Diễn đàn: Máu lạnh đến từ đâu

Khuyến thiện, trừng ác

Nữ sinh đánh nhau ở tỉnh Phú Thọ.
Nữ sinh đánh nhau ở tỉnh Phú Thọ.
TP - “Phần lớn họ đều trong độ tuổi thanh niên, là người lao động bình thường, chưa từng có tiền án, tiền sự nhưng phạm tội ác dã man. Đặc biệt, tất cả những kẻ gây tội ác, chủ mưu đều quyết tâm thực hiện đến cùng hành vi phạm tội”, GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết.

Thưa GS, qua thảm án gây chấn động dư luận ở Bình Phước, cùng với nhiều vụ án gây chấn động dư luận gần đây chủ yếu do tội phạm trẻ gây nên, ở khía cạnh chuyên gia xã hội, ông nhận định gì về thực trạng này?

Vụ thảm án ở Bình Phước vừa rồi là vụ điển hình gây chấn động dư luận. Những năm gần đây, số vụ giết người xảy ra không có dấu hiệu suy giảm. Chúng ta đã từng biết đến vụ giết người yêu dã man của Nguyễn Đức Nghĩa, Vũ Thị Kim Anh, vụ án cướp của, giết người do Lê Văn Luyện gây nên, rồi vụ Trần Văn Điểm sát hại liên tục 4 người trong một thời gian ngắn để cướp tài sản...

Điểm giống nhau ở những vụ thảm án là những phần tử thủ ác đều trong độ tuổi thanh niên, là người lao động bình thường, chưa từng có tiền án, tiền sự.

“Trong nghiên cứu về thanh niên, chúng tôi đã cảnh báo về tình trạng lây lan của một số lối sống tiêu cực trong thanh niên, như: hành xử hung bạo, bất chấp pháp luật, vô cảm, thực dụng và ích kỷ. Rất mong qua vụ việc này, dư luận lên án nghiêm khắc hơn nữa cái ác. Và xã hội, gia đình, nhà trường có những giải pháp kiên quyết hơn, hiệu quả hơn để giáo dục thanh niên hướng thiện”.

GS.TS Phạm Hồng Tung

Đặc biệt, tất cả những kẻ gây tội ác đều quyết tâm thực hiện đến cùng hành vi phạm tội. Điều đó chứng tỏ những kẻ nói trên… đã không hề run sợ, ngần ngại khi phạm tội ác, giết người, cướp của. Đây thực sự là điều không bình thường trong nhân cách của những cá thể này. Nhưng hãy quan sát xem. Không ít người, bao gồm cả thanh niên và người lớn tuổi, cũng không hề mảy may ngần ngại khi vượt đèn đỏ, xả rác, hay làm những điều xấu khác như đòi hối lộ, vu oan giá họa, hãm hại nhau vì lợi ích vị kỷ! Rồi hàng chục vụ ném đá xe khách, lấy việc hại được người khác làm trò vui, hàng trăm vụ học sinh đánh nhau trước sự chứng kiến vô cảm của bạn học... Có cái gì đó đang bất ổn trong nhân tâm của xã hội? Đây thực sự là những cảnh báo rất nghiêm trọng đối với xã hội ta nói chung.

Gạt ra một bên hoàn cảnh cụ thể đã dẫn Hải Dương, Luyện, Điểm, Đức Nghĩa đến hành vi phạm tội man rợ đó (do hận thù tình, tiền, chơi game mắc nợ…) chúng ta phải ý thức sâu sắc vấn đề sau:

Trong mỗi con người đều tồn tại sẵn cả cái thiện và cái ác. Hai mặt đó luôn đấu tranh gay gắt với nhau và cùng tham gia điều chỉnh các hành vi của con người hằng ngày. Nền tảng nhân cách xã hội và nhân cách cá nhân sẽ khiến cho cái ác bị kìm chế, bị trấn áp, cái thiện được khuyến khích, được nuôi dưỡng và thôi thúc, khiến cho con người tránh xa cái ác, hướng tới cái thiện và kết quả là làm việc tốt.

Nhưng nếu cái ác không bị kìm chế và trấn áp, cái thiện không được khuyến khích thì bất cứ khi nào, bất cứ ai cũng có thể bị cái ác khống chế và dẫn đến làm việc xấu, phạm tội. Việc này bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, hằng ngày, như vứt rác ra xung quanh, quay cóp bài khi đi học, đua đòi, ăn chơi hay nuôi dưỡng những tham vọng bất chính. Vì vậy, muốn khuyến thiện phải trừng ác, muốn trừng ác thì phải khuyến thiện trong giáo dục nhân cách con người, từng ngày, từng giờ, ở tất cả các môi trường.

Khuyến thiện, trừng ác ảnh 1

GS.TS Phạm Hồng Tung.

Còn nương tay với cái ác

Thưa GS, thật khó lý giải khi điều kiện cuộc sống được nâng lên, giáo dục phát triển hơn, giới trẻ được đáp ứng nhiều hơn về đời sống vật chất, tinh thần, về lý thuyết đáng lẽ phải cư xử văn minh hơn thì lại diễn biến ngược với những vụ án giết người mất hết nhân tính?

Không chỉ riêng Việt Nam trải qua thực trạng này mà ở nhiều nước văn minh, hiện đại hơn cũng đã và đang xảy ra những điều tương tự và hầu như những vụ thảm sát do tội phạm tuổi thanh niên gây ra không có xu hướng giảm.

Rõ ràng trong môi trường xã hội có cái gì đó đang bất ổn. Ở đó, cái ác chưa bị dư luận lên án nghiêm khắc và đủ mạnh mẽ. Tôi còn nhớ khi xử Lê Văn Luyện còn có những thanh niên hò hét, cổ vũ tên này. Sau đó trên mạng còn có những kẻ lập nhóm “hâm mộ” Lê Văn Luyện! Kẻ đua xe trái phép cũng có fan cổ vũ.

Pháp luật trừng trị cái ác cũng chưa đủ mạnh. Ở Đức chẳng hạn, người ta có thể phê bình nhau, nhưng hễ động chân, động tay đánh nhau thì bị xử phạt rất nặng. Người ứng xử thô bạo, tấn công người khác phải bồi thường một khoản tiền gọi là “tiền đau đớn” (Schmerzengeld) rất cao. Còn ở ta, chỉ khi nào gây thương tích, làm tổn hại cho người bị hại từ 11% sức khỏe thì mới có thể bị truy tố, xử phạt! Điều này góp phần làm cho trong ứng xử, người ta, nhất là thanh niên, thiếu tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình, dễ có xu hướng sử dụng bạo lực, nắm đấm, để giải quyết xung đột.

Môi trường đó khiến cho nhiều thanh niên không biết kìm chế, vì một cái nhìn “đểu” cũng có thể đánh nhau, thậm chí giết người. Theo tôi, cần phải cải thiện nhanh môi trường ý thức pháp quyền trong xã hội ta, trước hết là phải rà soát, sửa đổi lại Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp của nghi can Hải Dương gây vụ thảm sát ở Bình Phước đã có sự lệch lạc nhân cách diễn ra âm thầm trước đó. Đến khi Dương phải đối mặt với những thất bại lớn thì đã không đủ nội lực cũng như không được hỗ trợ để vượt qua. Kết quả là từ chỗ thất vọng, thất tình đã đi đến thù hận và gây ra tội ác.

Nên chặn “cẩm nang tội ác”

Vậy theo GS, có giải pháp nào để phòng tránh những vụ thảm sát tương tự như ở Bình Phước?

Trước hết cần phải có những nghiên cứu khoa học liên ngành nghiêm túc, quy tụ các chuyên gia đầu ngành nhằm mổ xẻ cặn kẽ nguyên nhân, diễn biến, cơ chế tạo nên những khủng hoảng nhân cách cá nhân và nhân cách xã hội của các nhóm xã hội cụ thể, nhất là thanh niên. Trên cơ sở đó, các nghiên cứu này sẽ đưa ra những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các tội phạm và tệ nạn xã hội. Đã từng có nhiều nghiên cứu theo hướng này, nhưng một phần do chất lượng các nghiên cứu không cao, một phần chưa có cơ chế để ứng dụng kết quả nghiên cứu nên xã hội ta hiện nay chưa có được những phương tiện hữu hiệu để ngăn ngừa, phòng chống các loại tệ nạn và tội phạm.

Thứ hai, theo tôi, cần có sự phối hợp đồng bộ trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh ngoài xã hội, trong nhà trường và từng gia đình. Đặc biệt các cơ quan nhà nước phải rà soát lại các dịch vụ kinh doanh trò chơi trực tuyến độc hại; các bộ phim bạo lực phát sóng rộng rãi trên truyền hình.

Hiện đang tràn ngập các phim Mỹ, phim Trung Quốc, phim Hàn Quốc được chiếu trên truyền hình có những nội dung kích động bạo lực, trả thù rửa hận, mưu hại lẫn nhau bằng nhiều thủ đoạn. Đây là cái phải chấm dứt ngay, vì nó như những “cẩm nang” dạy cách gây tội ác với giới trẻ vốn chưa có đủ “kháng thể xã hội” trong con người họ.

Về công tác tuyên truyền, cần có chiến dịch truyền thông phi bạo lực bao gồm những nhà quản lý, nhà báo có lương tâm, trình độ dẫn dắt và định hướng dư luận, giới trẻ hướng thiện, hiểu biết pháp luật, kiểm soát hành vi, sống hướng thiện. Tôi rất hoan nghênh lãnh đạo Bộ TT&TT vừa rồi đã kịp thời lên tiếng để định hướng báo chí về cách đưa tin vụ thảm án ở Bình Phước. Mỗi gia đình, mỗi tổ dân phố, xóm làng, nhà trường, công sở và doanh nghiệp đều nên chung tay tham gia vào cuộc vận động lớn để chúng ta có được môi trường xã hội pháp quyền, nhân ái, phi bạo lực.

Cảm ơn ông.

Đào Thị Bính, SV ĐH Luật (ĐH Huế): Tránh xa game bạo lực

Khuyến thiện, trừng ác ảnh 2
Hiện nhiều bạn trẻ sống trong thế giới ảo, các trò chơi game online đầy bạo lực là một trong những nguyên nhân dẫn sát thủ “máu lạnh”. Sự phát triển nhanh chóng của game online có nội dung bạo lực đang là mối lo lớn, trong khi chưa có sự kiểm soát nghiêm ngặt của cơ quan chức năng. Bạn trẻ hóa thân vào các nhân vật ảo trong game, sẽ tha hồ chém, giết. Khi còn nhỏ, tôi thấy đánh nhau là đã khóc thét lên, thấy máu là sợ. Với nhiều bạn trẻ ngày nay, mỗi khi thấy đánh nhau, lại dửng dưng, vô cảm, xem là chuyện thường kiểu như trong thế giới ảo. 

Bùi Yến Anh, SV ĐH KHXH&NV: Cần sự sẻ chia và cảm thông từ gia đình
Khuyến thiện, trừng ác ảnh 3
Mình cảm thấy hoang mang, lo sợ trước những vụ thảm sát man rợ. Nhiều thanh niên đang chọn hướng đi tiêu cực để giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Chém, giết hoặc gây thương tích vĩnh viễn (như tạt axít) cho người làm tổn thương mình (bị người yêu bỏ, gia đình ngăn cấm...) đang khá phổ biến. Mình nghĩ, người trẻ bây giờ dễ bức xúc, dễ đi đến các hành vi phạm tội dù cố tình hay vô tình. Mình cho rằng, đối với các bạn trẻ, cần thiết nhất là phải có sự chia sẻ, động viên của các thành viên trong gia đình khi họ không may gặp các cú sốc tâm lý. 

Đoàn Minh Vương, SV ĐH KHXH&NV Hà Nội: Không nên yêu mù quáng
Khuyến thiện, trừng ác ảnh 4
Mình phản đối kiểu tình yêu mù quáng, ích kỷ dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng. Như vụ án ở Bình Phước là hậu quả của tình yêu mù quáng. Nếu là tình yêu đích thực, không vụ lợi, hướng tới hôn nhân, chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra việc thảm sát như thế. Trường hợp, có bị người yêu chia tay đi chăng nữa, nếu cần hãy buông tay đúng lúc, không nên biến tình yêu thành hận thù rồi để bản thân trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. 

Quang lộc (ghi)

“Máu lạnh đến từ đâu?”

Diễn đàn nhằm phân tích các hiện tượng và căn nguyên của các vụ trọng án đau lòng do những người trẻ tuổi gây ra, như vụ thảm sát Bình Phước; đưa ra các giải pháp ngăn ngừa, khắc phục. Rất mong được bạn đọc góp ý kiến tham gia. Bài gửi về Ban Thanh Niên báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội hoặc email: maulanhdentudau@gmail.com. Trân trọng cảm ơn.

Tiền Phong

MỚI - NÓNG