Tận tụy sẻ chia trong tình nguyện

Bùi Văn Lâm (thứ 2, từ phải sang) đang tư vấn cho các thí sinh
Bùi Văn Lâm (thứ 2, từ phải sang) đang tư vấn cho các thí sinh
TP - Có hơn 5 năm gắn bó với chương trình “Đưa em tôi đi thi”, một trong những chương trình tiếp sức mùa thi thành công nhất hiện nay, Bùi Văn Lâm (sinh năm 1991), Chủ tịch Hội Sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội chia sẻ bí quyết thành công khi tình nguyện là luôn xem thí sinh như em của mình, tận tâm, tận tụy sẻ chia.

Không ngại nhịn đói giữa nắng như đổ lửa

Những ngày đầu mới triển khai chương trình Đưa em tôi đi thi của Hội Sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội có gặp nhiều khó khăn không?

Hôi Sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội được thành lập năm 2010. Những ngày đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhà trọ miễn phí. Ngày đó, phong trào cho thí sinh ở trọ miễn phí chưa phổ biến, chúng tôi đi gõ cửa từng nhà, gặp phải không ít sự phản ứng khó chịu của các gia đình.

Năm đó, để có đủ nhà trọ miễn phí, các tình nguyện viên (TNV) phải ở ghép với nhau để nhường phòng trọ cho các thí sinh. Làm TNV tiếp sức mùa thi rất vất vả, chạy mướt mồ hôi cả ngày dưới nắng nóng như đổ lửa hay phải bỏ bữa, nhịn đói vì công việc là chuyện bình thường. Sau mỗi mùa thi, hầu hết các TNV bị sụt cân, đen nhẻm. Riêng tôi có mùa thi bị sụt tới 4 kg, bố mẹ lo lắng tưởng tôi có bệnh gì nên bắt đi gặp bác sĩ. Tuy vậy, chúng tôi vẫn làm việc đầy đam mê và tâm huyết.

Hội lớn mạnh lên qua từng mùa thi. Hiện Hội có hơn 1.000 thành viên. Số nhà trọ miễn phí, các chuyến xe tình nguyện tăng lên qua từng năm. Nếu như hè 2013 chúng tôi tìm được 800 nhà trọ miễn phí thì năm nay có hơn 1.000 và gần 2.000 nhà trọ giá rẻ cùng 800 suất ăn miễn phí, 14 chuyến xe tình nguyện chở 800 thí sinh và phụ huynh.

Sự khác biệt của Hội tạo ra trong từng mùa tiếp sức là gì?

Điểm khác biệt là những chuyến xe miễn phí và đặc biệt chúng tôi luôn quan tâm theo sát thí sinh từ khi bắt đầu đi thi cho đến ngày thi cuối cùng. Với phương châm 2 TNV phụ trách 1 thí sinh, chúng tôi về tận quê đón thí sinh và phụ huynh, dẫn các em về nhà trọ, rồi hàng ngày đến đón đưa các em đi thi đúng giờ, an toàn. Chính sự sát sao gần gũi đó, chúng tôi khiến cho các thí sinh yên tâm hơn.

Coi thí sinh như em của mình

Đến hẹn lại lên, tiếp sức mùa thi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, bạn có bí quyết gì để chương trình tạo dấu ấn, năm sau thành công hơn năm trước?

Chúng tôi luôn tâm niệm rằng mỗi thí sinh đi thi đều là “em tôi”, là những đứa em ruột thịt của mình nên luôn tận tâm, tận tụy. Đối với các chủ nhà trọ, chúng tôi lưu thành một danh sách, không phải chờ đến mùa thi mới gọi đến họ. Thỉnh thoảng các TNV vẫn đến thăm, chơi... Điều đó tạo được sự thân tình, gần gũi nên họ rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi. Các thí sinh thi đỗ đại học cũng quay trở lại làm TNV của Hội nên tạo được sự gắn kết.

Chúng tôi thường khởi động chương trình từ tháng 2, bắt đầu bằng việc về quê tư vấn cho các em cách ôn thi, làm bài thi, chọn ngành nghề phù hợp. Sau ngày thi đại học, chúng tôi chủ động tra kết quả thi cho các em, nếu em nào không đỗ nguyện vọng 1, chúng tôi tư vấn cho các em đăng ký nguyện vọng 2. Chúng tôi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của Tỉnh Đoàn Bắc Giang, đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp chúng tôi thành công.

Không chỉ hỗ trợ các em đi thi đại học Hội còn hỗ trợ các em trong cả quá trình học đại học, có đúng không?

Đúng vậy. Mỗi mùa thi, chúng tôi chứng kiến rất nhiều thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có bạn cụt một chân, có bạn ở vùng dân tộc thiểu số nghèo không có tiền vẫn quyết tâm đi thi đại học. Những hình ảnh đó khiến chúng tôi rất xúc động nên quyết định xây dựng chương trình giúp đỡ những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn đỗ đại học.

Hiện chúng tôi đang đồng hành, hỗ trợ rất nhiều thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Như bạn Luyện, sinh viên năm thứ hai có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mẹ đã già, mẹ lại bị ung thư, Luyện vừa đi học vừa làm thêm để trang trải tiền học và gửi tiền về cho mẹ thuốc thang. Biết hoàn cảnh của bạn, chúng tôi đã kiếm việc làm thêm cho Luyện, liên hệ một nhà chùa cho bạn ấy vào ở miễn phí.

“Làm TNV tiếp sức mùa thi rất vất vả, chạy mướt mồ hôi cả ngày dưới nắng nóng như đổ lửa hay phải bỏ bữa, nhịn đói vì công việc là chuyện bình thường. Sau mỗi mùa thi, hầu hết các TNV bị sụt cân, đen nhẻm. Riêng tôi có mùa thi bị sụt tới 4 kg, bố mẹ lo lắng tưởng tôi có bệnh gì nên bắt đi gặp bác sĩ”.

Bùi Văn Lâm

Được biết hè năm 2013, Lâm được tham gia chuyến giao lưu, trao đổi đoàn tình nguyện 6 tháng tại Canada. Chuyến đi có ý nghĩa gì với Lâm?

Chuyến đi giúp tôi trưởng thành hơn nhiều và có thêm những kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức, điều hành hoạt động tình nguyện. Khi lên ý tưởng, kế hoạch cho một chương trình tình nguyện, các thủ lĩnh tình nguyện ở Việt Nam thường tự vạch ra rồi các bạn khác làm theo.

Nhưng ở nước ngoài lại khác, người thủ lĩnh sẽ lấy ý kiến của tất cả các TNV trong đội, nếu ý kiến nào nhận được sự nhất trí cao thì sẽ được đưa vào áp dụng. Điều đó sẽ tạo được sự đồng thuận trong nhóm làm tăng hiệu quả cho chương trình.

Xin cảm ơn bạn!

MỚI - NÓNG