Những người trẻ chọn 'ra đời' không bằng đại học

Trần Thành Long chăm chú pha chế đồ uống cho khách. Ảnh: P.H.
Trần Thành Long chăm chú pha chế đồ uống cho khách. Ảnh: P.H.
Nhiều thanh niên chọn học nghề 3 tháng rồi tự bươn chải từ vị trí thấp tiến tới dần có vị trí ổn định trong công việc.

Trần Thành Long (23 tuổi) có vẻ ngoài cao ráo, đứng bên quầy say mê pha chế cà phê cho khách. Long đang là nhân viên phục vụ tại một nhà hàng ở Cầu Gỗ. Mẹ em mất sớm, bố đi bước nữa rồi sống với gia đình mới trong Nam. Từ nhỏ, Long ở với ông bà ở ngoại thành Sóc Sơn (Hà Nội).

Cách đây 4 năm, lúc tốt nghiệp THPT, chàng trai trẻ phân vân giữa hai con đường là học đại học hay bươn chải sớm, cuối cùng, cậu quyết định chọn đi làm một thời gian, bán quần áo, tích cóp chút tiền rồi đi học nghề. So với nhiều thanh niên khác chọn học trung cấp hoặc cao đẳng nghề vài năm, Long chọn học nghề 3 tháng ngắn hạn nhưng theo hình thức tập trung thực hành nhiều chứ không học lý thuyết. Hàng ngày, Long đi xe máy hơn 30 km từ Sóc Sơn về trung tâm Hà Nội để học.

Trước khi chọn nghề, Long có một buổi phỏng vấn và được các giáo viên tư vấn cặn kẽ về lớp học, khóa học, trình độ, sở thích có phù hợp với nghề mà mình chọn hay không. Ban đầu, chàng thanh niên chọn trở thành bartender (người pha chế) vì thích những động tác đẹp mắt của thầy dạy. Sau Long học thêm các kỹ năng của nhân viên phục vụ bàn. Long quan niệm, làm phục vụ bàn được tiếp xúc với nhiều khách, có thể học hỏi thêm kỹ năng giao tiếp với nhiều hạng người trong xã hội.

Đi làm gần một năm, thu nhập của cậu giờ khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng và có cơ hội thăng tiến trong nghề. So với bạn bè học cùng phổ thông ngày xưa, nhiều người chưa có công việc ổn định hoặc nhiều người vẫn chưa ra trường thì thu nhập trên cũng coi như là tạm ổn định. "Ai cũng có một sự khởi đầu. Thu nhập trên không tính là lớn nhưng có thể giúp em lo cho cuộc sống, gửi về một ít cho ông ở trên quê. Em không tin là sự cố gắng không được đền đáp", Long tự tin nói và cậu thấy hài lòng với công việc mình đang làm.

Cậu tâm sự, mỗi người có con đường dài, con đường ngắn để bước vào đời, mục đích cuối cùng là kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Em chọn con đường ngắn, không có bằng đại học, nhưng tương lai có thể đi học thêm chứng chỉ, thêm nhiều kỹ năng khác. Việc đi học đại học cũng là một điều thú vị, nhưng nếu không có điều kiện thì có thể tìm con đường khác để đi.

Khác với Long đã học xong lớp 12, Vũ Thị Mai (28 tuổi, Gia Lai) chưa bao giờ được đi học. Cô gái nhỏ bé, có nụ cười rạng rỡ sinh ra không có hai cánh tay bình thường. Nhà nghèo, cha mẹ không đủ tiền cho Mai đi học nên cô tự "học lỏm" qua đứa em và bằng đôi chân nghị lực của mình.

Mai tâm sự, có lẽ cuộc đời sẽ mãi buồn như vậy nếu không biết đến một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật qua Facebook của bạn bè. Được học thiết kế đồ họa trên máy tính. Tốt nghiệp, Mai được các thầy cô giới thiệu cho một công việc phù hợp ở Hà Nội. Giờ, cô là là nhân viên thiết kế của một công ty đồ họa với mức lương hơn 6 triệu đồng mỗi tháng. "Đó là mức lương ước mơ với những người kém may mắn như mình rồi", Mai chia sẻ.

Những người trẻ chọn 'ra đời' không bằng đại học ảnh 1

Mai giờ là nhân viên thiết kế với mức lương hơn 6 triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: P.H.

Học xong cấp 3, Nguyễn Văn Huy (Thanh Hóa) bắt đầu đi làm tại một siêu thị với vị trí nhân viên tăng cường, hình thức hợp đồng bán thời gian. Sau đó, nhờ chịu khó, anh được nhận vào làm chính thức tại siêu thị, đảm nhận vị trí phó quầy. 3 năm sau, Huy được làm trưởng quầy rồi lại chuyển sang làm trưởng kho giao nhận. Hiện nay, Huy đang là trưởng quầy phụ trách nước và bơ sữa của siêu thị.

Gắn bó 10 năm với công việc, Huy cho biết để có một công việc tốt không thông qua con đường học đại học không hề dễ dàng, chỉ gói gọn trong ba từ: kiên trì, chịu khó và cố gắng. Dù có kinh nghiệm thực tế, Huy vẫn chọn đi học khóa đào tạo nghề chuyên ngành bán hàng và marketing để có thêm kiến thức cùng kỹ năng quản lý.

"Việc đi học nghề giúp mình nhận ra tầm quan trọng của việc phải có một nghề nghiệp rõ ràng thay vì đi làm ngắn hạn và tự phát", Huy chia sẻ.

Hiện tại, anh quản lý 15 nhân viên, đặt hàng để đảm bảo cho hàng hóa tại quầy luôn đủ. Ngoài giờ làm, Huy còn dành thời gian theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế quốc dân.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận REACH chuyên đào tạo và hỗ trợ việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam cho biết, có nhiều người trẻ chọn con đường học nghề thay vì vào trường đại học. Trung tâm chủ yếu dạy nghề ngắn hạn, hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt như hộ nghèo, khuyết tật, gia đình thuần nông, nhóm yếu thế...

Theo bà Tâm, điều quan trọng trong học nghề là các em phải xác định được tố chất, tính cách con người mình phù hợp với ngành nào để lựa chọn. Trung tâm cũng thường dựa vào nguyện vọng, sở thích của các em để tư vấn chọn nghề. Người nào chưa có định hướng nghề nghiệp thì thầy cô dựa vào tính cách, sở thích, trình độ học vấn.

"Dạy nghề, học nghề cần gắn với nhu cầu thực tiễn. Các lĩnh vực dạy nghề trung tâm hướng tới như bán hàng marketing, thiết kế đồ họa, nấu ăn, làm tóc, buồng phòng… Đây là những nghề xã hội rất cần nhưng lại thiếu lao động có kỹ năng. Mỗi ngành nghề, trung tâm lại kết nối với các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn để người học có thể thực tập và tìm kiếm việc làm", bà Tâm nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.