Đoàn tự soi mình để đổi mới

Đoàn tự soi mình để đổi mới
TP - Tại Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X do T.Ư Đoàn tổ chức vừa diễn ra, các đại biểu nguyên là Bí thư thứ nhất, Bí thư T.Ư Đoàn các thời kỳ đã có những gợi mở thiết thực cho Đoàn.

Hiến kế tặng Đoàn:

Đoàn tự soi mình để đổi mới

>Lãnh đạo T.Ư Đoàn các thời kỳ đóng góp ý kiến

Theo ông Đặng Quốc Bảo (nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn khóa IV, nguyên Trưởng Ban khoa giáo T.Ư), ĐH Đoàn diễn ra trong điều kiện lịch sử khác trước khi thế giới lấy lao động trí tuệ làm trung tâm nên không thể theo kiểu cũ. Theo ông Bảo, lớp trẻ đang vươn lên mạnh mẽ và đi đầu, đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa. “Có nhiều phong trào rất hay, nhưng theo tôi vấn đề trung tâm vẫn là công tác cán bộ. Nếu chúng ta có chính sách tạo ra một lớp cán bộ có tầm cỡ của thời đại là giải quyết được vấn đề cơ bản nhất”, ông Đặng Quốc Bảo nói. Giám đốc NXB Chính trị Quốc gia Nguyễn Duy Hùng (nguyên Bí thư T.Ư Đoàn khóa V) cũng cho rằng, nếu đầu vào của Đoàn tốt thì sẽ cung cấp nguồn cán bộ giỏi, ưu tú cho Đảng, Nhà nước sau này.

Về dự thảo văn kiện ĐH lần này, theo ông Bảo, cái cần nhất, quan trọng nhất là phải sáng tạo tương lai cho thanh niên. Trên cơ sở những hoài bão của lớp trẻ, sẽ đưa ra chương trình hành động thiết thực, vượt lên lịch sử. Tin rằng ĐH sẽ đánh dấu một thời kỳ mới, một chu kỳ mới. Ông Bảo kỳ vọng tổ chức Đoàn và thanh niên ý thức được trách nhiệm, sức mạnh của mình – sức mạnh của nghị lực, trí tuệ và sự năng động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Bùi Đặng Dũng (nguyên Bí thư T.Ư Đoàn khóa VIII) cho rằng, mỗi kỳ ĐH là dịp chúng ta tự soi lại tổ chức của mình, soi lại bản thân mỗi cán bộ Đoàn trong nhiệm kỳ qua đã làm được gì. Cũng theo ông Bùi Đặng Dũng, cần cụ thể hóa hơn nữa những đánh giá về kết quả đạt được nhiệm kỳ qua, phương hướng cho nhiệm kỳ tới, tránh khô khan, lý luận, như vậy mới tăng tính động viên, hiệu triệu được đông đảo bạn trẻ. Ngoài ra, Đoàn cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động.

“Để mỗi một khẩu hiệu, chương trình hành động của Đoàn có sức lan tỏa, hiệu triệu được ĐVTN, khơi dậy sức sáng tạo của tuổi trẻ, đòi hỏi phải có sự đầu tư trí tuệ, công sức rất lớn của cả hệ thống tổ chức Đoàn, của các nhà khoa học, sự lãnh đạo của Đảng, sự góp ý của chính quyền các cấp”, ông Bùi Đặng Dũng nói.

Ông Lê Thanh Đạo, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn các khóa IV, V, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư chia sẻ, cốt lõi của phong trào vẫn là tính xung kích và sáng tạo. Ông Lê Thanh Đạo nhấn mạnh trong giai đoạn xây dựng đất nước CNH-HĐH, Đoàn phải vạch rõ và xác định 5 - 10 năm tới thanh niên ở đâu, làm gì, đóng góp ra sao… Đoàn cũng phải đổi mới, nhạy bén để sau ĐH sẽ truyền được không khí, sức sống lan tỏa vào giới trẻ. Bên cạnh đó, việc giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên còn yếu, nhiệm kỳ này phải tập trung hơn nữa, phải tạo thành một nền nếp, ý thức chấp hành pháp luật cho người trẻ.

Anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng, việc đầu tiên phải làm là nghiên cứu thật kỹ tình hình thanh niên trong giai đoạn hiện nay và cũng phải nhận diện hết sức khách quan ưu điểm, nhược điểm. Cũng theo anh Vinh, công tác Đoàn và phong trào thanh niên cần hướng về cơ sở nhiều hơn vì ở cơ sở mạnh thì Đoàn mới mạnh được. Anh Vinh nhấn mạnh Đoàn phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương, làm những việc phù hợp với tính chất của tổ chức Đoàn và lực lượng thanh niên. Việc đánh giá phong trào phải dựa trên kết quả cụ thể, từng đầu việc, từng vấn đề.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG