Sức trẻ nơi biên cương - Bài cuối: Làm trước để dân tin

Anh Vàng Kim Cương giới thiệu cầu ong được gây đàn từ tổ ong rừng. Ảnh: Xuân Tùng
Anh Vàng Kim Cương giới thiệu cầu ong được gây đàn từ tổ ong rừng. Ảnh: Xuân Tùng
TP - Nơi trắc trở điệp trùng núi đã xuất hiện những điểm sáng trong phong trào thanh niên như ở Bản Phùng, Thàng Tín (Hoàng Su Phì), Nấm Dẩn (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang). Những điểm sáng ấy đang xóa nạn tảo hôn, phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt địa phương.

Sinh năm 1985, nhìn trẻ hơn nhiều so với tuổi, Bí thư Đoàn xã Nấm Dẩn Cháng Văn Kinh (dân tộc Nùng) kể những năm trước đây, con em lấy con anh bình thường, chủ yếu diễn ra ở người Nùng và người Mông. “Khoảng 3 năm trở lại đây, Nấm Dẩn không xảy ra trường hợp tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết nào nữa”, anh Kinh hồ hởi. 

Dễ hiểu với niềm vui của Kinh, khi chính anh suýt trở thành nạn nhân của tảo hôn. Năm 2001, khi vừa học xong lớp 9, bố mẹ mai mối chuyện lấy vợ, nhưng Kinh kiên quyết không đồng ý vì sợ kết hôn sớm sẽ ảnh hưởng học hành. Tốt nghiệp khoa Quản lý kinh tế ĐH Thái Nguyên, năm 2009, anh Kinh lập gia đình với một cô giáo. Đến bây giờ nhìn lại, anh thấy đã hành động đúng.

Là Bí thư Đoàn xã, anh Kinh làm được nhiều điều cho người dân, trước hết là loại bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Theo anh Kinh, việc tuyên truyền cho bà con, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hiểu về hôn nhân cận huyết và tảo hôn rất khó nhưng không phải không làm được. 

“Tại trường học, Đoàn xã tổ chức tuyên truyền, nói chuyện với các em học sinh cấp 2. Đây là độ tuổi bắt đầu yêu đương và bị bố mẹ sắp đặt theo phong tục”, anh Kinh chia sẻ. 

Ngoài ra, các cấp chính quyền ở Nấm Dẩn cũng quyết tâm cao. Tất cả các làng bản đều áp dụng quy ước, nếu ai đến dự đám cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết thì phạt 200 nghìn đồng/người. Giữa các thôn, xã còn cùng nhau thực hiện nhiều biện pháp phòng chống hôn nhân cận huyết, tảo hôn.

“Ví dụ có thông tin con trai bản này lấy con gái bản bên mà chưa đủ tuổi thì sẽ huy động ĐVTN ra chặn đường, yêu cầu tạm dừng, mang lễ hỏi về chờ khi nào đủ tuổi mới cho tiếp tục”, anh Kinh nói. 

Phó chủ tịch xã Nấm Dẩn Hoàng Văn Thuần, đội viên dự án 600 trí thức trẻ, cho biết, phong trào phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thực sự có chất lượng. “Bây giờ không có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết nào nữa”, anh Thuần nói. 

Không chỉ phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết, Đoàn thanh niên xã Nấm Dẫn còn đạt hiệu quả trong vận động và hỗ trợ nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Có chí làm giàu

Vẫn với quan điểm đi đầu, làm mẫu để đồng bào tin tưởng làm theo, Bí thư Đoàn xã Cháng Văn Kinh và ĐVTN trong xã năng nổ phát triển kinh tế. Dẫn chúng tôi đi thăm đồi ngô ở thôn Nấm Chanh, anh Kinh cho hay, từ những năm trước, người dân thôn này chỉ trồng một vụ, sau đó bỏ hoang vì “đất xấu không trồng được”. 

“Phải làm gì đó để thay đổi suy nghĩ của bà con”, nghĩ là làm, anh Kinh huy động ĐVTN “mượn” đất của bà con rồi áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tạo đất và gieo trồng ngô.

“Tham gia trồng có 16 đoàn viên trong thôn Nấm Chanh. Năm vừa rồi mượn được 0,2ha đất trồng, thu hoạch được khoảng 6 triệu đồng”, Kinh nói. Thấy cây ngô vẫn cho ra bắp trên đất từng bị cho là cằn cỗi, bà con tin tưởng, ĐVTN đã hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc và trồng giống mới năng suất hơn. 

Không chỉ trồng ngô, trên những thửa đất cằn cỗi bỏ không, hoặc sản xuất một vụ, tại những chi đoàn khác nhau ở Nấm Dẩn còn nghiên cứu trồng thêm các loại cây như gừng, đậu tương. Chỉ tay lên khoảng đồi xanh ngắt, anh Kinh bảo, vừa đầu tư hơn 2 tạ gừng giống. 

“Chỗ này đất pha cát, bà con bỏ hoang cả chục năm nay. Mình cho anh em trồng gừng và chăm sóc thường xuyên. Đến khoảng tháng 10 sẽ thu hoạch, dự kiến thu về khoảng 10 triệu đồng”. 

Rời đồi ngô, đồi gừng, theo chân anh Kinh và hai anh em ruột người dân tộc Mông Ly Quang Kinh (SN 1988) và Ly Quán Kính (SN 1990) chúng tôi lên rừng thảo quả. Đây là mô hình thành công nhất, đoàn thanh niên xã đang triển khai. 

Ngược lên đỉnh núi, xuyên qua rừng vầu, vừa đi Cháng Văn Kinh vừa bảo, những khoản thu từ cây ngắn ngày như ngô, gừng sẽ được tái đầu tư trồng thảo quả. Hiện nay, có hơn chục hộ ĐVTN Nấm Chanh mỗi người trồng trên dưới 1ha thảo quả. Để chủ động về giống và giảm chi phí trong trồng trọt, ĐVTN xã đã xây dựng những vườn ươm.

“Cây thảo quả cho nguồn thu lâu dài tới 50 năm. Hiện giá cũng khá cao nên sẽ rất bền vững”, anh Cháng Văn Kinh nhẩm tính: “Một cân tươi có giá 25 nghìn, một cân khô là 100 nghìn. Cả vườn của ĐVTN giai đoạn đầu có thể cho thu nhập vài chục triệu đồng một vụ”. 

Là hai trong số nhiều ĐVTN tham gia trồng thảo quả ở Nấm Chanh (Nấm Dẩn), Ly Quang Kinh trồng trên diện tích 1ha, từ năm 2011.

“Nhà mình mới thu hoạch được một lần. Trong đó, một phần ươm giống để trồng tiếp, một phần mình bán lãi được hơn một triệu”, Ly Quang Kinh nói. 

“Hôm vừa rồi phải mang thảo quả chín từ trong này ra trưng bày tại Hội LHTN của huyện để giới thiệu cho mọi người”, Bí thư Đoàn xã Nấm Dẩn cho hay.

Ở Nấm Dẩn, cán bộ Đoàn đi đầu trong làm kinh tế còn có Vàng Kim Cương (SN 1987, dân tộc Nùng) - Bí thư chi đoàn thôn Na Chăn với tài nuôi ong lấy mật. Quanh chân nhà sàn và vườn có hơn chục thùng với những cầu đen kịt ong. 

Nhấc một cầu ra khỏi tổ ong, anh Cương giới thiệu: “Tất cả đều được mình lấy từ những tổ ong trong rừng. Nghe ở đâu có thì mình lại đi lấy về”... “Có đợt mình thu được hơn 30kg mật. Với giá dao động từ 130- 140 nghìn đồng, mình thu về 4-5 triệu đồng”, anh Cương nói.   

Tận dụng được lợi thế từ tự nhiên và cách làm hiệu quả, chuyện nuôi ong của anh Cương thu hút được không ít người trong vùng đến hỏi thăm, học kinh nghiệm.

MỚI - NÓNG