78 ngày không thể quên ở 'hang Quân Y ngày ấy…'

Một góc hang Quân Y.
Một góc hang Quân Y.
TP - "Sau hơn 45 năm mới gặp lại anh Ba - người đồng đội cùng làm việc trong hang Quân Y năm ấy. Tôi xúc động quá không nói được gì. Anh Ba giới thiệu tôi với chị Ba, kể về những kỷ niệm chiến đấu gian khổ năm xưa…" Chị Huỳnh Thị Hứa kể với Tiền Phong về chuyện được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời đến nhà chơi trong dịp tết Ất Mùi 2015 vừa qua.

Tuổi trăng tròn trốn nhà đi kháng chiến

Đại tá Đinh Quốc Khải- Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Kiên Giang cho biết: trong số những chiến sỹ quân y chiến đấu tại Ba Hòn (Hòn Đất) cùng với anh Ba Dũng có chị Bảy Hứa (Huỳnh Thị Hứa) đang sống tại xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao.

Từ trung tâm huyện Gò Quao phải đi qua mấy cây cầu, đi phà qua con sông cái lớn, rồi lại qua tiếp 4 cây cầu bắc qua những con rạch mới đến được nhà chị. Buông cây tràm đang róc vỏ, gạt giọt mồ hôi lăn dài trên má, chị nói như giải thích: Nhà nuôi con heo nái. Đang tranh thủ sửa lại cái chuồng cho nó kẻo mùa mưa tới. Ngôi nhà lá bên này gia đình sống từ hồi sau giải phóng tới giờ. Còn cái nhà xây bên cạnh là của Hội cựu thanh niên xung phong (TNXP) tặng mấy năm trước. Nay Hội cựu chiến binh tỉnh cho thêm 50 triệu để nâng cấp, sửa chữa.

Hồi tưởng về thời chiến tranh, chị Bảy Hứa chậm rãi kể: Tôi sinh năm 1953 trong một gia đình làm ruộng tại huyện Gò Quao này. Cha tôi hi sinh năm 1968, lúc ấy tôi 15 tuổi. Đang lúc đó thì anh Hai Vàng gặp tôi nói người ta đang tuyển TNXP, có đi thì anh dẫn đi. Tôi về nói với mẹ là tôi phải đi để trả thù cho cha, nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ nói mày là con gái, lại còn nhỏ làm được cái gì. Hơn nữa mẹ sợ tôi cũng rơi vào số phận như cha tôi. Cái đêm trốn mẹ đi kháng chiến tôi chỉ mặc một bộ đồ.

Đơn vị TNXP đóng tại một khu rừng ở Hòn Đất. Ở đó chỉ có chỉ huy là nam, còn lại là nữ, tuổi đời khoảng từ 15 đến 18. Tại đây người ta phát cho tôi một khẩu súng AK, hai bộ quần áo, khăn rằn, mũ tai bèo và một võng dù. Nhiệm vụ của TNXP chúng tôi là tải đạn trên tuyến đường 1C đến các căn cứ của tỉnh Kiên Giang. Một năm sau tôi được điều động về quân y Tỉnh đội học tập sự cứu thương. Nói học chứ chẳng bao giờ lên lớp. Khi có bệnh binh vào thì các anh bảo sao mình làm vậy. Ví như, rửa vết thương, băng bó, tiêm chích, cho uống thuốc…

Hồi đó các đơn vị quân đội của tỉnh, huyện tập trung về Ba Hòn, gồm Hòn Me, Hòn Đất và Hòn Quéo. Đơn vị chúng tôi đóng quân trong một cái hang đá ở Hòn Me. Cuộc chiến đấu ở khu Ba Hòn diễn ra vô cùng khốc liệt. Đặc biệt trong 78 ngày đêm máu lửa, từ 3/9 đến 18/11/1969. Đơn vị chúng tôi có 22 người nhưng hi sinh gần hết. Khi chuyển về căn cứ U Minh Thượng chỉ còn lại 6 người. Nhiều người bị thương, trong đó có anh Ba Dũng.

78 ngày không thể quên ở 'hang Quân Y ngày ấy…' ảnh 1

Chị Hứa với công việc thường ngày.

Trói lại và mổ… nối 3 khúc ruột

Cuối tháng 8/1969, Mỹ điều động quân từ các sư đoàn mạnh nhất với hàng chục ngàn quân đổ về bao vây kín huyện Hòn Đất lực lượng của chúng rất đông: trung đoàn 33 thuộc sư đoàn 21; cụm chỉ huy dã chiến thuộc sư đoàn 9; một lữ đoàn dù có công binh yểm trợ; 100 xe M113 và M118; 2 trận địa pháo; tàu PCF phong toả trên biển…

Với âm mưu tiêu diệt các căn cứ đầu não của ta ở Ba Hòn, địch dồn dập tấn công từ đêm mồng 3/9/1969. Lực lượng của ta cố thủ trong các hang đá, kiên cường đáp trả các cuộc tấn công của quân địch. Đến ngày 18/11/1969, địch buộc phải ra lệnh rút quân khỏi Ba Hòn. Kết thúc 78 ngày đêm ác liệt, quân và dân Hòn Đất đã tiêu diệt 2.700 tên địch, rã ngũ gần 500 tên, bắn rơi 6 máy bay các loại, bắn cháy 6 xe tăng, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh khác.

Do địch bao vây liên tục dài ngày nên lương thực, nước uống và thuốc men dần cạn kiệt. Thiếu ăn, đói quá tôi xỉu lên xỉu xuống hoài. Nhiều đêm tôi bò ra ngoài tìm rau cỏ về nấu ăn cùng đồng đội cầm cự qua ngày. Trong đêm tối vơ được lá gì thì đem về hang lá đó.

Anh Ba Đông (Ngô Quốc Đông) thấy tôi đói tội nghiệp quá, bò ra khỏi hang dự định bẻ dừa về cho tôi ăn. Nhưng khi vừa leo lên cây dừa thì lập tức bị địch từ dưới núi phát hiện bắn lên. Anh Ba Đông bị thương nặng, ruột đứt làm 3 khúc. Tình thế vô cùng nguy kịch. Thuốc gây mê hết. Lúc đó mọi người nhìn anh Ba Dũng và anh Ba đã lập tức đưa ra quyết định. Anh Ba Dũng ra lệnh trói anh Ba Đông lại. Tôi được giao nhiệm vụ phụ giúp cho anh Ba Dũng mổ.

Sau hơn một tiếng đồng hồ thì hoàn tất ca phẫu thuật. Anh Ba Đông được cứu sống. Ca mổ không thuốc gây mê, không truyền nước, truyền máu gì, chỉ trói lại rồi mổ thành công nối 3 khúc ruột trở thành giai thoại mãi đến bây giờ. Sau lần đó, anh Ba Dũng được quân khu tặng bằng khen chiến sỹ thi đua, tôi cũng vậy.

78 ngày không thể quên ở 'hang Quân Y ngày ấy…' ảnh 2

Chẳng còn kỷ vật, chỉ còn kỷ niệm

Sau chiến thắng 78 ngày đêm năm 1969, các đơn vị của tỉnh đội Kiên Giang được lệnh rút về vùng rừng U Minh Thượng. Cuối năm đó anh Ba Dũng đi nhận nhiệm vụ mới ở đơn vị khác. Ngày chia tay, anh Ba nói với tôi: “Cố gắng công tác, hẹn ngày gặp lại”. Rồi mỗi người một ngả. Cuộc chiến càng về cuối càng ác liệt hơn. Anh Ba đi chiến trường nào tôi cũng không biết.

Năm 1974 tôi lập gia đình, và đứa con gái đầu lòng của tôi ra đời được 3 ngày thì giải phóng miền Nam. Mãi sau này tôi mới biết anh Ba còn sống, làm cán bộ tỉnh, rồi lên trung ương. Nói thật là tôi không dám tìm gặp anh. Nhưng tết Ất Mùi vừa rồi anh lại cho người đi tìm tôi. Sau hơn 45 năm gặp lại người anh, người đồng đội cũ, tôi xúc động quá chẳng nói được câu nào. Nước mắt cứ chực tuôn trào. Trong ngôi nhà riêng, anh Ba kể cho chị Ba nghe về tôi, về những ngày chiến đấu ác liệt ở Hòn Đất. Anh còn nói Hứa bây giờ trông khác quá. Tôi bảo ngày ấy em mới 16 tuổi. Còn bây giờ thì em đã có cháu gọi bà. Chị Ba lấy quà tặng tôi. Anh Ba cũng có quà riêng cho tôi.

Trong ngôi nhà nhỏ ven con sông Cái Lớn, chị Hứa ngồi mân mê bộ quần áo mới của chị Ba Dũng vừa tặng nói với tôi: Ngày xưa anh Ba cũng từng tặng chị vải để may quần áo. Tôi chợt hỏi chị: Chị còn lưu giữ kỷ vật nào trong kháng chiến không? Chị Hứa nhìn xa xăm lắc đầu nói: Bằng khen, giấy khen hồi đó cũng chẳng còn. Không còn kỷ vật nào. Chỉ còn nỗi ám ảnh chiến tranh, nỗi nhớ đồng đội. Ngày ấy nhiều kỷ niệm lắm. Ngày ấy… sẽ mãi mãi không bao giờ quên. 

Chị Bảy Hứa tâm sự rằng, mãi đến bây giờ chị vẫn còn ám ảnh với cuộc chiến 78 ngày đêm năm ấy. Ám ảnh bởi những người đồng đội đi làm nhiệm vụ ra khỏi hang đã mãi mãi không trở về. Ám ảnh bởi những bệnh binh bị thương nằm quằn quại, vật vã trong hang, những vết thương hoại tử, trong khi thuốc thang cạn kiệt. Ám ảnh bởi trong những cơn mưa đạn trút vào miệng hang. Và, giữa làn ranh sống chết với kẻ thù là những cơn đói đến lả người tưởng chừng như không vượt qua nổi.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.