Thanh niên xung kích, lập nghiệp

Thanh niên xung kích, lập nghiệp
5 năm qua (2007-2012), phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” được thanh niên tỉnh nhà hưởng ứng tích cực. Ngày càng xuất hiện nhiều gương thanh niên tiêu biểu ở mọi lĩnh vực.

Thanh niên xung kích, lập nghiệp

5 năm qua (2007-2012), phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” được thanh niên tỉnh nhà hưởng ứng tích cực. Ngày càng xuất hiện nhiều gương thanh niên tiêu biểu ở mọi lĩnh vực.

Mô hình nuôi bồ câu gà của anh Đua cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm
Mô hình nuôi bồ câu gà của anh Đua cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
 

Anh Trần Văn Đua, ở ấp 1B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A có mô hình nuôi bồ câu gà rất hiệu quả. Lúc đầu, anh Đua chỉ nuôi vài ba cặp bồ câu gà để lấy thịt bồi bổ sức khỏe các con, nhưng dần thấy dễ nuôi nên anh mở rộng quy mô, nuôi chim mẹ nhân giống. Đến nay, anh đã phát triển đàn, nuôi tại nhà khoảng 40 cặp, với gần 100 lồng nuôi, hàng năm xuất chuồng hàng trăm cặp trống mái… Dành dụm vốn từ việc bán bồ câu, anh bắt tay vào việc nuôi dê, nhím; dưới ao thả nuôi hàng trăm con cá tai tượng, cá tra để tận dụng phân bồ câu và thức ăn thừa của chúng.

Anh Đua cho biết: “Mỗi cặp bồ câu bố mẹ có giá bán khoảng 3-3,5 triệu đồng, trong khi đó lại ít tốn kém về chi phí đầu tư, ít gặp rủi ro về bệnh tật nên tôi quyết định nuôi thêm và phát triển đàn”.

Mô hình của anh Đua còn được nhân rộng tại nhiều gia đình đoàn viên khác ở địa phương. Ai có nhu cầu học hỏi kỹ thuật, anh Đua sẵn sàng giúp đỡ, có khi anh còn cho gối đầu con giống, khi nào xuất chuồng thì hoàn vốn.

Anh Nguyễn Văn Hoài Rin, Phó Bí thư Thị đoàn thị trấn Rạch Gòi, học hỏi mô hình của anh Đua và nuôi bồ câu gà từ năm 2011. Sau 1 năm, đến nay anh Rin đã dành dụm được số vốn khá lớn và dự định sẽ tiếp tục mở rộng chuồng nuôi. Anh Rin nói: “Mô hình này đã giúp gia đình tôi ổn định kinh tế, có đủ điều kiện làm ăn, phát triển”.

Xuất thân từ một gia đình thuần nông, cuộc sống thuở nhỏ khó khăn, thiếu thốn về cái ăn, cái mặc, thiệt thòi về học vấn nhưng anh Nguyễn Quốc Toàn (xã Tân Tiến, TP.Vị Thanh) đã không ngại khó, quyết tâm phấn đấu học hỏi, học nghề mà làm nên sự nghiệp.

Anh kể, hồi học lớp 9 (năm 1999) phải nghỉ học vì gia cảnh nghèo. Sau đó, anh phải vừa đi làm, vừa tranh thủ tìm nơi học nghề đan ghế mây ở TP.Cần Thơ. Không ngờ, cơ duyên đưa đẩy, gặp phải người hiền giúp đỡ, dạy nghề, tạo mọi điều kiện cho anh học tập, giúp vốn làm ăn... Từ sự giúp đỡ đó, cùng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, anh đã vượt bao nhiêu trở ngại, gian khổ hoàn thành mục đích vươn lên làm giàu cho mình. Cơ sở của anh mỗi tháng giải quyết việc làm cho trên dưới 20 thanh niên tại địa phương.

Hiện nay, anh là giáo viên và là Bí thư Đoàn trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Vị Thanh). Anh Toàn cho biết, mỗi đợt hàng, cơ sở giao trung bình từ vài chục đến vài trăm chiếc ghế, lãi từ vài chục ngàn cho đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm, tùy theo loại ghế. Do đã tạo được lòng tin, uy tín đối với khách hàng nên hiện nay thị trường tiêu thụ chính của anh Toàn là khu vực thành phố Vị Thanh. Đôi lúc có khách hàng quen giới thiệu từ thành phố Cần Thơ xuống, anh Toàn còn tìm được mối nguyên liệu dây nhựa giá hợp lý tại TP.Hồ Chí Minh…

Còn đoàn viên Trương Công Thân, kỹ thuật viên Xí nghiệp đường Vị Thanh - Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ lại không ngừng thể hiện tinh thần sáng tạo trong lĩnh vực kỹ thuật.

Trong 6 năm công tác, anh đã góp nhiều sáng kiến, giải pháp hay mang lại hiệu quả sản xuất cho đơn vị. Tiêu biểu là đề tài “Sáng kiến cải tiến lược đáy và cầu lược đáy máy ép” đã giúp công ty giảm thiểu được rủi ro hư hỏng trong công đoạn lược ép mía, giúp tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cũng như công sức làm việc cho anh em.

Anh kể: “Năm 2006, do nhu cầu tiêu thụ nên xí nghiệp đường tăng công suất ép mía từ 1.000 lên 3.500 tấn/vụ. Công suất tăng gấp 3,5 lần nên hệ thống máy móc phải làm việc nhiều, có những bộ phận bị sức ép lớn, thường xuyên gặp phải sự cố. Sau nhiều lần nghiên cứu, suy nghĩ tôi đã mạnh dạn đề xuất, tham mưu với cấp trên thay đổi cơ cấu, thiết kế hệ thống sản xuất và đã khắc phục được tình trạng này”.

“Qua thời gian làm việc, anh Thân đã góp nhiều sáng kiến hay như cải tiến phốt nước bơm nước nóng, thay thế máy lạnh dân dụng cho máy lạnh chuyên dùng, giúp làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng”- Bí thư Đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ Trương Công Tạo nhận xét.

Có thể thấy, thanh niên Hậu Giang dù ở cương vị nào, môi trường nào họ vẫn luôn thể hiện ý chí phấn đấu, tinh thần xung kích, sáng tạo, góp thêm những điển hình về thanh niên vượt khó, làm giàu chính đáng ở tỉnh nhà.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Trương Quốc Năm nhận xét: “5 năm qua, phong trào 5 xung kích, 4 đồng hành ở Hậu Giang có nhiều khởi sắc và những thành tựu đáng kể. Trong đó, hoạt động “Tuổi trẻ sáng tạo” đã thu hút được nhiều sáng kiến, giải pháp hay, hữu ích từ các đoàn viên, thanh niên. Hàng năm, phong trào cũng nhận được từ 60-70 đề tài, đề xuất mới. Hiện nay chúng tôi đã chọn được 97 đề tài, sáng kiến, sáng chế để công nhận, khen thưởng và sẽ nhân rộng trong toàn đoàn nhằm giúp thanh niên Hậu Giang tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống, cùng xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Theo Trúc Linh
Báo Hậu Giang

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...