Diễn đàn: Máu lạnh đến từ đâu?

Giáo dục phải khơi nguồn khuyến thiện

Vì sao bạo lực học đường ngày càng gia tăng?. Ảnh cắt từ clip vietbao.vn.
Vì sao bạo lực học đường ngày càng gia tăng?. Ảnh cắt từ clip vietbao.vn.
TP - Sau vụ thảm sát tại Bình Phước cùng những vụ việc tương tự xảy ra làm cho ai cũng bàng hoàng, đau xót. Nhiều câu hỏi được đặt ra, những biện pháp được đề xuất, những mong muốn gửi đến cho gia đình, nhà trường, xã hội.

Với nhà trường, trong những năm học qua đã có những chuyển biến trong dạy học và giáo dục. Thế nhưng, sứ mạng về một nhà trường vì học sinh, là điểm tựa của học sinh chưa được khẳng định và hành động một cách mạnh mẽ, hiệu quả.

Để góp phần thực hiện sứ mạng này của nhà trường, là cán bộ quản lý một trường THPT, tôi xin đề xuất bảy biện pháp:

1. Thiết kế nội quy nhà trường: Nội dung bao gồm những lời khuyên nhủ học sinh, mang tính giáo dục cao, khả thi. Bản nội quy là một bài học về ứng xử, trách nhiệm và yêu thương. Tránh dùng những từ “cấm”, “không được”, “nếu không thực hiện thì kỷ luật”... và thay bằng “hãy”, “nên”, “khuyên răn”... Nội dung của bản nội quy được trao đổi trong giờ chào cờ, lồng ghép trong dạy học và chú trọng tổ chức các hoạt động để học sinh trải nghiệm. Thực tế, có không ít nhà trường chỉ ban hành nội quy để treo ở nơi trang trọng, rồi quên hoặc nội quy nghiêm khắc quá, xơ cứng, thiếu tính nhân văn nên khó được thể hiện trong hành vi của học sinh.

2. Thật sự chăm lo cho học sinh: Không ít học sinh có hoàn cảnh khó khăn về tinh thần, vật chất nhưng đến trường các em lại không tin nên ngại chia sẻ với thầy cô. Còn thầy cô thì sao? Có giáo viên bộ môn dạy hết tiết rồi ra, giáo viên chủ nhiệm lên lớp nhìn sổ đầu bài rồi tùy tình hình mà khen hoặc chê một cách hết sức “công thức”. Ban giám hiệu, cán bộ đoàn của nhiều trường thực tế cũng chưa gần gũi học sinh thế nên rắc rối chuyện tình cảm bạn bè, nổi cộm những vấn đề trong gia đình, khó khăn về tài chính... học sinh thường “cam chịu”. Những việc này nếu tinh ý, thầy cô có thể nhận ra nhưng... rất tiếc không nhiều thầy cô nhận biết để cảm thông với học sinh. Trong khi đó, những mâu thuẫn trong học đường phần lớn là từ những khó khăn đó.

3. Giảm những nội dung dạy học khó, kiểm tra vừa sức: Dạy vừa sức, nhẹ nhàng, không căng thẳng, nặng nề kiểm tra, điểm số. Các em bị điểm kiểm tra kém cần tạo cơ hội cho các em được kiểm tra lại. Làm điều này thật ra không khó, vấn đề là ở thầy cô có chịu khó hay không? Chứ đừng đổ tại quy chế rồi những con điểm vô tình được vội vàng cập nhật đã gây nên không ít những mặc cảm, tự ti, buồn phiền trong học sinh. Phải làm sao trong giờ học, học sinh luôn tự tin, thoải mái chứ người dạy cứ nhồi nhét nào là dãy số, công thức, định nghĩa, khái niệm... nhưng tâm trí các em lại có vấn đề, thiếu tập trung thì có la mắng cũng chỉ làm các em ù lì thêm. Là những kỹ sư tâm hồn chúng ta chọn biện pháp nào? Đồng lương có ít ỏi nhưng giàu tình yêu thương học sinh, tại sao không?

4. Tăng cường tổ chức các hoạt động thiện nguyện, vui chơi, giải trí: Các em cần được phát triển năng lực, tình cảm, hành vi, cư xử,... do vậy tổ chức các hoạt động này là hết sức cần thiết, giúp các em trải nghiệm trong thực tế để rèn luyện. Việc hướng dẫn để các em hiểu và có thói quen thực hiện những nội dung giáo dục kỹ năng sống là khâu yếu nhất hiện nay. Nhất là trong bối cảnh, nhà trường phổ thông lúng túng, đối phó, bị cuốn hút vào dạy – học – thi – vì thành tích nên việc dạy người chưa được sâu sắc là vì thế, thậm chí là mờ nhạt!

5. Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp: Trong một năm học, ở trường phổ thông tổ chức khá nhiều hoạt động nhưng tính giáo dục chưa cao, học sinh tham gia chủ yếu là chơi đùa với bạn bè hoặc do bị ép buộc từ nhà trường chứ những hoạt động này dường như không quan tâm đến sự phù hợp và sự khác biệt của mỗi học sinh. Đáp ứng được những nhu cầu và nhu cầu riêng của từng học sinh là điều mà các trường phổ thông chưa làm thường xuyên hoặc tránh né vì nhiều lý do.

6. Triển khai hoạt động cố vấn: Trong nhà trường cần có đội ngũ giáo viên kinh nghiệm, tận tâm làm nhiệm vụ cố vấn học tập, giải quyết những tình huống mà học sinh đang phải đối mặt. Hướng dẫn học sinh học như thế nào? Việc ghi chép, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo ra sao? Nếu làm tốt điều này sẽ hạn chế được nhiều việc dạy thêm – học thêm. Rồi những tình huống học sinh gặp phải làm sao để giúp các em có niềm tin và mạnh dạn hỏi ý kiến thầy cô để được hỗ trợ. Giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm cần bố trí để gặp riêng học sinh, nhà trường cần có quy định này và mỗi giáo viên công khai kế hoạch cố vấn cho học sinh, giáo viên có mặt tại địa điểm tiếp học sinh hoặc chia sẻ trên email – facebook. Cần quy định thời gian tư vấn cho một học sinh là bao nhiêu phút, điều này cũng sẽ giúp học sinh biết sắp xếp để trình bày vấn đề mình cần được cố vấn một cách ngắn gọn, xúc tích.

7. Nhà trường cần tạo môi trường vui vẻ, thân thiết, sạch – đẹp: Vui vẻ để học sinh thoải mái học tập, thân thiết để học sinh tự tin, sẵn sàng chia sẻ với thầy cô và bạn bè, sạch – đẹp để góp phần giảm đi những áp lực căng thẳng, phát triển ở học sinh tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường, sống lành mạnh, làm chủ cảm xúc.

Dạy người là sự đầu tư của gia đình, nhà trường, xã hội, thế nhưng vai trò nhà trường có tầm quan trọng đặc biệt. Vì vậy nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch, kiên trì tổ chức, chủ động phối hợp, đầu tư cả về thời gian – trí tuệ và kinh phí cho hoạt động dạy người và cần làm ngay từ năm học 2015 – 2016. Góp phần tạo dựng một thế hệ trẻ năng động, có ước mơ, hướng thiện phải là mục tiêu hàng đầu của nhà trường phổ thông hiện nay.

“Máu lạnh đến từ đâu?”

Diễn đàn nhằm phân tích các hiện tượng và căn nguyên của các vụ trọng án đau lòng do những người trẻ tuổi gây ra, như vụ thảm sát Bình Phước; đưa ra các giải pháp ngăn ngừa, khắc phục. Rất mong được bạn đọc góp ý kiến tham gia. Bài gửi về Ban Thanh Niên báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội hoặc email: maulanhdentudau@gmail.com. Trân trọng cảm ơn.

Tiền Phong

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.