Phong trào “Ba sẵn sàng” và tâm thư bằng máu

Thanh niên Hà Nội xung phong đến với các chiến trường.
Thanh niên Hà Nội xung phong đến với các chiến trường.
TP - Đã hơn 50 năm trôi qua, kể từ giây phút thiêng liêng đêm ngày 9/8/1964, hàng vạn thanh niên Hà Nội hô vang khẩu hiệu “Ba sẵn sàng”, nhiều người vẫn rưng rưng xúc động khi nhớ lại những ngày tháng không thể nào quên…

Những ngày tháng không quên

Bác Vũ Hữu Loan, nguyên Bí thư Thành Đoàn Hà Nội kể lại: Vào năm 1964 đế quốc Mỹ ồ ạt đem quân vào miền Nam và điên cuồng đánh phá miền Bắc bằng không quân nhằm chặn đường chi viện của nhân dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Trong không khí khẩn trương của cách mạng, cả nước bước vào chiến tranh, đâu đâu cũng thấy thanh niên Hà Nội có nguyện vọng tha thiết sẵn sàng chiến đấu, ra tiền tuyến đánh giặc. Máu của đồng bào miền Nam tiếp tục đổ xuống. Đêm ngày 7/8/1964, sau hai ngày đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc, Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội họp đột xuất tại trụ sở 43 Lý Thái Tổ. “Trước mắt chúng tôi là hàng ngàn các quyết tâm thư của đoàn viên thanh niên. Có những bức thư viết bằng máu!”, bác Vũ Hữu Loan nhớ lại.

Tại thời điểm đó, phong trào thanh niên diễn ra sôi sục tại các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà máy ô tô Hòa Bình, Nhà máy trung quy mô Hà Nội và rất nhiều nơi khác. Tại cuộc họp này, Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội đã đi đến phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên Hà Nội bao gồm: Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần. Đêm ngày 9/8/1964, tại Hội trường Bộ Công nghiệp nặng trên phố Hai Bà Trưng, 500 đoàn viên tập trung tại Hội trường và trên một vạn thanh niên tập trung ngoài đường phố giương cao khẩu hiệu “Ba sẵn sàng”. Bí thư Thành Đoàn Vũ Hữu Loan đọc lời kêu gọi và được cả vạn thanh niên đáp lại “Sẵn sàng! Sẵn sàng! Sẵn sàng!”, cùng với tiếng kèn, tiếng trống vang dội cả một góc trời Hà Nội.

Phong trào “Ba sẵn sàng” và tâm thư bằng máu ảnh 1

Bức thư có lời thề viết bằng máu của Nguyễn Phú Tuấn 20 tuổi gửi thủ trưởng tiểu đoàn 14. Ảnh: Phạm Thanh Tuấn (Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam).

Đêm ngày 9/8/1964 đã đi vào lịch sử phong trào thanh niên Thủ đô như một dấu son tự hào tuổi trẻ. Hưởng ứng phong trào này, đã có 80 ngàn thanh niên xung phong ra trận. Nhiều bạn trẻ chưa đủ tuổi nhập ngũ, không đủ cân cũng tình nguyện được ra mặt trận, cầm súng chiến đấu. Nhiều khẩu hiệu được viết trên đường phố như những lời hiệu triệu thiết tha: Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù; Đâu có giặc là ta cứ đi; Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…

Phong trào vượt ra ngoài biên giới

Ngay sau đó, phong trào “Ba sẵn sàng” đã được nhiều địa phương trong cả nước hưởng ứng, thậm chí đã vượt ra ngoài biên giới. Nhiều thanh niên Việt Nam du học ở nước ngoài đã viết đơn xin về nước chiến đấu. Ông Vũ Mão, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, cho biết, ngay sau khi Hà Nội phát động phong trào, BCH Trung ương Đoàn đã chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” trên toàn miền Bắc có bổ sung và nâng cao hơn về nội dung. Phong trào được nuôi dưỡng trong suốt những năm tháng của thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Tên tuổi của những thủ lĩnh thanh niên gắn với phong trào “Ba sẵn sàng” phải kể đến như Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Vũ Quang, các Bí thư Trung ương Đoàn Lưu Minh Châu, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Tiên Phong, Tạ Quang Chiến; Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm Trịnh Ngọc Trình... “Phong trào khi đó đã tìm ra nhiều tấm gương tiêu biểu, những thần tượng của tuổi trẻ như Nguyễn Viết Xuân, Lê Mã Lương, Trịnh Tố Tâm, Phạm Tuân, Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi… Phong trào “Ba sẵn sàng” cũng đã để lại nhiều bài học sâu sắc và giàu ý nghĩa về công tác thanh niên”, ông Vũ Mão nói.

Phong trào “Ba sẵn sàng” và tâm thư bằng máu ảnh 2
Phong trào “Ba sẵn sàng” và tâm thư bằng máu ảnh 3
Phong trào “Ba sẵn sàng” và tâm thư bằng máu ảnh 4

Hàng vạn thanh niên thủ đô hăng hái lên đường nhập ngũ.

Nhớ lại những ngày tháng năm lịch sử, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương cho biết, ký ức về những ngày tháng hoạt động sôi nổi của phong trào “Ba sẵn sàng” là những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời ông. Thiếu tướng cho hay, phong trào lan tỏa nhanh chóng và chỉ sau hơn 1 tháng, cả miền Bắc đã có hơn 1 triệu đoàn viên thanh niên biểu thị lòng quyết tâm đăng ký thực hiện phong trào “Ba sẵn sàng”. Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân, hải quân Mỹ ngày càng ác liệt lại càng thu hút lực lượng thanh niên hăng hái tham gia tòng quân. Mở đầu là đêm 2/1/1965, hơn 5 vạn thanh niên Hà Nội lại xuống đường khẳng định quyết tâm đánh giặc Mỹ.

Đánh giá về phong trào, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà khẳng định, phong trào đã khơi dậy và cổ vũ cho lớp thanh niên miền Bắc Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, gợi mở phong trào Phụ nữ Ba đảm đang và phong trào Năm xung phong của tuổi trẻ miền Nam. Ba sẵn sàng đã trở thành một trong những phong trào hành động cách mạng lớn nhất của tuổi trẻ Thủ đô và tuổi trẻ Việt Nam trong thế kỷ XX, với hơn 5 triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Trong đó, gần 1,5 triệu người con ưu tú đã ngã xuống… 

“Trước mắt chúng tôi là hàng ngàn các quyết tâm thư của đoàn viên thanh niên Thủ đô. Có những bức thư được viết bằng máu!”, bác Vũ Hữu Loan, nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội nhớ lại.

MỚI - NÓNG