Chuyện vươn khơi “của hai cậu cháu“

Hai cậu cháu Thảo, Vỹ trên con tàu ước mơ chuẩn bị ra khơi làm chủ Hoàng Sa
Hai cậu cháu Thảo, Vỹ trên con tàu ước mơ chuẩn bị ra khơi làm chủ Hoàng Sa
TP - Cậu 35 tuổi, cháu 20 tuổi đang chuẩn bị hạ thủy con tàu cá công suất 1.100 CV với 3 máy lần đầu tiên của ngư dân Quảng Nam để đạp sóng ra Hoàng Sa.

Khu đóng tàu xã Duy Vinh (Duy Xuyên, Quảng Nam), hình hài con tàu QNa 90170 hoành tráng đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng. Gần 2 tháng qua, ngư dân trẻ Nguyễn Đức Vỹ (20 tuổi) và cậu ruột Võ Công Thảo (35 tuổi) cùng trú tại xã Tam Hải (Núi Thành), có mặt hằng ngày để đôn đốc thợ, giám sát việc đóng tàu. Con tàu là mơ ước, hoài bão của hai cậu cháu bấy lâu nay. 

Thảo - Vỹ con nhà biển nòi. Vì nghèo nên cả hai cậu cháu phải nghỉ học ra Hoàng Sa bám biển từ rất sớm. Trước đây, cậu cháu và mấy anh em đánh bắt bằng con tàu công suất chỉ 205CV. Con tàu là mồ hôi công sức của anh Thảo suốt hơn 10 năm tích góp. 

Tuy “bé hạt tiêu” là vậy, nhưng tháng 6 vừa qua, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, con tàu cũ nhỏ bé QN 91270 của hai cậu cháu nằm trong đội tàu bám biển đánh bắt, gìn giữ chủ quyền. Trong chuyến biển đó, nhiều lần tàu QNa 91270 và đội tàu ngư dân Núi Thành đối diện tàu vỏ sắt Trung Quốc to lớn, cố tình đâm va. 

Trên biển, ngư dân Võ Công Thảo cầm lái khôn khéo điều khiển né tránh tàu Trung Quốc, sát cánh, giúp đỡ các tàu ngư dân khác bám biển khẳng định chủ quyền. 

Riêng Nguyễn Đức Vỹ, chuyến biển ấy kiêm thêm công việc “phóng viên bất đắc dĩ” ghi lại những hình ảnh, thước phim quý giá về hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc tông tan nát tàu ngư dân của ta, làm bằng chứng cho đất liền (Tiền Phong đã có bài viết) được nhiều báo đài sử dụng. 

Sau chuyến biển đó, không chấp nhận thân phận tàu nhỏ, hai cậu cháu bàn nhau và thống nhất hùn vốn, vay mượn để lên đời với con tàu lớn gấp gần 6 lần tàu cũ.

Quyết “lên đời”

Dù liên tiếp mấy chuyến biển từ đầu năm đến nay làm ăn thua lỗ, hai cậu cháu vẫn quyết gom góp tiền bạc của gia đình, vay quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam 1,5 tỷ đồng để đóng tàu lớn. “Tàu phải to, công suất lớn mới an tâm đánh bắt, bám biển dài ngày, mới đủ sức đương đầu với sự vây ép quấy phá của tàu Trung Quốc. Mình đâu có ngán gì họ”, anh Thảo nói.

Chuyện vươn khơi “của hai cậu cháu“ ảnh 1 Ngư dân Võ Công Thảo lau chùi máy chính của tàu cá 

Anh Thảo thuê kỹ sư thiết kế mẫu tàu theo kinh nghiệm của mình và ngư dân lâu năm bám biển. Phần vỏ tàu bằng gỗ đã ngốn hơn 1 tỷ đồng. Đặc biệt lần đầu tiên tại Quảng Nam, tàu được lắp 3 máy (1 máy chính, 2 máy phụ) được nhập hoàn toàn từ Nhật Bản với tổng chi phí hơn 2,5 tỷ đồng. Với 3 máy, trong đó máy chính 730 CV, hai máy phụ gần 400 CV. 

“Khi di chuyển tàu tôi sẽ vận hành 2 máy phụ, còn khi đánh bắt sẽ dùng máy chính như vậy sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn nhiều so với tàu cùng công suất nhưng chạy một máy chính một máy phụ như hiện nay. Thời gian đánh bắt trên biển có thể kéo dài đến 2 tháng”. 

Cũng theo anh Thảo, tàu 3 máy sẽ có tốc độ tăng gấp đôi, tăng khả năng ứng cứu, lai dắt, kéo tàu cá bị nạn. Ngoài ra, mũi tàu được thiết kế rộng hơn mẫu tàu cũ, nhờ đó hầm chứa tăng từ 2-6 hầm đủ chứa lượng hải sản lên tới 30 tấn.

Dự kiến cuối tháng 8/2014, tàu QNa 90170 của hai cậu cháu ngư dân trẻ sẽ khởi hành chuyến đầu tiên bám biển Hoàng Sa. Tất cả anh em ngư dân của tàu đều tin rằng, với con tàu to, vững chãi, công suất lớn họ sẽ bám biển làm ăn hiệu quả hơn. 

Riêng Nguyễn Đức Vỹ, chuyến biển ấy kiêm thêm công việc “phóng viên bất đắc dĩ” ghi lại những hình ảnh, thước phim quý giá về hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc tông tan nát tàu ngư dân của ta, làm bằng chứng cho đất liền (Tiền Phong đã có bài viết) được nhiều báo đài sử dụng. 

MỚI - NÓNG