Chuyến đi là nghi thức trưởng thành

Các đại biểu giao lưu với cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Ảnh: Xuân Tùng.
Các đại biểu giao lưu với cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Trong chuyến Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2016 đến với các đảo Trường Sa, nhiều đại biểu thanh niên được trải nghiệm, thêm trưởng thành và giàu cảm xúc sáng tạo với tình yêu biển đảo cháy bỏng.

Đi để trưởng thành

Trong 10 ngày, Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2016 đã đến thăm các đảo Trường Sa Đông, Sơn Ca, Sinh Tồn, Đá Lát, Đá Thị, Đá Tây, Song Tử Tây… thuộc huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 Huyền Trân thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Các đại biểu đã thăm hỏi, tặng quà, tìm hiểu đời sống cán bộ, chiến sỹ, nhân dân cũng như trải nghiệm cuộc sống nơi hải đảo, tham gia trồng cây xanh, hiến kế vì Trường Sa xanh…

“Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương đến Trường Sa với khẩu hiệu Tuổi trẻ đồng hành vì Trường Sa xanh có ý nghĩa thiết thực, nhằm khơi dậy tình yêu nước và sự sáng tạo của tuổi trẻ hiến kế trong việc bảo vệ chủ quyền và xây dựng biển đảo xanh sạch đẹp”. 

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn 

Là một trong số đại biểu thanh niên tham gia hành trình, Nguyễn Thủy Tiên (SN 1987, Phó Giám đốc Quỹ hỗ trợ tài năng Lương Văn Can) cho biết, từng đến 30 nước với hơn 70 thành phố của châu Âu, châu Mỹ, châu Á qua các chuyến du lịch, hội thảo, chương trình giao lưu thanh niên…, nhưng luôn mơ ước có một lần đặt chân đến Trường Sa. “Dù đã được đặt chân đến nhiều vùng đất ở khắp nơi trên thế giới, mình luôn tin rằng, cuộc đời mình sẽ chưa trọn vẹn nếu không một lần được đến với Trường Sa. Với mình, chuyến hành trình này là nghi thức trưởng thành”, Thủy Tiên nói.

Trong hành trình, Thủy Tiên có dịp thêm hiểu biết, thêm yêu biển đảo khi tiếp xúc với các đại biểu tham gia chuyến đi như bác Bùi Công Khê (75 tuổi), người mang theo giải pháp ứng dụng chế phẩm mới - Polyme diệt khuẩn Medipag-20 xử lý môi trường đảo Trường Sa hay qua tiếp xúc với các cán bộ, chiến sỹ giàu nghị lực và tinh thần luôn lạc quan dù cuộc sống nơi hải đảo còn nhiều khó khăn, khắc nghiệt… “Dù có cuộc sống đầy đủ, nhưng trước đây mình đôi lúc hay than vãn. Qua hành trình, mình thấy bản thân càng phải nỗ lực hơn trong cuộc sống và có thêm động lực để đóng góp thật nhiều cho Trường Sa”, Thủy Tiên nói. Cô cũng cho hay, sau hành trình, sẽ lên kế hoạch truyền thông về Trường Sa và những trải nghiệm bản thân lên mạng xã hội để những bạn trẻ chưa có cơ hội đặt chân lên đảo hun đúc, bồi dưỡng lòng yêu nước.

Không chỉ có những trải nghiệm bản thân, hành trình còn kết nối mọi người trên cả nước, từ đất liền đến hải đảo xa xôi; đong đầy cảm xúc về tình yêu đất nước. Đã có rất nhiều bài thơ được các thành viên viết khi đến với đảo chìm, đảo nổi của Trường Sa và nhà giàn DK1. Trong bài “Tổ quốc thật gần”, Tam Giang - thành viên hành trình viết: “Em ơi em, biển đảo là nhà/Là máu cha ông mặn nồng con sóng/Là mấy ngàn năm một ca đồng vọng/Có mẹ Âu Cơ chắp sóng trập trùng!/Chúng ta đi theo bước quân hành/Mang trái tim nhiệt thành tuổi trẻ/Mang khát khao ngàn đời đất Mẹ/Xanh thắm một màu, xanh mãi ngày sau…”.

Những cánh thư giữa trùng khơi

Trong hành trình, rất nhiều nhóm bạn trẻ mang đến những cuộc đoàn viên đặc biệt giữa trùng khơi qua những clip, lá thư gửi gắm tình cảm, lời chúc giữa người thân ở đất liền - cán bộ, chiến sỹ công tác ở hải đảo. Tiêu biểu là chương trình “Sứ giả mang thông điệp xanh” đã mang những cánh thư ghi lời chúc và chia sẻ của học sinh Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) tới cán bộ, chiến sỹ. Trên những lá thư có hình trái tim là những nét chữ học trò nắn nót như: “Cháu chúc các chú vui vẻ, thành công trong cuộc sống, Con yêu chú”; “Cháu chúc các chú luôn mạnh khỏe và vui vẻ. Cháu ước mong được trở thành bộ đội”…

Đặc biệt, chương trình đã đến thăm hỏi, tặng quà và ghi hình ảnh 6 gia đình có con em công tác trên đảo Song Tử Tây, đảo Len Đao, đảo Trường Sa Lớn… Giữa trùng khơi, chiến sỹ Đào Công Tuyến công tác tại đảo Song Tử Tây, trung úy Nguyễn Trung Kiên công tác tại đảo Trường Sa Đông… đã không giấu được xúc động khi gặp lại những người trong gia đình, được nghe những lời động viên của bố mẹ và được gửi lời nhắn nhủ lại với gia đình.

Trực tiếp tham gia thực hiện “Sứ giả mang thông điệp xanh”, anh Phạm Thanh Lương (SN 1986) - Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm cho biết: “Qua những lá thư và clip, chương trình mong muốn rút ngắn khoảng cách để Trường Sa và đất liền gần hơn nữa. Đồng thời mang tới niềm vui cho các cán bộ, chiến sỹ đang công tác ngoài đảo”. Anh Lương cho biết thêm, cùng những lời động viên, thăm hỏi, các gia đình còn gửi đến con em và đồng đội những món quà ý nghĩa, như bà nội 93 tuổi của chiến sỹ Nguyễn Anh Xuân công tác tại Trường Sa đã đan chiếc nón gửi tặng cháu.

Qua những trải nghiệm đến với các điểm đảo và những câu chuyện với cán bộ, chiến sỹ, anh Lương chia sẻ: “Bản thân thấy khâm phục hơn ý chí, bản lĩnh và sự sáng tạo của cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại các điểm đảo trước những gian khó để giữ vững chủ quyền an ninh biển đảo của Tổ quốc”. Sau hành trình này, anh Lương lên kế hoạch phát động các hoạt động hướng về Trường Sa trong học sinh, giáo viên nhà trường; dựng clip từ những hình ảnh ghi lại được ở Trường Sa để giáo viên sử dụng trong giảng dạy; xây dựng tọa đàm với khách mời là cán bộ, chiến sỹ từng công tác tại vùng hải đảo.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.