Cử nhân về quê làm nông dân

 Nhóm Địa Long giành giải khuyến khích tại cuộc thi Khởi nghiệp từ nông nghiệp được tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Nhóm Địa Long giành giải khuyến khích tại cuộc thi Khởi nghiệp từ nông nghiệp được tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
TP - Nhóm cử nhân và sinh viên gồm 6 người, mỗi người một chuyên ngành nhưng chung một niềm đam mê: Khởi nghiệp từ nông nghiệp, xây dựng trang trại nuôi giun quế, chế biến thức ăn gia súc sạch và sản xuất thực phẩm an toàn.

Về quê nuôi giun

Đây là ý tưởng ấp ủ lâu năm của chàng trai trẻ tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh thương mại (trường ĐH Thương mại) Trần Ngọc Hồi, sinh năm 1990. Hồi sinh ra trong gia đình thuần nông.

Miền quê Thanh Tân, Kiến Xương (Thái Bình), nơi Hồi sinh ra là một trong ba địa phương có phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển. Vì thế, từ ngày đỗ đại học, Hồi ấp ủ ước mơ học để mang kiến thức về xây dựng quê hương.

Tốt nghiệp đại học, Hồi từng được mời về làm ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với thu nhập hấp dẫn ở Hà Nội. Nhưng rồi, tháng 8/2013, Hồi xin nghỉ việc, xách ba lô về quê Thái Bình mở trang trại nuôi giun quế trước sự ngỡ ngàng của bạn bè, hàng xóm.

Từ một cử nhân với tương lai lập nghiệp tươi sáng ở Thủ đô, Hồi về quê xắn quần chở đất, xây dựng chuồng trại nuôi giun quế, hót phân trâu, lợn về cho giun ăn. “Nhiều người ở quê bàn tán, bảo tôi dại. Bằng sự nỗ lực không ngừng, lứa giun đầu tiên thành công ngoài mong đợi, đạt 1,5 đến 1,8 kg giun/m2 (trong khi năng suất bình quân là 1,5 kg giun/m2)”, Hồi chia sẻ.

“Nhiều người ở quê bàn tán, bảo tôi dại. Bằng sự nỗ lực không ngừng, lứa giun đầu tiên thành công ngoài mong đợi, đạt 1,5 đến 1,8 kg giun/m2 (trong khi năng suất bình quân là 1,5 kg giun/m2)”.

Trần Ngọc Hồi

Hồi cho biết, để có được thành công bước đầu như bây giờ là do công sức của cả nhóm. Thời gian đầu mới xây dựng dự án, Hồi đi đến từng khoa của các trường đại học ở Hà Nội để tìm những người bạn cùng chí hướng.

“5 thành viên còn lại trong nhóm, mỗi người một chuyên ngành, trường học khác nhau nhưng họ đều là những người có thành tích học tập xuất sắc, năng động và đều có chung niềm đam mê khởi nghiệp từ nông nghiệp”, Hồi nói.

Đặng Hồng Vân Trang, sinh năm 1992, vừa tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khoa chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, chia sẻ: “Khi bắt tay vào thực hiện dự án, càng làm chúng tôi càng thấy hào hứng. Bởi chúng tôi có thể vận dụng các kiến thức được học vào dự án và sinh lợi nhuận.

Ở Việt Nam tiềm năng về nông nghiệp rất lớn, nếu chúng ta có niềm đam mê thực sự, chúng ta sẽ có cơ hội làm giàu từ những thứ gần gũi quanh ta”.

Là người được giao phụ trách mảng kỹ thuật chăn nuôi, Trang phải nỗ lực rất nhiều, vận dụng kiến thức đã được học, nhờ sự tư vấn của thầy cô trong trường và học thêm các mô hình khác.

Thành viên Vũ Hoàng Long, sinh năm 1989, từng du học ở Anh, chia sẻ, khi về nước ấp ủ ước mơ khởi nghiệp liên quan đến nông nghiệp nhưng chưa tìm được hướng đi cụ thể. Khi nhận được lời mời của Hồi, Long đồng ý ngay và là một trong thành viên tích cực của nhóm.

Và thực phẩm sạch

Tháng 1/2014, nhóm quyết định thành lập Cty TNHH Địa Long. Cty hoạt động theo mô hình sản xuất, chăn nuôi kết hợp giữa nuôi giun quế, sản xuất thức ăn gia súc sạch và thực phẩm sạch. Đây là mô hình hoàn toàn mới dựa trên nền tảng mô hình 4 liên kết trong chuỗi giá trị chăn nuôi và mô hình 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp.

Điểm nổi bật nhất của Địa Long là tạo nên một mô hình khép kín gồm 3 hạt nhân: Trại giun, xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi Địa Long và trang trại. Dự án có sự liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân với phương châm đôi bên cùng có lợi.

Điểm nổi bật nhất của Địa Long là tạo nên một mô hình khép kín gồm 3 hạt nhân: trại giun, xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi Địa Long và trang trại. Dự án có sự liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân với phương châm đôi bên cùng có lợi.

Hồi cho biết, nhóm đang triển khai xây dựng trại giun rộng 96 m2, với mái che bằng bạt chống nắng nẹp tre gia cố, cố định vào cột chịu lực, thành được xây bằng gạch cao 35 cm để chống thiên địch của giun như: cóc, chuột… Nền chuồng được làm khác biệt hoàn toàn với các trại giun khác, không dùng nền cứng mà thiết kế bằng một lớp cát xây dựng dày 10 cm, mặt tiếp xúc trên được phủ bằng một lớp lưới chắn với đường kính mắt lưới 4-5 mm.

“Với thiết kế như trên, trại giun chịu được yếu tố thời tiết khắc nghiệt, tạo điều kiện cho giun quế phát triển. Với những ưu điểm đó chúng tôi đang đặt mục tiêu tăng sản lượng giun, khoảng 2 kg giun/m2”, Hồi chia sẻ.

Giun khi được nuôi thành phẩm sẽ được Địa Long phơi, sấy khô, cùng với cám gạo tẻ, ngô, đỗ tương,.. chế biến thức ăn chăn nuôi. “Đây là loại thức ăn chăn nuôi có lượng dinh dưỡng cao, an toàn, không chất bảo quản, không chất hóa học”, trưởng nhóm Trần Ngọc Hồi cho biết. Song song với nuôi giun quế và sản xuất thức ăn chăn nuôi, Địa Long phát triển trang trại chăn nuôi gia súc, trước mắt là nuôi gà Đông Tảo.

“Thời gian tới chúng tôi nuôi thêm lợn, ếch, cá và chế biến thành thức ăn đóng gói. Tất cả vật nuôi này đều được nuôi bằng thức ăn chăn nuôi chế biến từ giun quế. Vì thế đây là nguồn thực phẩm sạch, không chất kích thích, tăng trọng, giàu chất dinh dưỡng. Mục tiêu của chúng tôi sẽ xây dựng Địa Long theo phương châm “Nông nghiệp xanh, sống an lành”, trưởng nhóm Trần Ngọc Hồi cho biết.

MỚI - NÓNG