Chàng trai sinh năm 1975 & giấc mơ nội địa hóa

Nguyễn Duy Thành cạnh mô hình máy phát
Nguyễn Duy Thành cạnh mô hình máy phát
TP - Sinh năm 1975, đúng dịp đất nước thống nhất, đỗ đại học năm 19 tuổi nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bỏ, chàng trai xứ Nghệ Nguyễn Duy Thành quyết định “lấy ngắn nuôi dài”: xuất khẩu lao động kiếm tiền học tiếp. Đi mấy năm rồi về, lại “lai kinh ứng thí” và trúng tuyển vào trường ĐH Thủy lợi, khoa Thủy điện - nơi cho anh kiến thức để theo đuổi đam mê máy móc, cũng là nơi bắt đầu giấc mơ nội địa hóa thiết bị nhà máy thủy điện.

Chẳng khó lắm, sao mình không làm?

Rất nhiều dự án thủy điện ở Việt Nam ký hợp đồng cung cấp, lắp đặt thiết bị với nhà thầu Trung Quốc. Nguyên do giá bỏ thầu của họ thấp hơn kha khá so với các doanh nghiệp châu Âu, dù vẫn có câu “tiền nào của nấy”. Đây là một thực trạng kéo dài trong nhiều năm và vẫn sẽ tiếp tục.

“Phương châm của tôi là tạo điều kiện cho anh em có một sân chơi kỹ thuật cũng như sự cống hiến, thu lại thành quả cụ thể để mọi người yên tâm làm việc.

Nguyễn Duy Thành

Sau thời gian dài lăn lộn tại các công trường thủy điện lớn (Sê San 4, công suất 400MW) lẫn nhỏ (một vài chục MW), mắt thấy tai nghe những  ngổn ngang bất cập chuyện nhập khẩu thiết bị, Nguyễn Duy Thành đặt câu hỏi cho chính mình: “Máy phát, tua bin thì không nói, đám thiết bị còn lại trong nhà máy như tủ bảng điện, thiết bị điều khiển, bảo vệ, thiết bị phụ… nguyên lý không quá phức tạp, các đơn vị trong nước thừa sức làm. Tại sao vẫn phải nhập?”.

Cơ hội trả lời câu hỏi đó đến khi Thành đại diện cho tập đoàn Thái Hào, Giang Tây, Trung Quốc đàm phán hợp đồng cung cấp thiết bị một số công trình thủy điện vừa và nhỏ. Anh chủ động đề nghị các đơn vị có năng lực: Trung tâm Thủy điện, Công ty Bách Khoa... tham gia liên danh đấu thầu. Các đơn vị này trúng được mấy “gói” cung cấp thiết bị (tất nhiên gói thiết bị chính thuộc về nhà thầu Trung Quốc). Nhưng đến phút cuối bất ngờ chủ đầu tư “xé” thoả thuận đã ký, giao toàn bộ hạng mục cho bên Trung Quốc thực hiện.

Không nản, tới dự án thủy điện Tà Sa (Cao Bằng), Nguyễn Duy Thành tiếp tục đề xuất thầu phụ Việt Nam. Quyết tâm ấy lại bị thử thách khi doanh nghiệp Trung Quốc “soạn lại bổn cũ”. Chàng kỹ sư thủy điện sinh năm 1975 quyết định “bỏ làm thuê, về làm chủ”. Anh xuống Hà Nội cùng mấy người bạn bên ĐH Bách khoa thành lập Công ty CP thiết bị nhà máy điện Việt Á Âu (2009). Sau trở ngược lên Cao Bằng nộp hồ sơ đấu thầu, và thắng lớn.

“Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam, chủ dự án Tà Sa, quyết định chấm chúng tôi cung cấp toàn bộ thiết bị phần nhà máy”, anh Thành nhớ lại, “Đó là mốc khởi điểm của công ty, là điểm tựa cho tôi vững bước trên con đường gập ghềnh phía trước”. Thành thừa nhận lúc đó năng lực sản xuất của công ty mới dừng ở các thiết bị đơn giản nhất trong tổ hợp toàn bộ hệ thống. Công ty vẫn phải nhập từ máy phát, tua bin, điều tốc, kích từ, nên tỷ lệ nội địa hoá chưa cao. Tuy nhiên, do lắp đặt đúng chuẩn kỹ thuật nên tới giờ, nhà máy vẫn hoạt động rất ổn định.

Chàng trai sinh năm 1975 & giấc mơ nội địa hóa ảnh 1

Kỹ sư Thành bên thủy điện Tắc Ngoằng

Thành công với Tà Sa, Việt Á Âu tiếp tục thắng thầu dự án Tắc Ngoẵng, Nậm Hoá 2 (Sơn La) hay Iađăng (Gia Lai) với tỷ lệ nội địa hoá tăng dần. Để thực hiện điều đó, Thành mời gọi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, đối tác có năng lực. “Phương châm của tôi là tạo điều kiện cho anh em có một sân chơi kỹ thuật cũng như sự cống hiến, thu lại thành quả cụ thể để mọi người yên tâm làm việc gắn bó lâu dài đồng thời kích thích tìm tòi các giải pháp đồng bộ có tính thực tiễn cao” - Thành cho biết.

Hạnh phúc được làm điều mình muốn

Ông Nguyễn Quang Cảnh, bố Thành (sinh năm 1935, 55 tuổi Đảng), là một người lính dành trọn tuổi thanh xuân trên chiến trường. Chiến đấu vì sự nghiệp giành độc lập cho đất nước, trở về với vết thương trên mình, ông thường nhắc nhở các con sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của thế hệ đi trước. Thành nói: “Thế hệ sinh sau giải phóng là một thế hệ hạnh phúc. Chúng tôi có điều kiện thực hiện những ý tưởng của mình trong nền kinh tế đang phát triển cùng tư duy mở”. Dù bản thân anh đã phải vật lộn mưu sinh trước khi có điều kiện làm điều mình muốn.

Tốt nghiệp PTTH, cầm giấy báo đại học mà trong lòng Thành mừng ít, lo nhiều. “Anh cả tôi mới ra trường, anh hai đang học Bách khoa. Bố thương binh, mẹ ốm yếu sao đảm bảo cho mình ăn học tiếp”, anh tâm sự, “Điều kiện kinh tế không cho phép nên tôi đi học sửa chữa điện tử, rồi làm nghề và tính lấy vợ ở quê”.

Làm được một thời gian, Thành quyết định sang Hàn Quốc lao động. Kiếm được một khoản tiền rồi, anh về nước tiếp tục đèn sách ôn tập kiến thức đã bị rơi rụng sau 6 năm bươn chải. Thành đỗ Đại học Thủy lợi (1999), thoả mơ ước được ngồi trên giảng đường.  

“Quá khứ lận đận thúc đẩy tôi nỗ lực khẳng định mình. Đi tiên phong từ chỗ nhập linh kiện lắp tủ bảng điện, đến bây giờ, Việt Á Âu đứng đầu cả nước trong tỷ lệ nội địa hóa thiết bị nhà máy thủy điện (tính theo đầu mục là 70% còn theo giá trị là hơn 50%)”, Thành tự tin khẳng định. Công ty dần dà làm chủ được công nghệ kỹ thuật, tổ hợp, chế tạo, đặc biệt là đồng bộ hóa thiết bị trong nhà máy đảm bảo yêu cầu. “Ngoài tua bin và máy phát, các hạng mục quan trọng bậc nhất trong một nhà máy thuỷ điện gồm hệ thống điều khiển, điều tốc và kích từ, chúng tôi đều làm được. Bên cạnh đó, công ty còn liên kết với một số doanh nghiệp trong nước để thực hiện dự án với giá cả hợp lý đảm bảo sự cạnh tranh, đồng thời linh hoạt trong vấn đề bảo hành, sửa chữa, thay thế”.

Chàng trai sinh năm 1975 & giấc mơ nội địa hóa ảnh 2

Máy điều tốc phúc tạp do Việt Á Âu chế tạo thành công

Đảng và Nhà nước đang khuyến khích “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, nâng cao vai trò làm chủ công nghệ, tự lực tự cường trong thời kỳ đổi mới, giảm các yếu tố phụ thuộc với nước ngoài. “Chủ động được công nghệ mới giúp kinh tế tiến lên một cách vững vàng. Nói riêng trong ngành điện, muốn nội địa hóa sâu về mảng thiết bị cần sự dám nghĩ dám làm của thế hệ trẻ”, Thành nhấn mạnh, “Chủ động được thiết bị nhà máy sẽ góp phần giảm mức nhập siêu (theo thống kê thì thiết bị ngành điện chiếm tỷ trọng lớn nhất)”. 

Thành đưa ra một thông tin giật mình: Nhiều phần mềm  điều khiển  nhà máy thủy điện của Việt Nam hiện nay đều do doanh nghiệp Trung Quốc cấp và mình phụ thuộc vào họ. Nếu không làm chủ công nghệ này, an ninh an toàn không chỉ trong vấn đề năng lượng là một câu hỏi lớn.

Việt Á Âu quen làm công trình công suất 30MW đổ lại song đang hướng tới các dự án tầm cỡ hơn và mở rộng nhận thầu sang cả Lào. “Thiết bị trong nhà máy chỉ ngần ấy hạng mục, chừng ấy chức năng. Dĩ nhiên nhà máy lớn thì hệ số an toàn phải cao hơn, quy mô công suất thiết bị lớn hơn, tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe hơn. Nhưng cái khó ló cái khôn, với nội lực hiện tại, chúng tôi không ngại tiến lên phía trước”, Nguyễn Duy Thành kết lại câu chuyện.

Công ty CP thiết bị nhà máy điện Việt Á Âu (VAE.,JSC) có một đội ngũ nhân sự vừa phải (gần 40 người làm việc tại văn phòng và nhà xưởng), được đào tạo bài bản từ Cao đẳng trở lên (với 4 tiến sĩ). Hiện tại VAE.,JSC đã có văn phòng tại Lào, đang cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với nước bạn trong việc khai thác tiềm năng thủy điện còn rất lớn.  

MỚI - NÓNG