Sinh viên sáng chế thiết bị để... tiêm ít đau

Các sinh viên và công trình nghiên cứu của mình - Ảnh: Phys.org
Các sinh viên và công trình nghiên cứu của mình - Ảnh: Phys.org
Hầu hết mọi người không xa lạ gì với việc tiêm ngừa, đặc biệt là trẻ con vốn cần có vắc xin để ngăn ngừa nhiều loại bệnh tật. Một nhóm sinh viên kỹ thuật thuộc Đại học Rice (Mỹ) đã cố gắng làm cho việc tiêm ngừa trở nên ít “đau đớn” hơn.

Theo hãng tin UPI, nhóm sinh viên trên đã sáng chế một thiết bị có thể nhanh chóng tạo ra một phản ứng hóa học để làm mát da của bệnh nhân trước khi tiêm.

Các cuộc thử nghiệm cho thấy thiết bị do các sinh viên Greg Allison, Andy Zhang và Mike Hua chế tạo có thể làm tê da trong vòng 60 giây.

“Thiết bị của chúng tôi được in 3D và bao gồm 2 buồng được bịt kín chứa hóa chất ammonium nitrate và nước”, sinh viên Mike Hua nói.

“Một chuyển động xoắn đặt các buồng này vào vị thẳng hàng để hóa chất chảy xuyên qua buồng nhằm tạo ra một phản ứng thu nhiệt. Khi đó chúng tôi làm tê da bằng cách cho bề mặt kim loại của thiết bị tiếp xúc với da bệnh nhân”, anh nói tiếp.

Theo nhóm nghiên cứu, các phương pháp làm tê da hiện được dùng nhằm bảo vệ mọi người khỏi sự đau đớn khi tiêm ngừa hoặc không hiệu quả hoặc mất thời gian. “Giải pháp của chúng tôi vận hành theo yêu cầu tính bằng giây”, sinh viên Zhang nói.

Các sinh viên cho biết thiết bị của họ có thể được sử dụng trước khi xỏ lỗ tai hoặc xăm mình.

Theo thiết kế của nhóm nghiên cứu trẻ, thiết bị của họ thuộc loại dùng một lần để tránh phải làm vệ sinh và tái thiết lập cơ chế gây tê. Nhưng ngay cả khi không thể tái sử dụng, các sinh viên cho biết thiết bị trên vẫn không quá đắt vì được sản xuất bằng nguyên liệu rẻ tiền và sẵn có, với giá thành ước khoảng 2 USD (43.000 đồng).

Hiện nhóm sinh viên đang tiến hành đăng ký bằng sáng chế, và đang hy vọng hoàn chỉnh công nghệ và các ứng dụng khả dĩ của thiết bị trên.

Theo Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG