Những triệu phú nông dân 9X

Cao Hữu Trí làm giàu từ mô hình trông quýt đường (ảnh: NVCC)
Cao Hữu Trí làm giàu từ mô hình trông quýt đường (ảnh: NVCC)
TP - Hội tụ tại Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ II năm 2015 có nhiều triệu phú nông dân là 9X và nữ giới. Họ là những tấm gương vượt khó làm giàu trên quê hương, tạo việc làm cho nhiều người và năng nổ trong hoạt động Đoàn, Hội.

Nhiều mô hình hay

Tròn 20 tuổi, Cao Hữu Trí, SN 1995 trở thành triệu phú từ cây quýt đường ngay trên quê hương tại ấp Đồng Tâm, xã Tâm Lập (huyện Phú Giáo, Bình Dương). Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trí sớm phải nghỉ học, rồi trở thành lao động chính, quản lý hơn 3ha trồng cao su và các loại cây ăn quả như quýt đường, bưởi da xanh, vú sữa. Nhận thấy cây quýt đường thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên anh tập trung vốn đầu tư cải tạo vườn tạp, trồng chuyên canh cây quýt. 

“Sau 3 năm cải tạo vườn quýt khô cằn của gia đình bằng cách áp dụng những khoa học kỹ thuật mới, mình phát triển thêm 4ha đất vườn quýt mới với 3.500 gốc quýt và xen canh nhiều loại cây ăn quả khác. Lợi nhuận từ vườn đạt 500 triệu đồng/năm”, Trí cho biết. Hiện, vườn quýt của Trí tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và 20 lao động thời vụ.

“Thành lập hợp tác xã chiết xuất tinh dầu sẽ tận dụng thế mạnh của quê mình là có vùng nguyên liệu thiên nhiên rộng lớn, có nhiều khách du lịch để bao tiêu sản phẩm. Từ đó, sẽ hỗ trợ được bà con về kỹ thuật, thu mua nguyên liệu”.

Ma A Nủ - Chủ nhiệm HTX chiết xuất tinh dầu ở Sa Pa, Lào Cai

Ma A Nủ (SN 1994), người dân tộc Mông là Chủ nhiệm Hợp tác xã Chiết xuất tinh dầu ở xã San Sả Hồ (huyện Sa Pa, Lào Cai). Năm 2013, A Nủ học hỏi, tìm hiểu mô hình chiết xuất tinh dầu từ Viện VIRI, thành lập nhóm sản xuất tinh dầu, rồi phát triển thành hợp tác xã.


Từ 5 thành viên, đến nay hợp tác xã có 13 thành viên. Nhà xưởng sản xuất xây mới có diện tích 200m2 và vùng nguyên liệu có quy mô đạt 100 tấn/năm (bao gồm 1,5ha cây dược liệu trồng tập trung và quản lý gần 60ha cây dược liệu mọc tự nhiên). Không dừng lại sản xuất các loại tinh dầu, sản phẩm từ tinh dầu, hợp tác xã của Ma A Nủ phát triển các dịch vụ tắm ngâm thảo dược, du lịch homestay. Năm 2014, doanh thu từ bán hàng đạt 500 triệu đồng và thu lãi 300 triệu, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động cùng 20-30 lao động thời vụ. 

Bí thư Chi đoàn thôn Tam Đô, xã Hoàng Hoa Thám (huyện Ân Thi, Hưng Yên) Tăng Văn Lân lại chọn làm giàu từ mô hình vườn ao chuồng. Năm 2012, sau khi rời quân ngũ, Văn Lân mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng vốn tự có và vay ngân hàng để khởi nghiệp. Trên diện tích 7.200m2 đất ven sông, Lân xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái, vịt siêu thịt, gà Đông Tảo; cải tạo 3.600m2 ao thả cá; trồng 300 m2 nấm rơm và một số cây ăn quả. Đến nay, mô hình của Lân cho doanh thu hàng năm từ 1-1,2 tỷ đồng, lợi nhuận 250-300 triệu đồng. Tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập 3-3,5 triệu đồng/tháng và 3-5 lao động thời vụ.

Những bóng hồng làm kinh tế giỏi

Với mô hình dịch vụ “Hoa tươi Hạnh phúc”, Bí thư Đoàn xã Kim Long (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) Phan Thị Phúc (SN 1982) thu về hàng năm 300 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Không chỉ kinh doanh, mô hình dịch vụ của Phúc còn hỗ trợ, giúp đỡ đào tạo nghề miễn phí cho nhiều lao động. Với những cố gắng của bản thân, Phan Thị Phúc đã được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì những đóng góp cho công tác Đoàn và sự phát triển của quê hương. 

Lê Thị Tỉnh (1984, Thái Bình) cũng làm giàu ngay trên quê hương mình khi gắn với mô hình trồng cây dược liệu. Năm 2013, với số vốn khởi nghiệp 100 triệu đồng, Tỉnh lập Cty CP đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Thái Hưng. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên vụ đầu tiên bị mất trắng.

 Được sự động viên của lãnh đạo UBND xã và gia đình, tỉnh vay vốn của Ngân hàng CSXH tiếp tục đầu tư vào cây dược liệu, chủ yếu là chùm ngây, đinh lăng, hoàn ngọc. Cty chị còn xây dựng xưởng sản xuất và chế biến trà thảo dược với sản phẩm là Trà đinh lăng Thái Hưng, Trà Chùm Ngây Thái Hưng. Hiện, Cty đang tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động và 10 lao động thời vụ, đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm với lợi nhuận từ 600-800 triệu đồng/năm.

Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1991) ở thôn Trung Duyệt, xã Phú Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình đạt doanh thu 350 triệu đồng/năm từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, mô hình của chị có diện tích ao hồ 20ha; hơn 5ha trồng cao su, keo, bạch đàn; chăn nuôi bò lai, gà vịt. Mô hình giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 10 lao động mùa vụ. 

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, những thanh niên nỗ lực thoát nghèo, làm giàu trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động khác là góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, hiệu quả.

 “Đóng góp lớn nhất của họ là tạo dấu mốc lan tỏa tinh thần ly nông không ly hương, làm giàu trên quê hương. Không có những thanh niên uy tín, mạnh dạn đổi mới tư duy sản xuất, chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô, liên kết thành lập các nhóm sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp thì sẽ khó tạo được sức lan tỏa ra cộng đồng để mọi người làm theo”, anh Tuấn nói.

MỚI - NÓNG