Giao lưu “Người trẻ nơi đầu sóng":

Sẵn sàng làm tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân

Đại úy Cấn Ngọc Sơn
Đại úy Cấn Ngọc Sơn
TP - Một người trẻ vừa trở về từ vùng biển Hoàng Sa sau chuỗi ngày can trường đấu tranh bảo vệ chủ quyền; một người trở về sau những ngày vững tay súng ở Trường Sa; một người trẻ bỏ ra gần chục năm tình nguyện đi vá đường; một người quên bản thân vì bình yên cuộc sống… Họ là những người sẵn sàng làm tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân!

Ngày 15/8, tại Hà Nội, Báo Tiền Phong phối hợp Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn tổ chức giao lưu trực tuyến chủ đề Người trẻ nơi đầu sóng với một số đại biểu dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 3.

 
Phát biểu khai mạc chương trình, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho biết: Tiền Phong lấy chủ đề Người trẻ nơi đầu sóng và mời các đại biểu thuộc lực lượng Quân đội, Công an, Kiểm ngư, giao lưu với mong muốn những hy sinh, gian khổ, cống hiến của những người trẻ dũng cảm, sống có trách nhiệm với cộng đồng, với Tổ quốc, với nhân dân được lan tỏa. 

“Chủ đề Người trẻ nơi đầu sóng còn hướng tới một nghĩa rộng hơn, đó là ca ngợi và hun đúc lý tưởng cách mạng, lý tưởng sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, thậm chí cả tính mạng của mình để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc của bao thế hệ người Việt, của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay”, nhà báo Lê Xuân Sơn nói.

Đời người chỉ một lần sinh - tử

“Hôm nay chúng ta ngồi đây để cùng chia sẻ với tuổi trẻ cả nước về những thành tích, kết quả học tập và làm theo lời Bác của mình. Qua đó, làm nổi bật hơn chủ đề của Đại hội lần này là Dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn…”.

Anh Lê Quang Tự Do - Quyền trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn

Công tác ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, thuyền trưởng tàu Kiểm ngư KN765 Phạm Thành Trung và Đại úy Cấn Ngọc Sơn (Đảo Đá Đông B, Trường Sa) luôn trân trọng những hình ảnh bình dị của đất nước như lũy tre làng, dòng sông quê, trường học, đồng lúa, nương ngô… 

Đại úy Sơn chia sẻ, lớn lên, trưởng thành, gia nhập lực lượng vũ trang, rất may mắn được công tác ở quần đảo Trường Sa nên nhận thức được chủ quyền đất nước là vô cùng thiêng liêng. 

Đứng trong hàng ngũ những người bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, anh Sơn, anh Trung luôn nêu cao tinh thần vượt mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Anh Trung bộc bạch: “Tôi có một tâm niệm, mỗi người chỉ một lần sinh ra và chết đi. Được hy sinh vì độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là sự ra đi đầy ý nghĩa. Điều này cũng được tôi tâm sự trao đổi với anh em trên tàu KN765. Đây cũng là một trong những yếu tố để chúng tôi khắc phục mọi khó khăn, không hề nao núng, bình tĩnh xử lý các tình huống phức tạp trên biển”. 

Gắn thân với biển đảo, những chàng trai nơi đầu sóng thường xuyên xa người thân, gia đình. Đối với Đại úy Cấn Ngọc Sơn “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, mỗi năm chỉ được về phép một lần thăm gia đình. “Mỗi lần về chỉ khoảng một tháng. Khi đơn vị có nhiệm vụ cần gấp tôi phải quay lại ngay”. 

Anh Phạm Thành Trung chia sẻ: “Những lúc nhớ nhà, nhớ gia đình, chúng tôi thường mang hình vợ con, người thân ra xem và tự hứa với lòng mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. 

Sẵn sàng làm tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân ảnh 1

Kiểm ngư viên Phạm Thành Trung

Dịp vợ sinh con, anh Trung đang trên biển. “Gia đình luôn là hậu phương vững chắc để chúng tôi yên tâm làm nhiệm vụ”, anh Trung nói.

Nhân dân tin yêu, ủng hộ

Tham gia chương trình giao lưu, chia sẻ về vết sẹo vẫn hằn trên bàn tay trái, anh Trần Ngọc Thắng (sinh năm 1989, CA Nam Định) kể về lần truy bắt tội phạm ở khu công nghiệp Hòa Xá (Nam Định) tháng 4/2013. 

Sẵn sàng làm tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân ảnh 2

Trung úy Trần Ngọc Thắng

Mặc dù bị đối tượng dùng kiếm chém đứt bàn tay trái, nhưng anh Thắng vẫn quyết tâm cùng đồng đội tấn công, truy bắt các đối tượng. 

“Khi tôi gần bắt được 1 đối tượng từ gầm xe container chui ra thì bị đối tượng khác dùng kiếm chém từ đằng sau. Lúc đó, tôi chỉ kịp giơ gậy vụt về hướng của đối tượng cầm kiếm và né người sang bên. Khi cảm thấy tay đau buốt, nhìn xuống thấy bàn tay trái bị đứt rời, máu đang xối xả. Tôi lấy tay phải bịt lấy bàn tay trái bị đứt, tiếp tục hô đuổi để các đồng chí đi cùng biết, chủ động tấn công và truy bắt đối tượng”, anh Thắng nhớ lại. 

Phải nằm viện gần 2 tháng, bàn tay của anh Thắng mới liền, tuy nhiên, đến bây giờ, mỗi khi thời tiết thay đổi, bàn tay trái của anh vẫn đau nhức.

“Trong giờ phút đối mặt hiểm nguy, có thể phải trả giá bằng tính mạng bản thân, tôi chỉ nghĩ rằng, làm sao phải bắt gọn được các đối tượng nói trên để chúng không gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng của nhân dân”.

Trần Ngọc Thắng - Công an tỉnh Nam Định

Trong giờ phút đối mặt hiểm nguy, có thể phải trả giá bằng tính mạng bản thân, tôi chỉ nghĩ rằng, làm sao phải bắt gọn được các đối tượng nói trên để chúng không gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng của nhân dân”, anh Thắng chia sẻ. 

Theo anh Thắng, một công an tốt thì phải có được sự tin yêu của quần chúng nhân dân, vì nhân dân là đôi tai, đôi mắt và đôi tay của lực lượng CAND. “Nếu được nhân dân tin yêu thì không có trở ngại gì trong khi làm nhiệm vụ cả”, anh Thắng nói. Anh Thắng đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Dũng cảm, T.Ư Đoàn trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.

Làm việc “bất bình thường"

Trần Minh Trung (Cần Thơ) Hiệp sỹ giao thông, liên tiếp 7 năm tình nguyện vá đường ở đường Cù Lao Tân Lộc. Chia sẻ lý do tình nguyện này, anh Trung cho biết: “Do đường Cù Lao Tân Lộc mỗi khi lũ lên, nhiều đoạn ngập bị hư hỏng, nhiều ổ trâu, ổ gà... gây khó khăn cho việc đi lại của bà con và học sinh. Mình từng chứng kiến có những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trên đoạn đường này mà phần lớn do chất lượng đường quá xấu”. Để có tiền mua vật liệu vá đường, anh Trung đi làm mướn, phu hồ, cắt lúa.

Sẵn sàng làm tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân ảnh 3

Hiệp sỹ giao thông Trần Minh Trung

Ban đầu, do không có chuyên môn về cầu đường, xây dựng nên có những lần đường vá xong không được bao lâu thì lại hỏng. “Có những hôm, vừa vá xong một điểm thì gặp mưa xối xả, mình phải dầm mưa để che đậy. Có hôm đúng giờ tan tầm, lượng xe đông, mình phải ngồi canh để cho xe không đi qua làm hỏng chỗ mình vừa vá. Mình không dám quây gạch hay đồ vật nào vì ảnh hưởng an toàn giao thông…”, anh Trung chia sẻ.

Tôi có một tâm niệm, mỗi người chỉ một lần sinh ra và chết đi. Được hy sinh vì độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là sự ra đi đầy ý nghĩa.

Thuyền trưởng tàu Kiểm ngư Phạm Thành Trung

Anh Trung cũng cho hay, thời gian đầu bị một số người chê việc vá đường của anh là bất bình thường. Bố mẹ ngăn cản vì việc này vất vả, lại không phụ giúp được việc gia đình, thậm chí, mang tiền bán bò của gia đình đi mua vật liệu để sửa chữa đường. Về sau, do điều chỉnh thời gian phù hợp để phụ giúp việc gia đình và chia sẻ về ý nghĩa của việc vá đường, anh Trung đã thuyết phục được cha mẹ. Nhiều người cũng ủng hộ tiền, vật liệu để vá đường. 

Anh còn nhận được nhiều giấy khen của phường, quận, thành phố và trung ương. Gần đây nhất, anh Trung được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng gửi thư khen, tặng 10 triệu đồng, nhận bằng khen Vì sự phát triển sự nghiệp Giao thông nông thôn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Giao thông Vận tải… Công việc ý nghĩa của anh Trung đã lan tỏa thu hút được nhiều người tự nguyện tham gia. 

Hiện, đội dặm vá ổ gà của anh Trung có khoảng 40 thành viên, ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ cụ già 82 tuổi đến các em 13 – 14 tuổi. Anh Trung cho biết: “Hằng ngày, các thành viên của Đội đi dọc các con đường ở địa phương xem chỗ nào hư hỏng thì sửa chữa. Thậm chí còn sang cả các huyện khác như Cờ Đỏ, Trung Nhất, Trung Kiên, Thới Thuận”.

Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ 3 – 2014 có 200 đại biểu. Sáng nay (16/8), các đại biểu sẽ làm Lễ báo công dâng Bác; tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Buổi chiều sẽ diễn ra Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Tổ chức diễn đàn Tu dưỡng đạo đức cách mạng; Diễn đàn Nói đi đôi với làm; Tham gia các hoạt động tình nguyện… Ngày 17/8 sẽ diễn ra Lễ tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tại Nhà hát Quân đội (Hà Nội).

> XEM CHI TIẾT CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU TẠI ĐÂY

MỚI - NÓNG