Gỡ những việc nóng

Gỡ những việc nóng
TP - Sáng 22/3, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Đắc Vinh đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên và nhân dân cả nước trên Cổng TTĐT Chính phủ. Cùng tham dự có các đồng chí bí thư, ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn.

> T.Ư Đoàn, Hội Nhà văn Việt Nam ký kết phối hợp
> Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đối thoại với thanh niên

Bàn về tính hành động, anh Nguyễn Đắc Vinh cho rằng trong thời kỳ nào thanh niên cũng có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, những nơi cần sự xung kích và cần tính hành động cao.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X tổng kết lại tinh thần hành động đó, một lần nữa muốn nhấn mạnh với thanh niên là tuổi trẻ phải hành động. Tính hành động đó diễn ra ở mỗi con người, thể hiện trong việc làm hàng ngày.

Sau Đại hội, không khí hành động trong thanh niên rất cao, các cơ sở Đoàn đã thể hiện tinh thần nói đi đôi với làm, những việc đề ra đã được bắt tay vào giải quyết. Đặc biệt, trong Tháng thanh niên hoàn toàn cảm nhận không khí hành động đó.

Đáp ứng 3 nhu cầu lớn

Việc làm, học tập là những vấn đề được bạn trẻ quan tâm tại cuộc đối thoại (trong ảnh: Sinh viên xếp hình trái tim trong lễ tốt nghiệp). ảnh: Cẩm Kỳ
Việc làm, học tập là những vấn đề được bạn trẻ quan tâm tại cuộc đối thoại (trong ảnh: Sinh viên xếp hình trái tim trong lễ tốt nghiệp). ảnh: Cẩm Kỳ.
 

Bạn Nguyễn Thành Tâm (sinh viên tốt nghiệp đại học (ĐH) ngành Kinh tế) nêu thực tế sinh viên ra trường thất nghiệp và chương trình, chính sách của Đoàn hỗ trợ thanh niên về nghề nghiệp, việc làm.

Anh Nguyễn Đắc Vinh cho biết, 3 nhu cầu lớn nhất của thanh niên là: Học tập, nghề nghiệp và nơi vui chơi giải trí lành mạnh. Tạo cơ hội để thanh niên có công việc ổn định là vấn đề T.Ư Đoàn hết sức quan tâm, triển khai thực hiện trong nhiều năm.

T.Ư Đoàn đã tham mưu Chính phủ xây dựng Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm” giai đoạn 2008 - 2015 (gọi tắt là Đề án 103); Đề án 1956 hỗ trợ việc dạy nghề.

Đặc biệt hiện nay, T.Ư Đoàn nghiên cứu mô hình chiến dịch “Tiếp sức người lao động” tại TPHCM (xây dựng các điểm giới thiệu việc làm miễn phí cho người dân tại các bến xe ô tô) để nhân rộng trên cả nước...

Trả lời câu hỏi của Nguyễn Hoài Nam (du học sinh tại Cộng hòa Liên bang Nga) vì sao được du học, bảo vệ luận án tiến sĩ hóa học ở nước ngoài, anh lại chọn trở về nước?

Anh Nguyễn Đắc Vinh nói: “Chúng tôi xác định khi được Đảng, Nhà nước cử đi học ở nước ngoài thì trách nhiệm của tôi là học tập thật tốt, trở về phục vụ đất nước. Đất nước đang tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nguồn nhân lực đang rất thiếu nên rất cần các bạn trẻ có năng lực, trình độ, được đào tạo về giúp cho đất nước. Đối với các bạn đang tham gia các dự án, đề tài dở dang, các bạn nên tiếp tục theo đuổi để trưởng thành hơn”.

 “Có nhiều cách để các bạn du học ở nước ngoài cống hiến cho đất nước, miễn làm sao trong tâm luôn nhớ mình là người Việt Nam, cố gắng bằng mọi cách đóng góp cho đất nước mình. Đó là điều rất đáng quý”. 

Bạn Trần Hồng Hoa (Hải Dương) đặt vấn đề Đoàn có việc làm cụ thể gì để giúp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên công nhân? Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An cho biết, có rất nhiều chương trình dành cho thanh niên công nhân như khám chữa bệnh miễn phí, bán hàng giá rẻ, tuyên truyền kiến thức về pháp luật, nhất là luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Thành lập các câu lạc bộ khu nhà trọ, một số quận huyện đã có những mô hình mới như: tặng báo chí, các ấn phẩm văn hóa cho thanh niên công nhân tại các khu nhà trọ...

“T.Ư Đoàn kiến nghị Nhà nước cần có những văn bản quy phạm pháp luật quy định doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam phải đảm bảo cho thanh niên công nhân được hưởng thụ văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí như sân bóng, khu sinh hoạt văn hóa văn nghệ; Tạo điều kiện cho công nhân được xem truyền hình, đọc báo. Như vậy, việc nâng cao dân trí, đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân mới đảm bảo hài hoà, tái tạo sức lao động hiệu quả”, anh An đề xuất.

Chương trình đối thoại còn đề cập các vấn đề quan trọng khác như: Giải pháp hỗ trợ, động viên, tiếp sức cho học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học; Đoàn chung tay cùng xã hội trong việc kiềm chế tai nạn giao thông; Vận động thanh niên giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc...

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho biết, sử dụng Facebook nói riêng và mạng xã hội hiện nay đã trở thành một xu hướng tất yếu của giới trẻ.

Đoàn thanh niên sử dụng môi trường internet để kết nối thanh niên và định hướng thanh niên. Đối với các mạng xã hội, có thể thấy không chỉ thanh niên mà còn đông đảo thiếu niên, nhi đồng tham gia. T.Ư Đoàn đang hướng tới xây dựng mạng xã hội cho thanh niên.

PHƯƠNG HIẾU ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG