Lo mắc đủ thứ bệnh khi cho trẻ đi bơi

Theo các bác sỹ, đi bơi ở bể vào mùa hè tiềm ẩn nguy cơ mắc phải một số bệnh ngoài da, tai, mũi, họng, mắt, tiêu chảy... Ảnh: Quang Lộc.
Theo các bác sỹ, đi bơi ở bể vào mùa hè tiềm ẩn nguy cơ mắc phải một số bệnh ngoài da, tai, mũi, họng, mắt, tiêu chảy... Ảnh: Quang Lộc.
TP - Vào hè, hầu hết các bể bơi tại Hà Nội đều đông nghịt người. Do cung không đủ cầu nên việc tìm một chỗ cho trẻ học bơi rất vất vả. Trong khi đó, các chuyên gia cho biết, trẻ em dễ mắc các bệnh lây nhiễm do chất lượng bể bơi không đảm bảo.

Bể bơi kín như nêm

Chị Trần Hà Trang, nhân viên một ngân hàng tại Hà Nội cho biết, ngay từ đầu hè, con háo hức đi bơi. Chiều cuối tuần, hai mẹ con đến một bể bơi ở quận Cầu Giấy. Bể chừng 50 mét vuông mà ước có cả trăm người tắm. “Vùng vẫy một tí đã khó chứ đừng nói đến quẫy tay, đạp chân. Chưa kể, phòng thay đồ tối tăm, bẩn thỉu. Sau lần đó, hai mẹ con ngại không đi bơi nữa”, chị Trang nói.

Chị Nguyễn Hà Thanh ở quận Hà Đông có con 4 tuổi chia sẻ, gia đình muốn cho bé học bơi sớm. Với mục tiêu tìm bể sạch, ít người, những ngày đầu hè, chị Thanh mò mẫm đi nhiều nơi khảo sát tìm thầy, tìm lớp nhưng bất lực. Theo chị Thanh, mới đầu hè nhưng bể bơi nào cũng kín người. “Một mét vuông có vài ba đứa trẻ chen chúc, đi bơi nhưng thực ra chỉ để nhúng nước nên chắc chắn nước sẽ rất bẩn”, chị Thanh nói.

Tại Hà Nội có nhiều bể bơi lớn nhỏ. Bể bơi bình dân giá từ 30 nghìn đến 60 nghìn đồng/người, như: Bể bơi Thủy Lợi - ĐH Thủy Lợi; bể bơi Đống Đa ở số 5 Thái Hà; bể bơi Phương Anh ở Xa La - Hà Đông; bể bơi Bốn Mùa ở Đặng Tiến Đông; bể bơi Quan Hoa - Cầu Giấy; bể bơi Bách Khoa; bể bơi Tuổi trẻ- phố Thanh Nhàn…Vì giá khá mềm nên hầu hết những bể bơi này đều rất đông người mỗi chiều. Có nhiều bể bơi diện tích nhỏ 50-100m2 nhưng có đến hàng trăm người bơi.

Ngoài ra, tại Hà Nội, còn có một hệ thống bể bơi chất lượng cao hơn tại các khách sạn, bể bơi ở Tăng Bạt Hổ, Phạm Ngũ Lão, bể bơi Sao Mai (quận Tây Hồ), Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình... Những bể bơi này có giá từ 80 nghìn đến 150 nghìn đồng/lượt. Theo nhiều phụ huynh, giá vé mỗi lần vào bể quá cao, cộng với chi phí 1 khóa học bơi (từ 1,5 triệu – 2 triệu đồng) là quá sức của họ. Trong khi đó, bể bơi bình dân đông, chật không phù hợp cho trẻ học bơi.

Hiện, tại Hà Nội, các bậc phụ huynh đang có trào lưu cho con tham gia các khóa học “bơi sinh tồn” (chủ yếu dành cho trẻ dưới 4 tuổi). Tại các trung tâm dạy bơi trẻ em, các khóa học bơi dành cho các bé rất đắt khách. Các khóa mở ra liên tục vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, danh sách chờ luôn đầy ắp. Dù nhu cầu lớn, nhưng không phải trung tâm hay bể bơi nào cũng sẵn sàng mở lớp dạy bơi cho đối tượng học viên nhí vì lý do an toàn và thiếu giáo án dạy bơi đúng chuẩn.

Anh Trần Đình Dương, quản lý trung tâm dạy bơi cho trẻ em tại quận Thanh Xuân cho biết, dù mới đầu hè nhưng bể bơi của trung tâm đã quá tải. Đặc biệt là các lớp dạy bơi sinh tồn cho các bé không thể nhận thêm bởi đăng ký quá đông.

Nguy cơ mắc đủ thứ bệnh

Ngồi trên bờ xem các thầy cô giáo dạy bơi cho con ở Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình, chị Hoàng Thị Hương, quận Hà Đông cho biết, đọc báo thấy nhiều trường hợp đuối nước nên gia đình cho con đi học, phòng khi rủi ro. Cho cháu đến các bể tập bơi nhưng mình không yên tâm khi thấy những người đi bơi không tuân thủ các biện pháp làm sạch như tắm gội trước khi xuống bể... “Để ý còn thấy có người xuống bơi có những người đang bị mắc các bệnh ngoài da. Chưa kể nhiều người bơi vô ý thức khạc nhổ, tiểu tiện ra bể”, chị Hương nói.

Theo chị Hương, trước đây, gia đình cho con đi học bơi ở một bể gần nhà ở Hà Đông, nhưng khi xuống nước chừng 10 phút, thấy mặt rát, hai lỗ mũi nóng bừng như sắp hắt hơi. “Tôi thắc mắc, bảo vệ bể cho biết đang bỏ phèn, vẫn đang lọc tuần hoàn nước. Nghe xong mình sợ không dám cho con đến bơi nữa”, chị Hương nói.

Anh Hoàng Quốc Việt, ở quận Thanh Xuân cho con trai đang học lớp 1 đi bơi ở một bể trên đường Chiến Thắng. Theo anh Việt, bơi là môn thể thao tốt để con phát triển nhưng nhiều bể bơi ở Hà Nội do mật độ người đông nên điều anh lo nhất là chất lượng nước không đảm bảo. “Mùa hè năm trước, cho con đi học bơi về thấy con mắt bị rát. Sau đó cháu bị đau mắt đỏ rồi lây cho cả nhà. Về sau mới biết trong lớp học bơi có một bạn bị đau mắt đỏ nhưng thầy, cô giáo dạy bơi không biết”, anh Việt nói.

“Việc đi bơi ở bể vào mùa hè tiềm ẩn nguy cơ mắc phải một số bệnh ngoài da. Nguyên nhân, do một lượng người quá lớn xuống bơi chung nên thể tích nước không đủ để đảm bảo sạch. Lượng nước lớn, lưu thông chậm, lại luôn có ánh nắng chiếu vào làm nước ấm lên nên là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng sinh sôi nảy nở, gây bệnh. Một số hóa chất sát khuẩn cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng, gây viêm da cho người đi bơi, nhất là trẻ em”. 

Bác sĩ Nguyễn Minh Quang,  Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội

Trao đổi với PV Tiền Phong, một bác sỹ chuyên về da liễu (Bệnh viện Da liễu T.Ư) cho biết, trong quá trình khám bệnh, đã điều trị cho nhiều người, nhất là trẻ em bị bệnh ngoài da do đi bơi ở các bể bơi công cộng. Do bể bơi (nhất là bể ngoài trời) được coi là một trong những địa điểm dễ bị ô nhiễm khi thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, dễ bị nhiễm khuẩn bởi bụi bẩn, các loại vi trùng, tảo bao bào tử trong nước mưa, phân chim…

Ngoài ra, nguồn thải ô nhiễm ra bể bơi còn bao gồm các vi sinh vật, lượng dầu bài tiết trên cơ thể người đi bơi như mồ hôi, mỹ phẩm, kem chống nắng, nước tiểu, nước bọt… 

“Bể bơi bắt buộc phải dùng nhiều loại hóa chất khác nhau để xử lý nguồn nước, nhưng vì quá tải nên dùng quá mức cho phép, khiến người bơi dễ mắc các bệnh da, tai, mũi, họng, mắt… Đó là chưa kể đến việc nguồn gốc xuất xứ của các loại bể bơi trên. Nếu chủ bể bơi vì ham rẻ mà dùng các loại hóa chất của Trung Quốc không đảm bảo quy định càng nguy hiểm gấp bội”, bác sỹ này cho biết.

Theo bác sỹ Viện Da liễu T.Ư, khi đi bơi nếu bể bơi có mùi Clo gây sốc đặc trưng, cảm thấy khó chịu khi ngửi thì có nghĩa là nước trong bể đã không được xử lý tốt. Màu nước trong tự nhiên, nhìn thấy rõ đáy bể, có màu xanh vừa phải, không có vẩn đục hay vật thể lạ. Nếu bể có màu xanh bất thường (khác với màu trời) thì cần chú ý. Nếu số lượng người quá đông, máy lọc nước tại bể sẽ không thể lọc kịp để loại bỏ các độc tố.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, việc đi bơi ở bể bơi vào mùa hè tiềm ẩn nguy cơ mắc phải một số bệnh ngoài da. Nguyên nhân, do một lượng người quá lớn xuống bơi chung nên thể tích nước không đủ để đảm bảo sạch. Lượng nước lớn, lưu thông chậm, lại luôn có ánh nắng chiếu vào làm nước ấm lên nên là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng sinh sôi nảy nở, gây bệnh. Một số hóa chất sát khuẩn cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng, gây viêm da cho người đi bơi, nhất là trẻ em. Vi khuẩn trong nước cũng dễ dàng xâm nhập cơ thể qua các vết thương nhỏ có sẵn trên da và gây viêm da ở người đi bơi. Ngoài ra, người đi bơi cũng đối mặt với một số bệnh do nấm: như hắc lào, nấm móng, nấm kẽ chân, nấm tóc…

Theo bác sĩ Quang, trong nước bể bơi luôn có một số hóa chất như các hợp chất có chứa Clo dùng để sát khuẩn có thể gây dị ứng, viêm da, sạm da đối với những người nhạy cảm đặc biệt là trẻ em. Các bể bơi cũng nên đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thay nước thường xuyên, không nên lạm dụng hóa chất sát khuẩn nước, cung cấp đầy đủ nước tắm, xà phòng… cho người bơi tắm rửa sạch sẽ trước và sau khi bơi”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.