồ tư duy của Ban Thanh niên Quân khu 5; Con tàu thanh niên của Chi Đoàn tàu HQ 360, Hải đội 131, Đoàn Cơ sở Lữ đoàn 172 (Vùng 3 Hải quân)…Anh Đặng Quốc Toàn, Bí thư T.Ư Đoàn nhận định các mô hình đều mang tính hiệu quả cao và cần được triển khai rộng rãi ở các đơn vị cơ sở trong toàn quân thời gian tới.

Đảo Thanh niên giúp dân, bảo vệ chủ quyền

Từ Trường Sa về Đà Nẵng dự hội nghị, anh Lê Hội Lợi, Phó Bí thư Liên chi Đoàn đảo Trường Sa (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) giới thiệu mô hình Đảo Thanh niên.

Mô hình ra đời từ việc xác định mục tiêu tiên quyết là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, làm chủ các vùng biển trong khu vực đảm nhiệm, giữ biển, giữ đảo trong mọi tình huống. Chính vì vậy các ĐVTN tại cơ sở được huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Các hoạt động xung kích được thể hiện qua các phong trào như “Vượt nắng thắng mưa say sưa học tập”; “Thanh niên đảo Trường Sa thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; phong trào “năm nhất, ba không”... Kiểm tra huấn luyện quân sự hàng năm đạt 85,21% khá giỏi trở lên, giáo dục chính trị đạt 100% yêu cầu.

Ngoài các mô hình “vọng gác thanh niên, ca gác thanh niên, giờ gác thanh niên tự quản”, tuần tra canh gác, ngày đêm bám chặt vọng gác, đài canh, nắm chắc ký tín hiệu, mật khẩu, hiệp đồng chặt chẽ giữa hải đảo xa xôi. Ngoài ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe trồng cây xanh chắn gió diễn ra sôi nổi.

Đặc biệt, từ khi có Đảo Thanh niên, ngư dân, tàu cá có thêm một địa chỉ hỗ trợ mỗi khi gặp khó. Từ việc tiếp ứng nước ngọt, hỗ trợ thực phẩm đến cấp cứu, phẫu thuật, cấp phát thuốc miễn phí cho ngư dân và cứu nạn tàu cá gặp nạn.

Tình nguyện giải quyết việc khó

Đó là mô hình của Đoàn cơ sở Nhà máy A32, Cục Kỹ thuật (Quân chủng Phòng không - Không quân). Với nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa, tăng tổng niên hạn sử dụng và đảm bảo an toàn bay cho các loại máy bay phản lực chiến đấu, các chiến sỹ ở đây được trang bị kiến thức chuyên sâu, trình độ cao. Đoàn cơ sở Nhà máy A32 đã thành lập “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ chuyên giải quyết khâu căng, việc khó”.

Trước đó, tháng 6/2010, tổ “Kỹ sư trẻ” được thành lập thí điểm ở chi đoàn Cơ quan - Nội trường, nghiên cứu các biện pháp giải quyết những khó khăn thực tế trên dây chuyền sản xuất tại các phân xưởng Nội trường. Hạt nhân là đội ngũ kỹ sư tại các phân xưởng vũ khí hàng không, nghiên cứu và sửa chữa được những khối máy lẻ mà trước đây phải gửi ra nước ngoài mới sửa chữa được, mất thời gian và tốn kém. Đến nay, tổ khoa học kỹ thuật trẻ chuyên giải quyết khâu căng, việc khó đã nghiên cứu thành công 206 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở các cấp, làm lợi cho nhà nước hàng triệu USD. Đồng thời tham gia biên soạn, biên dịch được 6.514 cuốn tài liệu công nghệ.

Câu chuyện cảm động trở thành phong trào

Câu chuyện cảm động của Tiểu đội trưởng Nguyễn Hoàng Thanh (Tiểu đoàn Phòng hóa, Bộ Tham mưu Quân khu 9) trở thành mô hình phát động rộng rãi, hiệu quả. Trong đợt kiểm tra quân tư trang đơn vị phát hiện Thanh có gần 3 triệu đồng.

Qua tìm hiểu mới biết đó là số tiền tiết kiệm hàng tháng từ phụ cấp của Thanh để giúp cha chăm sóc ông bà nội lúc tuổi già. Cha, mẹ ly hôn khi mới 3 tuổi, lớn lên trong vòng tay của ông bà khiến anh vẫn nặng lòng.

Câu chuyện cảm động ấy được liên hệ trong thực tế tiêu xài hoang phí của một số cán bộ, ĐVTN, Đoàn cơ sở đã phát động phong trào “Người con hiếu thảo – Nghĩa tình đồng đội” lấy tấm gương của Trung sỹ Nguyễn Hoàng Thanh để tuyên truyền, nhân rộng trong toàn đơn vị. Đến nay có trên 75% cán bộ đoàn và ĐVTN tiết kiệm lương, phụ cấp gửi về phụ giúp gia đình.

Mở rộng Học kỳ quân đội

Năm 2012-2013, toàn quân đã phối hợp tổ chức được 86 lớp, với 7.067 học viên tham gia Học kỳ Quân đội, giúp thay đổi tích cực nhận thức, thói quen, ý thức tự lập trong học sinh. Theo Trung tướng Đào Duy Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, cần mở rộng hơn nữa hoạt động này bởi hiệu quả và nhu cầu thiết thực của đông đảo học sinh, phụ huynh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.