Diễn đàn 'Sát nhân giấu mặt'

Mâu thuẫn trên mạng, đại náo phố đi bộ

Phố đi bộ Nguyễn Huệ là nơi hai cô gái hẹn nhau “tỉ thí”. Ảnh: Việt Văn.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ là nơi hai cô gái hẹn nhau “tỉ thí”. Ảnh: Việt Văn.
TP - LTS: Gần đây, xảy ra nhiều vụ ẩu đả, thậm chí là vụ án chết người chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội. Tiền Phong mở diễn đàn “Sát nhân giấu mặt” nhằm góp phần làm rõ vấn nạn thế giới ảo đang tác động tiêu cực đến giới trẻ, rút ra bài học và các giải pháp cần thiết.

Một cuộc “đại chiến” trên facebook khi cả hai cô gái chê nhau có gương mặt xấu xí. Vụ việc càng nóng hơn khi họ hẹn nhau “tỉ thí” ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) hiện đại nhất Việt Nam, thu hút cả nghìn người hiếu kì kéo đến xem, gây náo loạn đường phố.

“Đại chiến” vì chê nhau xấu xí

Hai nhân vật chính trong vụ việc là Đoàn Thanh Thúy V. (SN 1997, ngụ quận Tân Phú) và Võ Huỳnh Thanh V. (SN 1997, ngụ Bình Dương).

Cuộc chiến trên mạng bắt đầu với những lời lẽ xúc phạm. Trên tài khoản facebook của Thúy V. đăng tải những dòng nhận xét về Thanh V. có gương mặt vuông (xấu xí). Ngay lập tức, Thanh V. đáp trả bằng một loạt clip với những nội dung: “…Mặt vuông mặt tròn thì sao, cũng là con người. Người ta xấu biết phấn đấu còn mấy bạn đã đẹp mà làm mình xấu mới nhục…”.

Trước những lời lẽ đả kích nhau qua từng đoạn clip trên facebook, Thúy V. đáp trả lại bằng một đoạn clip với nội dung: “Mình đăng status hotgirl mặt vuông thì có người nhột rồi bảo mình rảnh đi soi mói họ. Mình đâu ở không mà chửi. Mày hẹn tao hôm nay 19h ở phố đi bộ thì nên ra chứ đừng anh hùng trên clip. Không ra thì kì lắm…”.

Thông tin hai hotgirl cãi vã và hẹn nhau “quyết chiến” được nhiều người chú ý. Đúng hẹn, khoảng 19h30 tối 3/8, hai cô gái cùng một số bạn bè đến phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Trước khi gặp nhau, cả hai đã có thời gian để tập hợp lực lượng. Rất nhiều người đã kéo đến để xem, khiến phố đi bộ hỗn loạn. Một số tuyến đường dẫn đến phố đi bộ Nguyễn Huệ bị ùn ứ cục bộ. Sự việc càng nóng hơn khi đám đông kéo nhau đi tìm vị trí hai cô gái hẹn “tỉ thí”.

Mặc dù hai nhân vật chính chưa gặp nhau để “tỉ thí”, nhưng đám đông bạn bè của họ đã lớn tiếng la ó, chửi bới, hò hét. Lực lượng chức năng đã phải vào cuộc để ổn định tình hình. Lần lượt hai nhân vật chính được công an mời về phường làm việc cùng với gần 15 người khác có liên quan.

Phạt có đủ sức răn đe?

Thượng tá Nguyễn Nhật Thành, Phó trưởng Công an quận 1 (TPHCM) cho biết, Đoàn Thanh Thúy V. và Võ Huỳnh Thanh V. bị phạt hành chính 750 nghìn đồng/người cùng với 3 người khác cũng bị phạt về hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng. Công an cũng xử phạt hành chính 150 nghìn đồng/người với 10 người khác về việc không mang theo giấy tờ tùy thân. Sau khi xử phạt hành chính, công an cũng gửi thông báo về địa phương để răn đe, giáo dục.

“Thời đại công nghệ, không thể phủ nhận những mặt tích cực của mạng xã hội mang lại cho chúng ta. Tuy nhiên, hiện các bạn trẻ lạm dụng nhiều quá. Trong khi đó, việc nhận thức về giá trị bản thân cũng như phương pháp, cách thức sử dụng mạng xã hội phục vụ cho cuộc sống chưa hợp lý. Do đó, cần sử dụng mạng xã hội một cách thông minh và có văn hóa”.

TS Nguyễn Hồng Phan

Tuy nhiên, theo TS tâm lý Nguyễn Hồng Phan, Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục Trường ĐH KHXH&NV TPHCM) liệu xử phạt xong, những bạn trẻ này sẽ thôi tái phạm.

Theo TS Phan, vấn đề nằm ở chỗ, giới trẻ hiện đang bị lỗ hổng lớn từ hệ thống giáo dục, từ gia đình, nhà trường và xã hội. Nhiều bậc phụ huynh không hướng dẫn, kiểm soát con em sử dụng công cụ mạng một cách hợp lý và khoa học. Trong nhà trường, chỉ chú trọng dạy chữ nhiều hơn dạy người, dạy học sinh kỹ năng sống.

Theo TS Phan hiện giới trẻ đang sống và dành nhiều thời gian cho thế giới ảo mà quên rằng, cuộc sống của họ còn nhiều chuỗi hoạt động khác để làm. Đó là hệ quả từ lỗ hổng trong hệ thống giáo dục ở nước ta. Lỗ hổng ở đây là một số bạn trẻ chưa nhận thức được giá trị sống, giá trị của bản thân hướng đến là gì, dẫn đến sử dụng các công cụ mạng xã hội không đúng cách nên có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa trên mạng xã hội.

Từ việc dễ dãi trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ cho rằng có thể nói bất cứ điều gì cũng không ảnh hưởng đến mình. Các bạn tự do thể hiện cái tôi trên đó, tự do thể hiện thái độ của mình và tất nhiên sẽ đụng chạm đến những người khác trên mạng. Khi mâu thuẫn không thể giải quyết được trên thế giới ảo, họ kéo nhau ra ngoài đời thực để giải quyết và nhiều vụ việc để lại hậu quả đáng tiếc.

Theo TS Phan, các bạn trẻ cần phải biết cách sử dụng mạng xã hội làm công cụ phục vụ nhu cầu cuộc sống một cách thông minh và có văn hóa. Không phải là nơi để phục vụ cái tôi, là nơi để phục vụ thái độ thiếu văn hóa. “Sử dụng mạng xã hội cũng cần phải có văn hóa của nó, như thế các bạn trẻ sẽ hạn chế những vụ việc đáng tiếc xảy ra”, ông Phan nói.

Diễn đàn rất mong được bạn đọc góp ý kiến tham gia. Bài gửi về Ban Thanh Niên báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội hoặc email: banthanhnientienphong@gmail.com. Trân trọng cảm ơn!

MỚI - NÓNG