Tân binh, sinh viên Hà Nội - Một lứa ngang trời

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972 nhân 40 năm Giải phóng miền Nam ngày 7/4/2015. Ảnh: Minh Quân VPCP.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972 nhân 40 năm Giải phóng miền Nam ngày 7/4/2015. Ảnh: Minh Quân VPCP.
TP - Một trung đoàn bộ binh với cả ngàn chiến sỹ! Điều khác biệt họ là những sinh viên năm nhất, năm hai, năm ba của những trường Đại học danh tiếng như: Y, Dược, Bách khoa, Tổng hợp… Trong số họ nhiều người đã anh dũng hy sinh, nhiều người trút áo lính tiếp tục bút nghiên và trở thành những nhà văn, nhà báo, bác sĩ, kỹ sư, thứ trưởng, bộ trưởng, chủ tịch, bí thư tỉnh…

Câu chuyện mộc mạc của cựu binh Nguyễn Quốc Triệu như một lát cắt mỏng phần nào phác họa lớp sinh viên nô nức lên đường nhập ngũ tiến thẳng ra chiến trường khói lửa một thời.

Có lẽ ký ức chiến tranh cứ lớp lớp ùa về khiến cả chủ và khách chẳng biết bắt đầu từ đâu. Cũng phải, không còn mặc áo lính 43 năm rồi. Chiến sĩ trẻ cân nặng 46 ký lô ngày nào giờ mái đầu đã bạc, màu da sậm hằn lên bao nếp thăng trầm. Ông Triệu xuề xoà, tớ làm chính khách rồi, giờ lại kể chuyện đi bộ đội, e là không hay lắm? Liệu có phải năm tháng chiến trường rồi lại chính trường làm cho ông ngại. Thoạt ông thay đổi, nhưng cơ mà, mình nghỉ rồi, chắc chẳng có ai nói mình đánh bóng nữa đâu. Và câu chuyện bắt đầu!

Khi đó phong trào Đoàn rất sôi nổi. Tôi là Phó Bí thư liên chi đoàn của Đại học Y khoa Hà Nội (gồm 6 lớp). Lúc bấy giờ, nghĩ đến việc tòng quân đánh giặc, chống xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là điều hạnh phúc, tự hào và rất thiêng liêng. Trong đầu người thanh niên hình ảnh người bộ đội rất đẹp và sâu đậm:

Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

 Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo

 Núi không đè nổi vai vươn tới

 Lá ngụy trang reo với gió đèo…

Cuộc đời đẹp nhất là tiến ra mặt trận, giải phóng đất nước, quê hương. Các sinh viên rất thần tượng bộ quân phục anh bộ đội. Giữa nam nữ tiễn nhau đi bộ đội thì tặng nhau bút, sổ, khăn mùi xoa là tặng phẩm thông dụng của chi đoàn, bạn bè. Trong mỗi cuốn sổ thường có câu thơ của nhà thơ Vũ Cao:

Anh đi bộ đội sao trên mũ

Mãi mãi là sao sáng dẫn đường

Em sẽ là hoa trên đỉnh núi

 Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm

Người lính sinh viên là người lính có đào tạo, đọc sách nhiều, đông tây kim cổ ít nhiều cũng biết, ấy thế nên lính sinh viên đi đến đâu cũng rôm rả vui cười. Ra chiến trường thật đó, đối mặt với hy sinh thật đó, nhưng ai cũng rất vui, vẫn rất dí dỏm, vô tư hồn nhiên và cả “nghịch ngợm”. Nhớ bữa chào gia đình nơi đóng quân lên đường, có chiến sĩ tranh thủ nhét cái xu-chiêng (nịt ngực) của con gái ông chủ vào ba lô bạn. Khi nghỉ chân mở ra mới tá hỏa, vừa hoảng lại vừa buồn cười. 

Hồi đó, cả lớp học đại học, hễ là nam thì đều viết đơn tình nguyện xung phong ra mặt trận. Theo quy định, chỉ gọi nhập ngũ với sinh viên năm thứ nhất, hai, ba còn hai năm cuối sẽ tiếp tục học. Dù học đến năm ba đại học nhưng mới nhập ngũ thì đều đồng hạng binh nhì, ba tháng sau lên binh nhất, sau đó đi B (chiến trường miền Nam) thì được phong hạ sĩ. Đúng lịch lứa sinh viên Hà Nội năm đó nhập ngũ vào ngày 25/8/1971. Nhưng do bị vỡ đê sông Đuống, Bắc Ninh nên anh em sinh viên về thăm gia đình không lên kịp. Lịch nhập ngũ lùi đến ngày 06/9/1971. 

Tân binh, sinh viên Hà Nội - Một lứa ngang trời ảnh 1

Binh nhì Nguyễn Quốc Triệu 20 tuổi, ảnh chụp ngày 6/9/1971.

Cuộc chia tay diễn ra ở Nhổn và đại học Y. Xe lên tận trường đón nhưng cả đoàn cứ bịn rịn đi bộ trên quãng đường cả cây số, đến đường Trường Chinh mới lên xe. Lớp tôi khi đó có 12 người nhập ngũ, hầu hết chưa có người yêu. Toàn trường có 134 người. Hội quân ở làng Khuyến Lương, Thanh Trì, Hà Nội. Những ngày đầu nhập ngũ, anh em phải học điều lệnh, trước thẳng, sau quay… Và được học quân phong, quân kỷ. Một hôm đại đội trưởng huấn thị: “Bộ đội không được lấy cái kim, sợi chỉ của dân”! Một chiến sĩ lau tau: “Thưa, em lấy bưởi có được không”? Anh Đại đội trưởng đỏ mặt mà rằng: “Mấy anh sinh viên không được có tác phong tiểu tư sản”!

Các sinh viên tân binh đều hay hát, đàn, đá bóng, lại biết chăm sóc cháu nhỏ, dạy trẻ học, ý thức tôn trọng người già nên được dân yêu.  Ban ngày tập luyện, chiều đá bóng, tối đến đọc báo và cả hành quân đêm. 

Ông Nguyễn Quốc Triệu kể

Ba tháng ở Yên Thế, Bắc Giang, toàn bộ sinh viên được biên chế vào trung đoàn 101 nằm trong sư đoàn 325. Huấn luyện bộ binh khá vất vả như tập bắn, tập ném lựu đạn, đánh bộc phá, đào hầm, các kỹ năng như lăn, lê, bò, toài. Một số anh em láu cá thay vì đeo gạch đá đã nhét ngay lá chuối vào ba lô khi tập hành quân. May chỉ bị phạt nhẹ.  Ngay ngày đầu lên Yên Thế, việc đầu tiên được giao là mỗi tân binh phải xin 3 cây tre làm trại. Anh nào nhanh nhẹn, khéo mồm thì xin được tre ở gần doanh trại, đỡ phải vác xa. Thời gian tập luyện nhớ nhà lại đói, món quà tuyệt nhất bấy giờ là sắn, kẹo lạc, thuốc lá cuộn. Khi nào thấy anh em mang về bó sắn, y rằng lại giở võ “khéo mồm” rồi.  Bữa ăn khá đạm bạc,  chỉ có canh. Nếu bữa nào có thịt, cả mâm cùng gắp một lượt. Tiếp đó sẽ đếm xem còn đủ để gắp lượt nữa không. Tránh tình trạng anh nào nhanh tay thì gắp nhiều hơn.

Các sinh viên tân binh đều hay hát, đàn, đá bóng, lại biết chăm sóc cháu nhỏ, dạy trẻ học, ý thức tôn trọng người già nên được dân yêu. Ban ngày tập luyện, chiều đá bóng, tối đến đọc báo và cả hành quân đêm. Thời gian này, tôi gặp Nguyễn Văn Thạc, Lương Quốc Dũng, Nguyễn Văn Cường, Đinh Thế Huynh, Trịnh Quân Huấn, Đỗ Hán… trên sân bóng. Ngay lần đầu gặp, Thạc đã đọc bài thơ của nhà thơ nào đấy nói về cây bạch đàn.

Da bàn tay thường chạm với da cây

Khuôn mặt người chạm  vào mặt lá

Rừng cây ơi bạch đàn kỳ lạ quá

Không có những ngày này hồ dễ đã quen nhau…

Sau này, khi quy tập mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc về nghĩa trang huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm), tôi đã trồng bên mộ Thạc hai cây bạch đàn trắng để khắc sâu kỷ niệm với Thạc.

Sau tập luyện hơn 3 tháng ở Yên Thế, tôi được phân về trung đoàn 18, Sư đoàn 325. Vào đầu tháng 2/1972, chúng tôi đi B. Lên tàu ở Bắc Giang, xuyên qua ga Hàng Cỏ. Qua Hà Nội ai nấy đều bùi ngùi, nhớ và yêu Hà Nội cồn cào. Chúng tôi nhớ từng con người, gốc cây, công viên ở Hà Nội. Tàu tiến thẳng ga Quán Hành, dừng lại. Anh em bắt đầu đi bộ vào thị xã Hà Tĩnh, đến huyện Thạch Hà phải mắc võng ở chuồng trâu nghỉ tạm.

Ở Hà Tĩnh, các tân binh được tập luyện thêm một tháng rồi qua Quảng Bình đến Quảng Trị vượt sông Bến Hải. Thượng nguồn sông rộng chỉ khoảng 15 đến 20 mét, đơn vị vượt sông bằng bè gỗ sang bên kia vĩ tuyến. Những tân binh sinh viên ngày đó được tham chiến ngay tại chảo lửa Thành cổ Quảng Trị. Tôi được kết nạp Đảng trong trận chiến 81 ngày đêm, rồi bị thương và được chuyển ra Bắc điều trị. Sau đó lại học tiếp rồi được giữ lại trường Đại học Y. Ngày 6/9 hằng năm là ngày kỷ niệm trọng đại của những người cựu binh sinh viên ngày nào.

MỚI - NÓNG