Thoát nghèo nhờ chim trĩ

Thoát nghèo nhờ chim trĩ
TP - Rời bỏ nghề phá rừng đốt than độc hại, cực nhọc trăm bề mà chẳng đủ ăn, chàng rể xóm than tự tạo cơ hội làm giàu bằng cách mày mò nhân giống loài chim quý có tên trong Sách Đỏ.

> Làm giàu trên vùng đất cằn cỗi
> 3 nam sinh 9x ngoại thương có thu nhập "khủng"

Nghìn dặm tìm… trứng

Người dân thôn 6, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) sống bằng nghề đi rừng đốt than đã nhiều năm nay. Công việc nặng nhọc, quanh năm lem lấm, hít khói bụi độc hại mà thu nhập không được bao nhiêu. Về làm rể xóm than, anh Văn Minh Thể (sinh năm 1980) nghiền ngẫm tìm lối thoát.

Anh Thể thật thà kể: Tôi xem ti vi, thấy giới thiệu nhiều mô hình chăn nuôi hay lắm! Trên Tây Nguyên này, nhiều người nuôi chồn, nhím, heo rừng. Tôi cũng mua vài cặp chồn lông đen nuôi thử rồi nhưng chẳng ăn thua. Sau thời gian dài tìm hiểu, tôi quyết đầu tư vào nghề nuôi trĩ, loài chim quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.

Đầu năm 2012, vay mượn hơn 30 triệu, anh cùng vợ là chị Dương Thị Vân Sơn tìm đến trang trại chim trĩ lớn ở Kim Bảng, Hà Nam học hỏi kỹ thuật và mua con giống. Đường xa không thể vận chuyển chim con, anh mạo hiểm mua 150 quả trứng giá 50 nghìn đồng/quả, đóng thùng đưa về tự ấp tại lò trứng vịt.

“Lần đầu tiên đi xa nhà mà lại mang theo mấy chục triệu, hai vợ chồng nơm nớp lo sợ. Lúc về ôm khư khư thùng trứng, mấy anh lơ xe tò mò hỏi: Ôm hài cốt hay sao mà giữ chặt vậy? Bởi với tôi đó không chỉ là gia sản mà còn hy vọng đổi nghề của gia đình”- anh Thể kể.

Sau 27 ngày ấp số trứng trên chỉ nở được 34 con. Thấy tỷ lệ không đạt, anh gửi tiền ra mua thêm 100 quả trứng, nở thêm đúng 34 con nữa. Chăm chỉ đọc sách báo, xem truyền hình, lên mạng tìm hiểu, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, từ 68 con trĩ đã nở, anh lựa 21 con mái, 7 con chim trống để nhân giống. Số chim còn lại anh bán hết để trả nợ.

Một vốn bốn lời

Hơn một năm qua, anh Thể vừa mày mò tự nhân giống vừa cung cấp ra thị trường hơn 1.000 con chim giống, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Cách đây nửa tháng anh vừa xuất 1 lứa chim giống thu về gần 100 triệu đồng. Hiện anh còn hơn 100 con, trong đó 28 con chim sinh sản. “Liên tục ấp trứng, nhiều lứa chim non ra đời nhưng vẫn chưa đủ cung cấp giống ra ngoài thị trường. Rất nhiều người đến đặt chim giống mà không có”, anh Thể cho biết.

Chim trĩ rất dễ nuôi, ít dịch bệnh hơn gà vịt, chi phí đầu tư không lớn lắm nên thời gian gần đây nhiều người đặt giống để nuôi. Nhân giống nhanh, một chim mái đẻ một đợt kéo dài 3 tháng khoảng 90 quả trứng. Mỗi chim trĩ mái có thể đẻ hàng trăm quả trứng/năm. Hiện tại, thu nhập chính của gia đình anh Thể là từ việc bán giống chim trĩ và phục vụ nhu cầu chơi chim trĩ cảnh. Ngoài khách từ các địa phương trong tỉnh, người chăn nuôi ở Gia Lai, Bình Định, Phú Yên cũng nghe tiếng tìm đến đặt hàng.

Anh Thể cho biết thêm: Ở ngoài Bắc, phải 7 - 8 tháng tuổi chim trĩ mới sinh sản lứa đầu, trọng lượng chim trưởng thành chỉ 1,2 - 1,5kg/con, giá chim thịt 350.000đ/ ký. Còn ở Đắk Lắk nuôi chỉ 6 tháng trĩ đã đẻ trứng, trọng lượng 1,5 - 1,7kg/con, chưa có chim thịt để bán mà chỉ mới đầu tư bán chim giống. Chim non nở ra 20 ngày tuổi bán giống giá 150 nghìn/con, chim 1 tháng tuổi bán 200 nghìn/con, 3 - 4 tháng giá 700 -800 nghìn/con. Chim mái chuẩn bị đẻ trứng giá hàng triệu đồng/con, chim cồ 800 nghìn/con.

Anh Thể dự kiến sẽ mở rộng mô hình nuôi thêm 40 - 50 chim đẻ, vừa bán chim giống, chim cảnh vừa hướng tới phát triển chim trĩ thương phẩm.

Chăm chỉ đọc sách báo, xem truyền hình, lên mạng tìm hiểu, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, từ 68 con trĩ đã nở, anh lựa 21 con mái, 7 con chim trống để nhân giống. Số chim còn lại anh bán hết để trả nợ.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG