Chuyện tình 'công tử Bạc Liêu' và cô gái khuyết tật

Chuyện tình 'công tử Bạc Liêu' và cô gái khuyết tật
TP - Đó là một đám cưới đặc biệt. Chàng rể Phạm Văn Tân đẹp trai khỏe mạnh đi bên cạnh cô dâu Nguyễn Hải Yến đã bị mất một chân.
Chuyện tình 'công tử Bạc Liêu' và cô gái khuyết tật ảnh 1
Gia đình của Yến và Tân

Cô dâu hơn chú rể hai tuổi và đám cưới của họ như một kết thúc có hậu cho một tình yêu phải vượt qua hàng ngàn cây số khi mà mỗi người ở một đầu đất nước...

Sau đám cưới ấy, Hải Yến đã viết về chuyện tình với tựa đề “Chàng công tử Bạc Liêu của tôi” để dự thi viết về “Mái ấm gia đình” do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức năm 2007. Vượt qua 800 bài dự thi khác, “Chàng công tử Bạc Liêu của tôi” đạt giải nhất...

Khi “cậu em” yêu “bà chị” ngồi xe lăn

Nguyễn Hải Yến sinh ra trong một làng quê thuần nông ở tỉnh Quảng Ninh. Nỗi đau đến quá sớm khi Yến vừa mới chào đời: mẹ cô mất. Yến lớn lên trong sự chăm sóc của bố và chị gái.

Nhưng rồi số phận lại giáng xuống một tai họa khủng khiếp: Yến bị tai nạn giao thông thảm khốc và sau đó cô mãi mãi không thể trở thành người bình thường được nữa. Tai nạn cướp mất một chân của Yến và cướp luôn những dự định về một tương lai xán lạn.

Nếu như trước đây Yến thường mơ ước cao xa thì giờ đây ngay cả những điều bình dị nhất cô cũng chẳng dám nghĩ tới. Nhưng rồi thời gian trôi qua, sức khỏe và tinh thần của Yến cũng dần hồi phục, cô gái khuyết tật này lại quyết thực hiện một dự định có vẻ “xa xỉ” lúc bấy giờ: Thi đại học.

Vụ kiện nổi tiếng không chỉ để đòi 25 USD

Hôm 12/8/2007, Tân đưa vợ con ra sân bay Tân Sơn Nhất đi Hà Nội trên chuyến bay giá rẻ của hãng hàng không Pacific Airlines. Sự cố xẩy ra khi Yến không thể tự đi lên cầu thang như người bình thường mà phải sử dụng xe lăn.

Nhân viên sân bay yêu cầu Tân trả thêm phí 50 USD cho dịch vụ xe lăn vì vợ tôi là người khuyết tật.

Ngày 16/8/2007, Phạm Văn Tân đã khởi kiện Pacific Airlines, đòi trả lại 25 USD đã trả cho chiều dịch vụ còn lại mà Yến đã không được hưởng.

Số tiền chẳng đáng là bao, nhưng điều Tân muốn là yều cầu hãng hàng không phải có trách nhiệm hơn với khách hàng, đặc biệt là người khuyết tật.

Tân thấu hiểu nỗi đau của những người khuyết tật như Yến, khi đến nhiều nơi công cộng, họ đã không ít lần bật khóc vì nhận thấy dường như thế giới này không có chỗ cho mình.

Pacific cho rằng họ có lý khi làm như vậy. Lý lẽ sẽ có tòa phân xử nhưng rõ ràng hãng hàng không đó đã cứ xử thiếu tình.

Luật sư Phạm Liêm Chính nói về vụ kiện: “Tôi chưa thấy hãng hàng không nào trên thế giới đem người khuyết tật ra làm dịch vụ kinh doanh cả”.

Vụ kiện của Phạm Văn Tân được rất nhiều tờ báo trong nước và nước ngoài đưa tin và nó đã nổi tiếng hơn chuyện tình của người đàn ông này.

Nhưng nếu ai đó biết được chuyện tình của Tân, mới hiểu vì sao “chàng công tử Bạc Liêu” lại phản ứng quyết liệt như vậy khi khi Yến bị tổn thương...

Sau những ngày miệt mài ôn luyện, Yến thi đỗ vào Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Những năm tháng học đại học, Yến đã nếm trải đủ cay đắng của một sinh viên khuyết tật, phải chịu quá nhiều khó khăn trên con đường học vấn, trong đó vẫn còn sự kỳ thị của bạn bè cùng giảng đường.

Sau nhiều trăn trở, đầu năm 2001, Yến quyết định đứng ra thành lập CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội, giúp các bạn sinh viên khuyết tật có một sân chơi, chia sẻ động viên nhau vượt lên số phận...

Nhưng khi CLB đi vào hoạt động thì lại có nhiều sinh viên bình thường khác, đến xin làm tình nguyện viên... Trong đó, có một tình nguyện viên đến và chẳng bao giờ chịu rời xa Yến nữa...

Đó là chàng sinh viên Phạm Văn Tân, quê ở mãi Bạc Liêu nhưng ra Hà Nội học ở khoa Hóa trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Tân gọi Yến bằng chị và Yên cũng coi Tân như một cậu em.

Nhưng Yến vô tình không biết và cũng chẳng ngờ rằng “cậu em” đang để ý đến mình. Dần dần, Tân không gọi Yên là chị nữa mà thay vào đó là “nhà ngươi”, xưng “ta” hoặc chỉ gọi bằng tên mà thôi. Yến cũng chẳng hề hay biết đó là tín hiệu của một trái tim đang rung động trước mình.

Mùa hè 2002, Tân tìm đến văn phòng của CLB, xin được tình nguyện dạy tin học cho các bạn sinh viên khuyết tật. Những ngày đó, Tân thường xuyên có mặt bên cạnh Yến, dạy tin học cho cô và chia sẻ những công việc của CLB.

Chàng “Công tử Bạc Liêu” nghèo và gia đình bé mọn

Những ngày ở gần Tân, Yến mới hiểu hoàn cảnh của Tân. Tân có một “tuổi thơ dữ dội”, bố bỏ rơi ba mẹ con để chạy theo một người đàn bà là “chị kết nghĩa” hơn ông mười mấy tuổi.

Không muốn con chứng kiến cảnh trái tai gai mắt, mẹ Tân đã đưa hai đứa con thơ dại từ Ninh Bình vào miền Nam rồi dừng chân ở Bạc Liêu, sao cho càng xa càng tốt. Một mình mẹ với hai bàn tay trắng, vừa dạy học, vừa buôn bán đồng quà tấm bánh cho học sinh lấy tiền nuôi hai con.

Hai đứa trẻ tuy còn nhỏ những đã biết đỡ đần giúp mẹ. Hàng ngày, ba mẹ con dậy từ tờ mờ sáng. Mẹ đi chợ mua bánh kẹo, trái cây để đem vào trường, tranh thủ giờ ra chơi bán cho học sinh. Tân thì lấy vé số, bánh ú để đi bán dạo.

Còn anh trai Tân thì lấy kem đem vào tận ruộng bán cho nông dân. Mấy năm trời, ba mẹ con sống cảnh ăn nhờ ở đậu, có nhiều đêm màn trời chiếu đất. Sau bao nhiêu ngày lăn lóc, chắt bóp mới mua được mảnh đất nho nhỏ, dựng căn nhà lá lấy chỗ nương thân.

Cho dù có lúc đói ăn nhưng mẹ Tân quyết không để hai con thất học. Hai cậu con trai sau giờ có đi bán vé số, bán kem lại miệt mài đèn sách. Năm lớp 12, Tân được chọn đi thi học sinh giỏi Hóa toàn quốc và được giải nhì...

Càng hiểu Tân, Yến càng thương Tân hơn, nhưng đó là tình thương của một người chị dành cho đứa em. Rồi tháng 10/2002, Yến được Bộ LĐ-TB&XH chọn đi dự Hội nghị khuyết tật thế giới tổ chức ở Trung Quốc và Nhật.

Yến về quê làm hộ chiếu và nhân dịp này rủ Tân cùng hai người bạn về nhà mình chơi rồi đi Hạ Long. Hôm ở Hạ Long, thấy Yến ngồi trên bờ, thẫn thờ nhìn mọi người xuống tắm, Tân chạy lên và bế thốc cô xuống nước. Yến giật mình. Không ngờ cậu con trai ít nói, có vẻ nhút nhát lại mạnh mẽ đến thế...

Yến kể lại cái ngày Tân tỏ tình với mình: “Sau lần đi Hạ Long đó, Tân đã tỏ tình với tôi. Tôi hốt hoảng từ chối và đưa ra nhiều lí do để Tân rút lại lời tỏ tình. Nào là: Tôi hơn tuổi Tân, tôi là người khuyết tật, gia đình hai đứa cách nhau xa quá...

Nhưng càng từ chối, càng lảng tránh thì Tân lại càng quyết tâm đến với tôi hơn. Cũng đến ngày tôi đi xa, tôi tưởng đó là quãng thời gian để Tân suy nghĩ lại. Nhưng càng xa tôi, Tân càng nhớ và yêu tôi hơn.

Tối nào Tân cũng lên mạng để mong gặp tôi, được nói chuyện với tôi. Không thấy tôi trả lời, Tân cuống lên: “Trả lời Tân đi chứ ! Đừng im lặng thế Yến ơi! Nói gì với Tân đi không Tân sợ...”. Tôi cũng vậy, xa Tân rồi mới thấy nhớ Tân da diết, tôi nhận ra mình đã yêu Tân mất rồi.

Nhưng cái khoảng cách về sự mặc cảm khiến tôi không dám mở lòng ra để đón nhận tình yêu của Tân. Tôi im lặng mà trong lòng buồn vô hạn. Những đêm ở xa Tân, tôi trằn trọc không ngủ được. Có nên nhận tình yêu này hay không? Tôi sợ một lúc nào đó, cái hạnh phúc mong manh này sẽ rời bỏ tôi mà đi...

Ngày tôi trở về, Tân ra tận sân bay đón. Những ngày tiếp theo, Tân luôn ở bên cạnh tôi, đưa tôi đi chơi khắp nơi mặc dầu cả hai đang bận rộn chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Ra ngoại thành, thăm làng hoa Nhật Tân, lên bờ đê sông Hồng...

Tân không ngần ngại khi bế tôi qua những chỗ khó đi. Tân làm tất cả để tôi vui. Những ngày yêu Tân, tôi mới được đi chơi, mới được biết Hà Nội còn nhiều nơi đẹp và lãng mạn đến thế!”.

Nhưng tình yêu của họ không phải chỉ là những chuyến đi ngoạn cảnh như vậy. Gia đình hai bên hết sức ngăn cản. Các chị gái của Yến phản đối vì cho rằng Tân bồng bột nhất thời mà nảy sinh tình cảm, sợ rồi đến một lúc nào đó, Tân sẽ thay lòng đổi dạ...

Các chị sợ lúc đó Yến sẽ không chịu nổi. Bạn bè thì nghi ngờ tình yêu của hai người và cho rằng nó không thực tế. Bố Tân ra sức cấm đoán trong khi mẹ và anh trai im lặng.

Nhưng tình yêu của Tân và Yến đã vượt qua mọi ngăn trở để rồi thăng hoa trong một đám cưới mà vào đầu thế kỉ tưởng như chỉ còn trong tiểu thuyết. Dẫu vậy, tình yêu dẫu có đẹp như thơ, khi đã chuyển sang hôn nhân thì chẳng dễ gì nuôi dưỡng, nhất là khi người vợ lại bị khuyết tật.

Nhưng cả hai đã “hòa nhập” rất nhanh và họ sống những ngày hạnh phúc như chẳng gì có thể thay đổi được điều đó. Những việc nội trợ giặt giũ, Yến không thể làm, Tân đều xắn tay vào giúp.

Một thời gian sau, họ háo hức chờ đợi đứa con đầu lòng. Nhưng niềm hạnh phúc sắp được làm cha mẹ đã vuột mất khi Yến bị sẩy thai ở tháng thứ 6. Yến đau đớn tuyệt vọng. Lúc ấy, Tân đã nén lòng lại để an ủi vợ. Nỗi đau cũng dần nguôi ngoai, Yến mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà, còn Tân dạy Toán, Lý, Hóa. Họ sống ở Quảng Ninh ở một năm rồi chuyển vào TPHCM.

Những ngày đầu ở đô thành xa lạ, cả hai vợ chồng gặp vô vàn khó khăn. Có những lúc, chưa thuê được nhà Yến và Tân phải ở nhờ, mỗi người một nơi trong thành phố rộng lớn. Tân chở Yến đi xin việc nhiều nơi nhưng đều nhận được những cái lắc đầu.

Sau những ngày tháng long đong, giờ thì Yến đang làm phóng viên cho tạp chí Du lịch và Giải trí còn Tân đang bảo vệ luận văn Thạc sỹ môn Hóa học.

Giờ thì họ có một “công chúa” Yến ôm bé gái vào lòng, ánh mắt tràn ngập yêu thương. Cô bảo: “Con gái của chúng tôi đấy, cháu mới 6 tháng tuổi, dễ thương và hiếu động lắm. Một mái ấm gia đình mà tôi tưởng chỉ có trong mơ, đã trở thành hiện thực. Và tôi tin rằng hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười với những ai có niềm tin vào cuộc sống”.

Tân nói về tình yêu mà ai đó cho là “kỳ lạ” của mình: “Tôi yêu Yến vì nghị lực vì tâm hồn chứ không bao giờ để ý đến những thứ khác”.

Ghi chép của Phùng Nguyên

MỚI - NÓNG