Chàng trai 9x và ý tưởng 'cây trí thức'

Vũ Hoàng Việt (thứ hai từ phải qua), chủ nhân của "cây tri thức". Ảnh: Huệ Vân
Vũ Hoàng Việt (thứ hai từ phải qua), chủ nhân của "cây tri thức". Ảnh: Huệ Vân
Gần 4 tháng nay, người qua lại sảnh G Đại học Hoa Sen (TPHCM) đều dừng chân trước một cái cây lạ. Thân cây làm bằng gỗ, trên cành xếp những quyển sách đủ loại. 

Công trình độc đáo này được đặt tên là “Cây tri thức”. Trên ngọn cây treo ngay ngắn một mảnh giấy hướng dẫn sử dụng “Bạn có thể lấy sách đọc tại chỗ hoặc mang đi mà không cần trả tiền. Chỉ cần tặng lại cho cây một cuốn sách khác”. Xung quanh cây không có ai giám sát hay canh giữ. Mọi người đối xử với nó ra sao hoàn toàn do tự nguyện, tự giác.

Chủ nhân của cây tri thức là Vũ Hoàng Việt, sinh viên năm 4 ngành Ngoại thương, Đại học Hoa Sen. Vốn là người yêu sách, Việt nảy ra sáng kiến này với mục đích trước tiên là lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến nhiều người.

Chàng trai 9x và ý tưởng 'cây trí thức' ảnh 1

"Cây tri thức" ở trường Đại học Hoa Sen. Ảnh: Huệ Vân.

Việt kể, ngày đầu manh nha ý tưởng chia sẻ cùng bạn bè, ai cũng can ngăn “khùng à”, "tự dưng đem cả đống sách quý ra cho thiên hạ chụp giật, xâu xé". Bị phản đối nhưng không nản, nam sinh đem ý tưởng trình bày với hiệu trưởng trường.

 "Thật bất ngờ, cô nhiệt tình ủng hộ. Chỉ đợi vậy, mình vội vàng bắt tay vào công cuộc trồng cây". Chàng trai lập tức mang hết số sách đã tích cóp từ trước đến nay đồng thời xin thêm từ người quen, thầy cô, bạn bè… để phủ lấp tầng tầng lớp lớp cành lá cho cây.
 

Chỉ trong thời gian ngắn, "cây tri thức" dần thành hình với hơn 70 cuốn sách xếp kín các cành. Việt còn cẩn thận chuẩn bị thêm gần 200 cuốn sách khác để bù lỗ, phòng khi quá nhiều sách trên cây không cánh mà bay.

Một tuần, rồi hai tuần trôi qua, 50 rồi 100 cuốn sách biến mất. Việt ngỡ ngàng nhìn cái cây trơ trụi: “Mình luôn tâm niệm tử tế là làm điều đúng, điều tốt ngay cả khi không ai nhìn thấy, không cần giám sát. 

Vậy nên lúc trồng cây mình ấp ủ một dự định to hơn nữa, đó là chứng minh sự tử tế của con người, góp sức xây dựng một cộng đồng trung thực, công bằng, tự giác. Nhưng va đập thực tế phũ phàng, mình bị sốc".

Chàng trai 9x và ý tưởng 'cây trí thức' ảnh 2 "Sự tử tế cần thiết cho cuộc sống như con người cần hít thở khí trời", là tâm niệm của Việt khi thực hiện dự án "cây tri thức". Ảnh: Huệ Vân.
Niềm tin cứ thế vơi đi, chàng trai từng hoang mang tự hỏi: "Phải chăng cuộc sống đã hết người tử tế, việc tử tế?". Có lúc thất vọng Việt nghĩ, cứ đợi đến khi số sách trên cây mất hết rồi dẹp luôn một thể.

Thế nhưng, cây sách của Việt không chết. Theo thời gian nó cứng cáp dần. Sách vẫn mất, nhưng chậm hơn. Một số thầy cô trong trường còn chung tay góp sách, giúp lấp đầy những cành bị trống. Nhiều sinh viên tự nguyện đặt lên cây một cuốn sách khác trước khi lấy sách về đọc. 

Bạn nào lỡ quên thì cẩn thận ghi một mẩu giấy gắn lên cây “Hôm nay tớ đãng trí không mang theo sách để đổi. Nhưng nhất định ngày mai sẽ nhớ. Xin lỗi cậu nhé”.

Những tín hiệu ấm áp nho nhỏ ấy tạo động lực cho chàng sinh viên tiếp tục dự án. Việt bảo: “Cây tri thức được nuôi dưỡng chính từ niềm tin vào tự tử tế. Sự tử tế ẩn nấp đâu đó trong mỗi người và khi có tác động, nó sẽ được đánh thức. Sự tử tế còn thì cây còn sống khỏe”.

Cứ đều đặn từ một đến hai ngày Việt ghé thăm cây sách một lần. Niềm vui lớn nhất của cậu hiện tại là lượng sách trên cây hao hụt không đáng kể. Không những thế, nhiều bạn đọc giấu mặt còn note lại cảm xúc sau khi đọc xong một cuốn sách hay để chia sẻ với mọi người.

Tự hào về sinh viên của mình cũng như cây tri thức độc đáo có một không hai, tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen khẳng định: “Cây tri thức nếu thành công sẽ làm lan tỏa những giá trị phổ quát muôn đời. Đó là sự khao khát tri thức, công bằng, trung thực và liêm chính mà không cần bất kỳ sự kiểm soát nào. Tôi hy vọng các em sinh viên sẽ cùng chung tay hành động để lan tỏa nếp sống đẹp này”.

Vũ Hoàng Việt luôn tâm niệm "Sự tử tế cần thiết cho cuộc sống như con người cần hít thở khí trời". Sau cây tri thức, chàng sinh viên năm cuối dự định sẽ đặt thêm một máy photocopy để mọi người đến photo bài vở rồi tự giác để tiền lại. 

Tiếp theo, một quầy văn phòng phẩm cũng hoạt động trên nguyên tắc trung thực tương tự. Việt còn ấp ủ mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình để các trường đại học tại Việt Nam đều mọc lên thật nhiều "cây sách" như thế này nữa.


Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG