Người tiên phong

TS Hải (thứ 2 từ trái sang) và các bác sĩ nội trú A9 BV Bạch Mai.
TS Hải (thứ 2 từ trái sang) và các bác sĩ nội trú A9 BV Bạch Mai.
TP - Trầm tính, kiệm lời nhưng dám nghĩ, dám làm là những gì người ta có thể cảm nhận được khi trò chuyện với TS.Bác sĩ nội trú Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực (BV Đại học Y Hà Nội). Anh là một trong những người đầu tiên của giới y khoa VN nghiên cứu bài bản về bệnh tắc động mạch phổi, nhờ đó đã có rất nhiều bệnh nhân được cứu sống, nhiều bác sĩ biết đến bệnh này rõ ràng hơn.

TS Hoàng Bùi Hải nhớ lại duyên phận đưa mình đến với những tháng ngày gắn bó, đam mê nghiên cứu tìm cách phát hiện và điều trị bệnh Tắc động mạch phổi (TĐMP): “Khi đang là bác sĩ nội trú năm thứ 2 chuyên ngành Hồi sức Cấp cứu (Đại học Y Hà Nội), tại khoa Cấp cứu A9 - BV Bạch Mai tôi trúng tuyển đi học bác sĩ nội trú tại BV châu Âu Georges Pompidou, Paris, CH Pháp. Tại đây, tôi được chứng kiến và tham gia cùng các đồng nghiệp chẩn đoán và xử trí căn bệnh TĐMP một cách thường quy, trong khi đó tại VN, vấn đề này còn được biết một cách rất mơ hồ. TĐMP là một cấp cứu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Vì thế tôi thấy cần phải nghiên cứu tìm tòi về căn bệnh nguy hiểm này”.

Nghĩ là làm, Hải viết thư về xin phép các thầy tại Việt Nam cho mình được làm luận văn về TĐMP. Về nước, anh bắt tay vào làm đề tài tốt nghiệp bác sĩ nội trú về chẩn đoán TĐMP cấp. Lúc đó BV Bạch Mai đã có những trang thiết bị hiện đại như máy chụp cắt lớp vi tính 64 dãy nên thuận lợi hơn cho việc phát hiện bệnh. Thời gian làm luận văn là những ngày lăn lộn, đến từng khoa trong BV để trao đổi với đồng nghiệp về những biểu hiện của TĐMP, với hy vọng dần dần mọi người sẽ để ý và biết đến căn bệnh nguy hiểm này. Không ít lần anh nhận được lời cảnh báo của đồng nghiệp cho rằng anh đang làm cái việc khác người vì làm gì có căn bệnh đó. Chính những suy nghĩ của đồng nghiệp như vậy càng thúc ép anh phải bằng mọi cách để các bác sĩ biết về bệnh này rõ ràng hơn. Có như thế nhiều bệnh nhân mới có cơ hội được cứu sống.

Người tiên phong ảnh 1

TS Hoàng Bùi Hải.

Càng mới, càng khó, càng không làm nản chí của bác sĩ trẻ khi đó. Cần có bệnh nhân để lấy số liệu, anh đi khắp BV dán tờ rơi để nhờ các đồng nghiệp thấy những bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ TĐMP thì gọi điện cho mình đến khám trực tiếp. Không ít đêm, đang ngon giấc, điện thoại đồng nghiệp báo có bệnh nhân nghi ngờ bị TĐMP, bác sĩ Hải lại vào viện ngay để tiến hành chẩn đoán, điều trị. Trước đây bệnh này được ví như một con ma, và chỉ được được nghĩ đến khi bệnh nhân đã tử vong hoặc chỉ được khẳng định khi mổ tử thi.

“Muốn bệnh nhân tôn trọng mình hãy yêu thương và đối xử với bệnh nhân như người thân. Hãy đặt địa vị mình và người nhà mình vào hoàn cảnh của họ để thông cảm và thấu hiểu”.

Bác sĩ Hải

Không phụ đam mê nghiên cứu của vị bác sĩ trẻ, căn bệnh không ít người mắc mà trước đó nhiều đồng nghiệp cho rằng không tồn tại, hoặc bị chẩn đoán nhầm với bệnh khác như nhồi máu cơ tim, bóc tách động mạch chủ, suy tim, viêm phổi... đã được phát hiện và được điều trị thành công. Điều đó khích lệ bác sĩ Hải tiếp tục theo đuổi công việc vô cùng khó khăn này.

Tháng 1/2008, anh bảo vệ thành công luận văn bác sĩ nội trú. Được các thầy khuyến khích, ngay sau đó Hải tiếp tục làm luận án tiến sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu với đề tài: “Nghiên cứu chẩn đoán và điều trị TĐMP cấp”. Hoàng Bùi Hải là trường hợp hiếm hoi tại Việt Nam bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y khoa chỉ trong vòng hai năm rưỡi, khi đó anh mới 35 tuổi. Trong ngành lâm sàng không nhiều người có thể bảo vệ luận án tiến sĩ ở tuổi còn trẻ như vậy do bác sĩ làm lâm sàng quá bận với bệnh nhân, khó đầu tư thời gian cho nghiên cứu khoa học. Đạt được kết quả đó là nhờ những nỗ lực không mệt mỏi cùng niềm say mê trong nghiên cứu ngay từ khi còn là bác sĩ nội trú.

Miệt mài nghiên cứu, giảng dạy, cẩn thận trong thăm khám, điều trị bệnh nhân, bác sĩ Hải còn có nhiều báo cáo tại các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế với chủ đề chính “Tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị TĐMP cấp”.

Người tiên phong ảnh 2 TS Hải đang cấp cứu cho bệnh nhân nặng.
Tận tâm, tận tụy

Thấy tôi tò mò về những chiếc vỏ hộp thuốc đựng trong tủ tại phòng làm việc, bác sĩ Hải chia sẻ: “Đây là những vỏ hộp thuốc đã dùng cho bệnh nhân đặc biệt nặng, tôi giữ làm kỷ niệm, nhìn vào đó để tự nhủ phấn đấu hơn nữa để cứu sống được nhiều người”. Đã hơn 9 năm từ ngày bắt đầu tìm tòi và nghiên cứu bệnh TĐMP, điều đến giờ anh tâm niệm nhất vẫn là, làm sao để nhiều đồng nghiệp thực sự biết đến căn bệnh chết người này. Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi anh lại viết bài chia sẻ kiến thức về TĐMP rồi đăng lên trang cá nhân Facebook của mình. Anh bảo: “Có người nói Facebook là nơi giải trí đăng làm gì công việc lên đó. Nhưng tôi nghĩ khác. Mỗi bài viết của tôi về TĐMP có thêm một vài đồng nghiệp đọc cũng mừng lắm vì như thế có cơ hội cứu sống nhiều bệnh nhân. Dần dà những bài viết của tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đồng nghiệp và các em sinh viên”…

Không khó để gặp được anh vì anh thường xuyên có mặt bên những bệnh nhân nặng bất kể ngày đêm. Nhưng để có thời gian trò chuyện với anh lại không dễ bởi bệnh nhân và những bài giảng cuốn vị trưởng khoa 37 tuổi vào guồng quay liên tục. Có dịp ra, vào khoa Cấp cứu (BV Đại học Y Hà Nội) nhiều lần tôi được nghe các bác sĩ trẻ, sinh viên thực tập nói chuyện về bác sĩ Hải với tình cảm trìu mến và sự kính trọng tuyệt đối dành cho một người thầy. Ngoài bận rộn với công việc thăm khám, điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Hải còn miệt mài trên giảng đường Đại học Y Hà Nội truyền dạy kiến thức cho sinh viên. Anh luôn sẵn sàng mỗi lần có ca cấp cứu nặng, khó chẩn đoán khi được các đồng nghiệp trẻ xin tư vấn. Nụ cười hiền hậu trên gương mặt sáng, giọng nói trầm ấm và những cử chỉ, lời nói ân cần của anh khiến bệnh nhân ấm lòng và an tâm điều trị…

Nhiều đồng nghiệp trẻ tâm sự, bác sĩ Hải không chỉ truyền đạt kiến thức chuyên môn mà còn thường xuyên nhắc nhở, chỉ bảo về y đức. Là trưởng khoa Cấp cứu, nơi tiếp nhận những bệnh nhân rất nặng, thường xuyên đối diện với tâm trạng căng thẳng của người nhà bệnh nhân, anh thường dặn nhân viên của mình: “Muốn bệnh nhân tôn trọng mình hãy yêu thương và đối xử với bệnh nhân như người thân. Hãy đặt địa vị mình và người nhà mình vào hoàn cảnh của họ để thông cảm và thấu hiểu”.

Trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy và thực hành lâm sàng bác sĩ Hải đã gặp không ít khó khăn khi có đồng nghiệp vẫn “chưa từng gặp bệnh nhân TĐMP bao giờ”. Anh tâm niệm: “Mình là người trẻ, lại nghiên cứu vấn đề mới, gặp khó khăn nhiều là đúng. Quan trọng là càng khó khăn càng phải đi đến cùng để đạt được mục đích cuối cùng là cứu được người bệnh”.

TS Hoàng Bùi Hải đã thành công khi số lượng bệnh nhân do anh chẩn đoán TĐMP đang giảm đi do nhiều bác sĩ tại các BV thông báo có thể chẩn đoán và điều trị bệnh này, thay vì gọi anh đến trực tiếp như trước. Tuy nhiên, anh và các đồng nghiệp vẫn tiếp tục nghiên cứu, áp dụng những thành tựu mới trong chẩn đoán, điều trị cũng như dự phòng TĐMP để không còn bệnh nhân chỉ được chẩn đoán khi đã tử vong.

Nói về những thành công ban đầu của mình, bác sĩ Hoàng Bùi Hải luôn nhắc đến công lao dạy bảo của các thầy PGS.TS Nguyễn Đạt Anh, Trưởng khoa Cấp cứu BV Bạch Mai; GS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc BV Bạch Mai; GS Vũ Văn Đính, GS.TS Nguyễn Thị Dụ... những chuyên gia đầu ngành của chuyên ngành Hồi sức Cấp cứu, Chống độc Việt Nam… cũng như của các đồng nghiệp khác.

MỚI - NÓNG