Cử nhân Ê đê về làng trồng hoa, nuôi lợn

Y Linh Niê (ngoài cùng bên trái) tại vườn cúc nhà mình.
Y Linh Niê (ngoài cùng bên trái) tại vườn cúc nhà mình.
TP - Sau 3 vụ trồng cúc thất bại, vốn liếng cạn dần, nhưng Y Linh Niê vẫn quyết sống chết với hành trình lập nghiệp mới của mình và đã thành công. Giờ đây, vườn cúc nhà Y Linh đã đem lại cho anh doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm.

Sau khi gõ cửa xin việc nhiều nơi không được, chàng cử nhân chuyên ngành Giáo dục Chính trị, tốt nghiệp năm 2011 Y Linh Niê (SN 1988, ở thôn 4, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã chuyển hướng khởi nghiệp ngay trên quê nhà.        

Tháng 8/2012, Y Linh nhập gần 2.000 cây giống qua mối lái mua từ Đà Lạt (Lâm Đồng) về trồng thử nghiệm. Dù thuộc lý thuyết nhưng chưa có kinh nghiệm chọn giống, chăm sóc, phòng bệnh, vụ đầu cây giống chết hết, Y Linh trắng tay. Hai vụ tiếp theo cũng cây chết, cây không ra hoa, anh lỗ nặng.

“Ở địa phương cũng có nhiều nhà vườn trồng hoa cúc, nhưng chỉ có nhà Y Linh là làm bài bản, thu lợi nhuận cao. Y Linh rất cần cù, chịu khó, ham học hỏi, là tấm gương để thanh niên địa phương noi theo”.

Chị H’ Băn Êban - Phó Bí thư đoàn thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar

Liên tiếp 3 vụ thất bại, vốn liếng cạn dần, gia đình khuyên ngăn, Y Linh vẫn  không từ bỏ. Được Hội LHTN huyện Cư M’gar cho vay 20 triệu đồng lập nghiệp, anh lại đầu tư vào hoa. Lần này Y Linh khăn gói sang tận các nhà vườn ở Đà Lạt học kỹ thuật trồng hoa bài bản chứ không theo kinh nghiệm lạc hậu buôn làng. Nhờ vậy Y Linh vỡ ra nhiều điều: Hoa cúc cũng có nhiều loại, mỗi loại lại ưa một kiểu thời tiết khác nhau, nhiệt độ quá cao, quá lạnh cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây. Người trồng hoa phải nhạy cảm, tinh tế phát hiện mọi diễn biến khác thường sản sinh mầm bệnh, kịp thời xử trí nếu không cây sẽ chết hàng loạt.

  

Đầu năm 2013, Y Linh quay về buôn áp dụng kỹ thuật mới vào việc trồng hoa , từ vụ này trở đi anh liên tục thành công. Cầm nhành hoa cúc múp máp, vàng óng trên tay, Y Linh chia sẻ lý do anh “sống, chết” trồng bằng được loại cây này: Tiết kiệm diện tích đất, cho thu hoạch quanh năm, nhu cầu tiêu thụ hoa cúc trên địa bàn lớn. 

Chi phí đầu tư cây giống, phân bón, công chăm sóc,… hết khoảng 20 triệu đồng/sào. Giá bán 700 đồng/bông đối với hoa không bọc lưới, 1.500 - 1.700 đồng/bông có bọc lưới. Mỗi tháng vườn cúc cho thu 2 đợt, 1 đợt thu hơn 8 triệu đồng. Như vậy, với 3 sào cúc Y Linh thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.

Có vốn, Y Linh mua bò, thả cá, nuôi heo rừng theo mô hình VAC khép kín, tận dụng phế phẩm cây hoa làm thức ăn cho vật nuôi; phân thải bón cho đất tơi xốp, hoa phát triển tốt. Đàn heo rừng của anh hiện mới hơn chục con, nhưng cũng cho thấy sẽ có lợi nhuận đáng kể. 

Chia sẻ bí quyết thành công, Y Linh cười nói: Hành trình khởi nghiệp nói thì dễ nhưng xắn tay vào làm mới thấy gian nan vất vả. Chính tinh thần quyết tâm, kiên trì theo đuổi, tự rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại đã giúp mình có được thành quả. 

Bây giờ mình chỉ mong tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, để đầu tư hệ thống nhà lưới trồng hoa theo mô hình công nghệ cao, vừa tăng năng suất, rút ngắn thời gian thu hoạch, vừa tránh được rủi ro do thời tiết thay đổi thất thường. 


MỚI - NÓNG