Sau những ngày mưa

Sau những ngày mưa
TP - Chị ngã, chấn thương cột sống và được chẩn đoán nếu không cẩn thận có thể dẫn đến biến chứng liệt nửa người. Quãng thời gian đó là cơn ác mộng trong đời chị Lê Ngọc Bích Vân, nhân viên công ty chuyển phát nhanh tư nhân.

Nhân số Tết Nguyên Ðán năm 2015, người phụ nữ bình dị 29 tuổi dành cho chúng tôi câu chuyện về gia đình mình mà chị bảo “không còn gì hạnh phúc hơn sau những ngày mưa”.

Công việc buôn bán tại nhà đang vướng phải khó khăn. Ðang ngồi buồn thỉu buồn thiu, Vân nhận được một lá thư từ nhân viên bưu điện. Phần tên người gửi bị bỏ khuyết. Ngờ ngợ nét chữ nắn nót thân quen, chị dự cảm điều lành sẽ đến. 

Chị nhớ nhất đoạn phỏng từ lời bài hát “Ba ngọn nến lung linh” của Ngọc Lễ: “Phương là cây nến vàng. Vân là cây nến xanh. Chưa có cây nến hồng. Hai ngọn nến lung linh. A à á a a. Sắp có một gia đình”. 

Kết thúc lá thơ là dòng chữ to đậm “Làm vợ anh nhé. Ðể chúng ta có một gia đình và cho ra đời cây nến hồng đáng yêu”. Chị đã nhận lời cầu hôn như thế.

Má cấm

Sau những ngày mưa ảnh 1

Nơi nào có chị đi qua, nơi ấy có bàn tay anh đỡ đần.

Lê Ngọc Bích Vân (Quận 10, TP.HCM) là người Sài Gòn chính gốc. Gia cảnh nghèo, ba má cũng ráng cho con được đi học đến nơi đến chốn. Ảnh hưởng nếp sống của má khi xưa, ba chỉ cho con gái quanh quẩn trong nhà, ít giao thiệp với bên ngoài, ngoại trừ thời gian đi học.

Năm 2004, Vân dối ba má đi học thêm nhưng thực tình là đi chơi, tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Thấy bạn bè chat chít, Vân cũng tập tành để bằng bạn bè. 

Trời xui đất khiến thế nào, Vân quen anh Lê Chí Phương, chàng Nghệ An chính gốc vào Sài Gòn lập nghiệp. Kết bạn trao đổi qua lại, họ dần cảm mến nhau. Từ những giá trị ảo, họ biến quan hệ bạn bè thành thật. 

Lần đầu họ gặp mặt nhau offline là khi Phương tiếp kiến hai đấng sinh thành của Vân. Khác biệt về ngôn ngữ, quan điểm sống, má Vân quyết liệt phản đối.

“Nhìn anh buồn bã ra về sau mỗi lần má không ngó ngàng, không cho đi cùng anh, tôi buồn não ruột. Tôi lén hẹn anh ở một điểm gần trường học thêm, tặng anh tấm hình. Tặng rồi tôi lại nghe người ta bảo “Thư là từ, hình là ảnh, khăn là xa”, tôi lại thấy rối bời. Sợ phải xa anh”- Vân hồi tưởng.

Họ duy trì tình cảm bằng email, mấy mươi phút online để thấy nhau qua webcam. Những dòng chữ vô tri vô giác ấy trở thành cứu cánh. Mỗi đêm về, họ cảm thấy ấm áp trong lòng.

Quen nhau trong bí mật một năm, gia đình Vân biến động về nhân khẩu. Má chị, người luôn nhất mực cấm đoán anh chị yêu nhau, đi nơi khác sinh sống để chăm sóc đứa cháu nội bị bỏ rơi. 

Từ một cô gái vụng về, dẫu nghèo nhưng được yêu chiều, chưa từng đụng tay vào bếp núc, Vân phải gánh vác việc nhà. Tiếp tục kinh doanh quán giải khát thay má, Vân đảm đương cả vai trò nội tướng. Lần đầu tiên, Vân hình dung ba má vất vả thế nào để các con có cuộc sống đầy đủ.

Giật mình thuỷ đậu thai kỳ

Lúc chị tất bật với guồng quay công việc, anh luôn bên cạnh. Về thăm nhà, thấy anh lăng xăng phụ một tay, mà dần nguôi cơn ác cảm. Họ bắt đầu những chuỗi ngày ngọt ngào từ dạo ấy. 

Yêu nhau bốn năm, họ chính thức bước vào cuộc sống hôn nhau sau khi Vân nhận được bức thư cầu hôn ngọt ngào.

Cưới nhau bốn tháng, Vân mang thai. Ngờ đâu, Vân bị thủy đậu thai kỳ, kèm theo nguy cơ dị tật tai nhi hoặc sẩy thai rất cao. Không khí gia đình vui vẻ bị thay thế bằng sự ảm đạm. Vân phải trông cậy vào niềm tin với đạo. Mỗi ngày, chị khấn nguyện Phật cho hai chữ bình an. Ðiều kỳ diệu đã đến. Con gái chào đời xinh xắn, đáng yêu. 

Sau những ngày mưa ảnh 2

Vân hồi phục một cách kỳ diệu. Tổ ấm nhỏ lại rộn vang tiếng cười

Phương yên tâm với những kế hoạch chăm sóc tổ ấm. Sau giờ làm, anh cố gắng về nhà thật sớm, phụ giúp vợ một nay. Từ chăm sóc con đến bếp núc, nơi nào có chị đi qua, nơi ấy đều có bàn tay anh đỡ đần. Áp lực, căng thẳng của phụ nữ sau sinh dường như chưa từng hiện diện trên nét mặt chị cũng vì lẽ đó.

“Gia đình tôi đúng là nghèo khó thật nhưng luôn tràn ngập tiếng cười. Anh ấy vừa tặng tôi một bài hát phỏng theo bài Ba ngọn nến lung linh, phần tiếp theo của bài trong bức thư tình cầu hôn tôi đấy”, Vân cười, mắt sáng lấp lánh. “Phương là con chó hiền. Vân là con hổ xinh. Nghi là con nghé khờ. Ba con thú thương nhau. A à á a a. Sống dưới một mái nhà. Lung linh lung linh. Cọp ngồi cọp ca. Lung linh lung linh. Chó nằm canh nhà. Lung linh lung linh. Nghé thì nằm nghe. Lung linh lung linh. Vườn thú gia đình”. 

Dứt lời, Vân giải thích ngay “Chó, nghé, cọp tượng trưng cho ba con giáp của ba thành viên trong nhà tôi đó”. 

Vân chạy đi lấy vài thứ khác đến cho tôi xem: “Vật chứng tình yêu của tôi đây nè”. Những món quà handmade mà Phương tỉ mỉ làm để tặng chị, chiếc giỏ xách làm từ vải vụn, chiếc hộp nhiều ngăn bé xinh đựng đồ trang sức, chiếc tủ nhỏ đựng tiền. Rảnh rỗi, anh lại lấy xe chở hai má con ra phố chơi, dạo mát, ăn uống.

Bên bờ vực

Vân ngã. Chấn thương cột sống và chị được chẩn đoán nếu không cẩn thận có thể dẫn đến biến chứng liệt nửa người. Quãng thời gian đó là cơn ác mộng. “Tôi đã nhiều lần tìm cách kết liễu cuộc sống. Nhưng tình yêu sâu đậm của anh đã xua tan những ý nghĩ dại dột trong tôi. Tôi nằm một chỗ. Từ ăn uống, vệ sinh, gội đầu rồi những ngày đến tháng của phụ nữ, một tay anh lo liệu. Tôi nghĩ mình quá may mắn khi có người chồng tốt như vậy”.

Vân hồi phục một cách kỳ diệu. Tổ ấm nhỏ lại rộn vang tiếng cười. Mỗi cuối tuần, anh lại chở hai má con đi bát phố, tìm điểm ăn uống bình dân. 

Lê Chí Phương, đến năm 2015 tròn 33 tuổi, là nhân viên công ty kim may ORGAN. Sống chung hơn năm năm nhưng rất ít xảy ra tranh cãi khi hai vợ chồng cùng quan niệm “Cơm sôi bớt lửa”, bớt lời nóng giận thì tất cả sẽ chóng qua. 

Họ chưa bao giờ lãng quên việc hâm nóng tình cảm mỗi ngày. Bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi, cả hai lại thu xếp thời gian hẹn hò, cắm trại, đi xem phim, hoặc tổ chức chuyến đi chơi xa. Có đôi khi lại đơn giản là anh đèo chị trên chiếc xe đạp cũ đi vòng quanh trung tâm Sài Gòn, ôn lại kỷ niệm xưa. 

Chuyện của vợ chồng Vân- Phương cho thấy cuộc sống đôi lúc rơi vào gam màu tối nhưng yêu thương chân thành sẽ là động lực để các thành viên cùng vượt qua.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG